✴️Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát là bệnh gì?

Nội dung

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn chia ra làm hai dạng cơ bản: nguyên phát và thứ phát. Trong đó, viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát là bệnh lý rất hay gặp phải đe dọa đến tính mạng con người. Khi có dấu hiệu của viêm phúc mạc nguyên phát thì người bệnh cần nhanh chóng được điều trị mới có thể kiểm soát mức độ nhiễm trùng. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng cần được can thiệp phẫu thuật để hỗ trợ điều trị tốt nhất.

 

1. Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát được hiểu như thế nào?

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát là trạng thái nhiễm khuẩn do vi khuẩn tự phát. Người bệnh thường có các triệu chứng tiêu hóa không rõ ràng hoặc thậm chí không có triệu chứng gì. Bệnh lý này lây nhiễm chủ yếu qua con đường máu, đường bạch huyết hoặc lây truyền vi khuẩn từ trong lòng ruột ra ngoài thành ruột.

Các bệnh nhân có các bệnh lý gây cổ trướng như xơ gan mất bù, tràn dịch trong khoang màng bụng,..  có nguy cơ cao mắc viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát. Từ mẫu xét nghiệm bệnh phẩm, kết quả cho thấy các tác nhân gây bệnh thường do vi khuẩn E.Coli, Bacteroides,…

 

2. Triệu chứng của viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát

2.1 Triệu chứng lâm sàng

– Rối loạn thần kinh tri giác.

– Huyết áp không ổn định.

– Đau bụng: bệnh nhân có cảm giác đau khắp vùng bụng.

Người bệnh bị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn thường cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao.

 

– Nhu động ruột giảm: một số bằng chứng cho thấy lipopolysaccharides (LPS) có mặt trên vi khuẩn gram âm khởi phát gây viêm ở lớp cơ trơn ruột, làm giảm co bóp ở cơ trơn gây táo bón nặng hơn dẫn đến tắc ruột.

– Tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng được xem là triệu chứng của bệnh. Nếu để tình trạng này tiếp diễn dai dẳng sẽ rất dễ dẫn đến liệt ruột.

– Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao.

– Thân nhiệt tăng không rõ nguyên nhân.

– Buồn nôn và nôn.

– Cảm thấy khát nước, lượng nước tiểu giảm hay táo bón.

 

2.2 Triệu chứng đặc hiệu

– Số lượng bạch cầu trong máu, và tốc độ lắng của máu tăng. Bạch cầu là những tế bào có nhiệm vụ chống lại các tác nhân lạ đi vào cơ thể. Các tế bào bạch cầu sẽ đóng vai trò là cỗ máy khử độc, sản xuất kháng thể, giải phóng các chất truyền tin hóa học, các enzym,… Xét nghiệm tốc độ máu lắng được chỉ định để theo dõi tình trạng viêm nhiễm.

– Có thể phát hiện thấy cổ trướng và xuất hiện biểu hiện bán tắc ruột. Bán tắc ruột là tình trạng khá phổ hiện ở những người bệnh phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt là phẫu thuật viêm ruột thừa, viêm phúc mạc,… Nguyên nhân gây bán tắc ruột được xác định là do người bệnh bị dính ruột hoặc giảm nhu động ruột.

 

3. Chẩn đoán phát hiện bệnh lý viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát

Để chẩn đoán được căn bệnh này phải dựa trên các biểu hiện thực thể, phân tích dịch màng bụng. Xét nghiệm hình ảnh nhằm xác định các bệnh lý tiềm ẩn, loại trừ các chẩn đoán phân biệt nghi ngờ với các triệu chứng bất thường trong ổ bụng do chuyển hóa trong nhiễm toan đái tháo đường, ngộ độc chì,… Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh viêm phúc mạc nhiễm khuẩn khi:

– Chẩn đoán được đưa ra khi bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng như đau bụng, sốt. Xét nghiệm cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao.

– Chẩn đoán nguyên nhân: Do vi khuẩn gram âm như E. Coli, Bacteroides,… gây ra.

– Thông qua xét nghiệm máu giúp đo lường số lượng bạch cầu trong máu. Dấu hiệu viêm nhiễm được tính nếu số lượng bạch cầu tăng cao. Theo đó, cấy máu là biện pháp nhằm xác định vi khuẩn gây viêm.

Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm công thức máu để chẩn đoán viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát.

 

– Xét nghiệm dịch màng bụng: nếu có dịch tích tụ, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch đem đi nuôi cấy để xác định vi khuẩn gây viêm.

– Chụp X – quang hay CT để tìm các tạng bị vỡ hoặc thủng trong bụng (nếu có).

 

4. Điều trị bệnh viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát?

Phương pháp đóng vai trò cốt lõi trong việc điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát là kiểm soát tình trạng nhiễm trùng bằng kháng sinh và có phác đồ sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp theo mức độ diễn tiến của bệnh.

Chỉ định điều trị trong viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát là khi người bệnh sốt trên 37,8°C, số lượng bạch cầu tăng và có dấu hiệu thay đổi hay rối loạn tri giác. Thường những dấu hiệu này sẽ xuất hiện ở những người bệnh xơ gan có báng bụng.

4.1 Phương pháp điều trị nội khoa

Người bệnh được làm kháng sinh đồ, điều trị bằng kháng sinh phổ rộng theo y lệnh của bác sĩ. Kháng sinh thường được lựa chọn sử dụng là kháng sinh phổ rộng cephalosporin thế hệ 3 như ceftriaxone, cefotaxime,… Nếu sau 48h các triệu chứng lâm sàng không được cải thiện thì cần phải tiến hành chọc dò màng bụng. Đây là phương pháp giúp ngăn ngừa viêm phúc mạc nhiễm khuẩn thứ phát.

Bên cạnh đó, khi tình trạng bệnh nhân cho phép thì chỉ định phẫu thuật nên được đặt ra càng sớm càng tốt. Các bác sĩ có thể bóc tách, dẫn lưu ổ gây nhiễm, làm sạch ổ bụng. Từ đó có thể kiểm soát tình trạng nhiễm trùng một cách triệt để.

4.2 Phương pháp điều trị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát ngắn ngày

– Bệnh nhân xơ gan báng bụng, xuất huyết tiêu hóa cần phải điều trị bằng kháng sinh liên tục trong một tuần. Mục đích điều trị để giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Đồng thời cũng để giảm khả năng tái xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.

– Bệnh nhân xơ gan báng bụng nhập viện vì lý do khác thì điều trị bằng kháng sinh Norfloxacin đến khi xuất viện.

4.3 Phương pháp điều trị dài ngày

Bệnh nhân đã từng bị viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát một lần cũng cần phải điều trị phòng ngừa dài ngày. Đó là bởi vì khả năng tái phát của nó là rất cao. Thời gian kết thúc điều trị phòng ngừa dài ngày khi bệnh nhân không còn dịch báng hoặc ghép gan.

 

5. Biến chứng và cách phòng ngừa viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát hiệu quả

5.1 Biến chứng

Ngay từ đầu nếu không được điều trị tích cực và kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể vượt ra ngoài phạm vi phúc mạc. Từ đó gây nhiễm khuẩn huyết rất cao. Tình trạng nhiễm khuẩn huyết có tốc độ lây lan rất nhanh rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vì mối nguy hiểm này mà việc phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng.

5.2 Cách phòng ngừa nếu liên quan đến lọc màng bụng

– Rửa sạch tay với xà phòng sát khuẩn dưới vòi nước sạch trước khi thực hiện lọc màng bụng.

– Vùng da xung quanh ống thông phải được làm sạch bằng chất khử trùng thường xuyên.

– Đeo khẩu trang mỗi khi thực hiện và phải bảo quản dịch túi lọc đúng quy cách, tham vấn bác sĩ nếu thấy ống lọc và dịch lọc có dấu hiệu bất thường.

Trong trường hợp người bệnh thường xuyên xuất hiện tình trạng tụ dịch màng bụng do các bệnh lý mạn tính khác, bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng kháng sinh. Việc làm này để ngăn ngừa bệnh lý tái phát. Không những thế, sử dụng kháng sinh và xem xét can thiệp ngoại khoa sẽ là biện pháp tích cực nhất. Cùng với đó, người bệnh cũng nên chủ động trong việc thăm khám và điều trị để cải thiện tình trạng bệnh.

Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát là bệnh lý phổ biến có xu hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây. Bệnh để lại những hậu quả vô cùng nặng nề thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do đó, không nên có thái độ chủ quan khi phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh. Cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn chuyên khoa. Qua bài viết, hy vọng các bạn đã trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phát hiện bệnh sớm nhất. Từ đó có những biện pháp phòng và điều trị bệnh để bảo vệ sức khỏe của mình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top