Viêm tụy mạn là gì?

Nội dung

Viêm tụy mạn tính là bệnh lý do viêm kéo dài dẫn đến sự xơ hóa từ từ của nhu mô tụy. Các tuyến tụy không còn khả năng tạo enzyme tiêu hóa. Tình trạng này dẫn tới sự mất khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất béo (gọi là suy tụy ngoại tiết). Đông thời xơ hóa lâu ngày của nhu mô tụy dẫn tới suy giảm sản xuất hormone insulin (suy tụy nội tiết). Khi đó, người bệnh sẽ bị suy giảm hoặc mất chức năng tụy.

 

Nguyên nhân gây viêm tụy mạn

Những nguyên nhân dẫn đến viêm tụy mạn gồm:

1. Nhóm chuyển hóa gây độc

  • Nghiện rượu, bia: Nghiện rượu là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây viêm tụy. Lạm dụng rượu sẽ gây tổn thương những tế bào tụy, gây xơ hóa dẫn tới viêm tụy mạn. Đây là nguyên nhân chủ yếu chiếm tới 70% số trường hợp bị viêm tụy mạn.
  • Thuốc lá: là yếu tố tăng nguy cơ tới viêm tụy mạn , đặc biệt là ở người uống rượu nhiều
  • Tăng mỡ máu (Triglyceride): tăng mỡ máu nhiều và lâu dài là nguyên nhân gây viêm tụy cấp và viêm tụy mạn

2. Nhóm viêm tụy cấp tái phát và viêm tụy cấp nặng

10% viêm tụy cấp sau này chuyển thành viêm tụy mạn tính.

3. Nhóm nguyên nhân do gen

Do đột biến gen, như đột biến gen PRSS1 gây viêm tụy mạn di truyền. Những đột biến gen khác gây đặc biệt là khi thiếu hụt α1 antitrypsin trong bệnh xơ hóa tụy dạng nang.

4. Do nguyên nhân tự miễn

Cơ thể người bệnh sinh ra kháng thể tự chống lại tế bào tụy của mình.

5. Viêm tụy do tắc nghẽn

  • Sỏi tụy: Người bệnh sỏi tủy có nguy cơ cao bị viêm tụy mạn nếu không có biện pháp can thiệp sớm và kịp thời.
  • Những u trong ống tụy

Một số trường hợp khác mắc viêm tụy mạn không rõ căn nguyên hay viêm tụy mạn tự phát, là do sử dụng thuốc, tiếp xúc một số hóa chất, tổn thương do tai nạn giao thông hay chấn thương ở bụng, các bệnh lý di truyền, một số thủ thuật ngoại khoa, bệnh lý nhiễm trùng.

Bệnh viêm tụy mạn không lây nhiễm. Thể viêm tuỵ này thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Bệnh xảy ra ở lứa tuổi 30 tới 40.

Chẩn đoán viêm tụy mạn tính

Chẩn đoán sớm viêm tụy mạn giúp điều trị và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh. Những phương pháp chẩn đoán viêm tụy mạn thường được chỉ định gồm:(2)

1. Chẩn đoán lâm sàng

  • Triệu chứng thường gặp là đau bụng vùng thượng vị lan ra sau lưng. Cơn đau với nhiều mức độ. Triệu chứng này thường tăng lên khi ăn.
  • Rối loạn tiêu hóa: Phân lỏng xuất hiện váng mỡ với lượng nhiều.
  • Suy dinh dưỡng: Người bệnh bị sút cân nhanh. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị phù chi, tràn dịch các màng do hội chứng kém hấp thu.
  • Đái tháo đường: Xảy ra khi tụy bị xơ hóa hơn 85%.
  • Tụy khi viêm có dấu hiệu xâm lấn đè đẩy vào những tạng lân cận dẫn tới những triệu chứng như nôn và buồn nôn, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và vàng da tắc mật.
  • Khám bụng: Bác sĩ có thể sờ thấy khối u ở trên rốn. Khối u có thể do xuất hiện nang giả tụy và tụy to.

2. Xét nghiệm cận lâm sàng

  • Tiến hành thăm dò chức năng của tụy ngoại tiết bị rối loạn. Một vài trường hợp mắc cả rối loạn chức năng nội tiết.
  • Những xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng ngoại tiết của tụy bao gồm:
    • Kiểm tra kích thích tiết secretin (secretin_cholecystokinin test).
    • Kiểm tra hơi thở C13 (cholesteryl_(C13) octanoate breath test).
    • Xét nghiệm elastase trong phân (faecal elastase test).
  • Xét nghiệm máu: Kết quả giúp bác sĩ đánh giá tình trạng dinh dưỡng; protein huyết thanh thường giảm, nhất là albumin huyết thanh.
  • Xét nghiệm khảo sát sự dò enzyme ra máu do mô tụy bị viêm gây ra, xem xét khả năng sản xuất được enzyme. Khi tụy bị xơ hóa nhiều, amylase và lipase không tăng. Xét nghiệm: xuất hiện rối loạn mỡ máu, ảnh hưởng tới đường huyết.
  • Xét nghiệm phân: Kết quả giúp bác sĩ đánh giá mức độ nhầy mỡ của phân.

3. Chẩn đoán hình ảnh

Người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang, siêu âm hay CT scan, MRI. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng cấu trúc tụy, ống tụy và những mô xung quanh để chẩn đoán viêm tụy mạn.

return to top