✴️ Xơ gan cổ trướng ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh

1. Xơ gan cổ trướng là gì?

Xơ gan cổ trướng là giai đoạn tiến triển nặng của xơ gan mất bù, trong đó chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng và không còn khả năng hồi phục. Tình trạng này thường biểu hiện bằng hiện tượng cổ trướng – tức là sự tích tụ dịch trong khoang bụng.

Ở người bình thường, khoang màng bụng giữa lá thành và lá tạng chỉ chứa một lượng dịch rất nhỏ giúp bôi trơn. Tuy nhiên, trong xơ gan mất bù, dịch (gọi là dịch cổ trướng) tích tụ nhiều trong ổ bụng, gây hiện tượng bụng phình to. Dịch này thường có màu vàng nhạt và chứa ít protein (thường là albumin).

Xơ gan cổ trướng là biểu hiện cho thấy gan không còn khả năng thải độc, tổng hợp protein và tái tạo mô gan, đồng thời làm tăng nguy cơ biến chứng nặng như nhiễm trùng dịch báng, hôn mê gan, xuất huyết tiêu hóa và đặc biệt là ung thư gan.

 

Khi bị xơ gan cổ trướng, lá gan của chúng ta sẽ bị tàn phá nặng nề

2. Nguyên nhân gây xơ gan cổ trướng

Xơ gan cổ trướng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất bao gồm:

2.1. Viêm gan virus mạn tính

  • Các loại viêm gan B và viêm gan C nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể tiến triển thành xơ gan, sau đó là xơ gan mất bù kèm cổ trướng.

2.2. Nhiễm trùng huyết

  • Nhiễm trùng nặng gây suy giảm miễn dịch và rối loạn chức năng gan, lâu dài có thể dẫn đến xơ hóa nhu mô gan và cổ trướng.

2.3. Nhiễm độc hóa chất

  • Tiếp xúc hoặc hấp thu các chất độc hại như thạch tín (arsenic), thuốc trừ sâu, hoặc các thuốc gây độc gan có thể làm tổn thương tế bào gan và dẫn tới xơ gan.

*Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài các nguyên nhân chính, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc xơ gan cổ trướng:

  • Lạm dụng rượu bia: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan tại nhiều quốc gia.

  • Béo phì: Là yếu tố nguy cơ của gan nhiễm mỡ và viêm gan không do rượu (NAFLD/NASH), có thể dẫn đến xơ gan.

  • Bệnh lý chuyển hóa: Như đái tháo đường, tăng lipid máu.

  • Yếu tố di truyền: Gia đình có người mắc bệnh gan mạn tính.

  • Sử dụng thuốc tây không kiểm soát: Nhất là các thuốc gây độc cho gan như thuốc chống lao, methotrexate, amiodarone...

3. Một vài dấu hiệu nhận biết xơ gan cổ trướng

Người bệnh cần nắm rõ một vài biểu hiện bất thường của căn bệnh này để đến ngay cơ sở uy tín thăm khám. Bởi hiện nay, đa số trường hợp khi phát hiện ra bệnh, thì bệnh đã ở giai đoạn rất nặng, làm quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn. Khi đó, chức năng gan đã suy giảm hoàn toàn và không có khả năng phục hồi trở lại. Dưới đây là một số dấu hiệu dễ dàng nhận biết bệnh như:

– Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, nên dẫn đến tình trạng sụt cân đột ngột.

– Cơ thể có thể bị phù, đặc biệt là vùng chân, ấn mềm và bị lõm, sau 1 -2 phút vết lõm mới hết.

– Ổ bụng chứa quá nhiều dịch khiến bụng phình to và chảy sệ.

– Nhiều bệnh nhân bắt đầu có một vài triệu chứng của hiện tượng hoàng đản. Người bệnh bị vàng da, vàng mắt do bệnh đã tiến triển nặng, chức năng gan suy yếu. Lâu dần vàng da có thể lan toàn cơ thể

– Khi gan mất đi chức năng thải độc cũng là lúc đường tiêu hóa bị vi khuẩn xâm nhập, tấn công gây tình trạng rối loạn tiêu hóa. Bụng to lên do chứa dịch cổ trướng. Xuất hiện những biểu hiện như: sao mạch trên da, vết bầm dưới da do viêm phúc mạc, phân nhạt màu giống màu đất sét.

– Vì gan không thể đào thải nên một lượng amoniac vẫn còn nên não có thể bị nhiễm độc. Điều này dẫn đến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, lúc ngất, lúc tỉnh.

Một vài biểu hiện của bệnh xơ gan có tình trạng cổ trướng gồm: vàng da, vàng mắt, phù nề,…

4. Những hệ lụy nguy hiểm của xơ gan cổ trướng

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh mà còn để lại những biến chứng nguy hiểm như:

– Não gan: khi các chất độc bị ứ đọng lại cơ thể không thể ra ngoài, sẽ khiến gan bị nhiễm độc nặng, gây tình trạng não gan. Nếu bệnh nhân bị não gan sẽ luôn trong tình trạng lơ mơ, thiếu tập trung, không tỉnh táo, chân tay run rẩy,…

– Ung thư gan: đây là tình trạng tiến triển rất nặng của những bệnh nhân mắc xơ gan, gây ung thư nguyên phát đối với người bệnh.

– Đặc biệt, khi chức năng bị suy yếu, gan không thể thực hiện được các hoạt động của chúng như thải độc, lọc chất có hại,…sẽ dễ khiến cơ thể bị nhiễm trùng. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng suy thận và hôn mê.

5. Các phương pháp chẩn đoán

Khi đến các cơ sở uy tín để thăm khám, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ việc chẩn đoán chính xác nhất. Một trong những xét nghiệm cần phải làm đó là:

– Thực hiện xét nghiệm máu.

– Tiến hành chụp cắt lớp (chụp CT).

– Sinh thiết gan.

6. Các phương pháp điều trị xơ gan cổ trướng

Điều trị xơ gan cổ trướng nhằm mục tiêu:

  • Giảm triệu chứng (đặc biệt là tình trạng cổ trướng),

  • Cải thiện chức năng gan còn lại,

  • Ngăn ngừa biến chứng (nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan...),

  • Kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay:

Để có một lá gan khỏe mạnh, hãy thăm khám và điều trị bệnh kịp thời để bảo vệ tính mạng cho chính bản thân mình

 

6.1. Điều trị nội khoa và chế độ ăn (Phương pháp kiểm soát hấp thu dịch)

  • Nguyên tắc điều trị: Kết hợp giữa thuốc lợi tiểuchế độ ăn giảm muối nhằm kiểm soát lượng dịch tích tụ trong ổ bụng.

  • Chế độ ăn: Giảm muối (<2g natri/ngày), hạn chế uống nhiều nước nếu có hạ natri máu, bổ sung đạm phù hợp (tránh thiếu hụt).

  • Thuốc điều trị:

    • Thuốc lợi tiểu thường dùng: Spironolactone, Furosemide.

    • Theo dõi điện giải, chức năng thận trong quá trình điều trị

6.2. Chọc tháo dịch cổ trướng (Paracentesis)

  • Chỉ định: Khi lượng dịch cổ trướng nhiều gây khó thở, đau bụng hoặc không đáp ứng tốt với thuốc lợi tiểu.

  • Kỹ thuật: Dịch được hút trực tiếp từ khoang bụng bằng kim chọc hút vô trùng.

  • Lưu ý: Sau hút dịch, có thể truyền albumin tĩnh mạch để ngăn ngừa giảm thể tích tuần hoàn.

6.3. Sử dụng tế bào gốc

  • Nguyên lý: Dùng tế bào gốc (thường là từ mô mỡ hoặc tủy xương) đưa vào gan nhằm:

    • Kích thích tái tạo tế bào gan.

    • Giảm quá trình xơ hóa gan.

    • Cải thiện tuần hoàn vi mạch trong mô gan.

  • Hạn chế:

    • phương pháp mới, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu mở rộng.

    • Chi phí cao, chưa được phổ biến rộng rãi tại các cơ sở y tế thông thường.

6.4. Ghép gan

  • Chỉ định: Xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, không đáp ứng với các biện pháp khác, kèm theo suy gan nặng (MELD score cao).

  • Quy trình: Thay thế gan bệnh bằng gan khỏe từ người hiến sống hoặc hiến tạng sau chết não.

  • Khó khăn:

    • Chi phí cao.

    • Thiếu nguồn tạng hiến.

    • Yêu cầu kỹ thuật cao và theo dõi điều trị sau ghép lâu dài.

7. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh

Để giảm áp lực cho gan, thận, người bệnh cần giảm lượng nước hấp thụ và nước báng trong bụng. Ngoài ra, để việc điều trị đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần có tâm lý điều trị vững vàng, tinh thần lạc quan, kiên trì. Không chỉ thế, chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị. Ví dụ như:

– Hạn chế lượng muối hấp thụ, hạn chế natri.

– Sử dụng thuốc lợi tiểu khi bị phù, cơ thể bị tích nước. Cần uống nước vừa đủ từ 1-1,5 lít nước mỗi ngày để tránh gây tình trạng tích nước.

– Không sử dụng các chất kích thích có hại cho gan đặc biệt là rượu, bia.

– Không ăn thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chứa dầu mỡ và cay nóng.

Trên đây là một số thông tin về bệnh xơ gan cổ trướng, hi vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức bổ ích để ngăn ngừa căn bệnh này. Hãy yêu thương, quan tâm tới cơ thể mình, khi chúng có bất kì dấu hiệu bất thường nào hãy tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top