✴️Xuất huyết tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hóa nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, đúng cách có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Vậy, xuất huyết tiêu hóa là gì? Cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé!

 

1. Xuất huyết  tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hoá là tình trạng máu chảy ra khỏi mạch máu nằm trong ống tiêu hoá. Biểu hiện lâm sàng của xuất huyết tiêu hóa là nôn ra máu, đại tiện phân đen. Xuất huyết tiêu hoá là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

2. Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa

-Nguyên nhân thường gặp: Do loét dạ dày và hành tá tràng, do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, viêm dạ dày, ung thư dạ dày, do các bệnh về máu, do suy gan, do chảy máu đường mật, do tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh…

-Nguyên nhân ít gặp: Chảy máu dạ dày trong hội chứng Malôri-Oét (Mallory-Weiss), một số bệnh của dạ dày (U lành tính, u mạch máu, thoát vị dạ dày khi vỡ gây chảy máu), do ngộ độc (urê máu cao, ngộ độc chì, thủy ngân…), do bệnh thành mạch (nhiễm trùng, dị ứng), chấn thương sọ não, suy hô hấp nặng, suy thận nặng, bỏng nặng…

Để biết chính xác nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Căn cứ trên kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về nguyên nhân cũng như đánh giá đúng về tình trạng xuất huyết tiêu hóa, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp cho người bệnh.

3. Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa

  • Đau dữ dội vùng thượng vị.
  • Cảm thấy cồn cào, nóng bỏng vùng thượng vị.
  • Mệt lả sau uống NSAIDS hoặc corticoid.
  • Nôn ra máu tươi.
  • Đại tiện phân đen hoặc có dính máu.
  • Có dấu hiệu mất máu: Ngất xỉu, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nổi da gà, da niêm mạc nhợt; có khi vật vã, giãy dụa…

4. Điều trị xuất huyết tiêu hóa

Ngay khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và điều trị kịp thời, đúng cách tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tùy vào nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa, mức độ xuất huyết và tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho người bệnh.

Các biện pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa gồm: Điều trị hồi sức, điều trị cầm máu theo nguyên nhân, nội soi, nối thông cửa chủ (với xuất huyết tiêu hóa trên).

Người bệnh cần phối hợp cùng bác sĩ, thực hiện điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được chủ quan, không chữa trị, chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc tùy tiện. Xuất huyết tiêu hóa là cấp cứu nội và ngoại khoa cần phải được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ các trang thiết bị y tế cần thiết, bác sĩ giỏi…

5. Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa như thế nào?

-Để phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa cần:

  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý đường tiêu hóa có thể biến chứng gây xuất huyết.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, nội soi đường tiêu hóa ngay khi có các triệu chứng bất thường.
  • Khi nhận thấy các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa cần kịp thời đến ngay bệnh viện để khám và chữa trị kịp thời.
  • Về chế độ ăn uống, không nên ăn các loại thức ăn sống, tái, hạn chế các loại thức ăn cay nóng, đồ uống có ga vì chúng gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ. bị chảy máu trong ống tiêu hóa, không nên ăn quá mặn…
  • Bỏ rượu bia và các loại đồ uống có chứa chất kích thích khác.
  • Không hút thuốc lá.
  • Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ tiêu hóa và bảo vệ đường tiêu hóa khỏe mạnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top