Bệnh hở van tim gây rối loạn máu lưu chuyển giữa các buồng tim, nếu không phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời có thể gây biến chứng suy tim rất nguy hiểm. Chính vì vậy rất nhiều người quan tâm rằng bệnh hở van tim có chữa được không?
Bệnh hở van tim hay còn gọi là suy van. Đây là tình trạng các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hóa, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài,… khiến cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van. Hở van tim sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược.
Bệnh hở van tim có thể do các nguyên nhân sau đây gây ra:
Những trẻ bị hở van tim ngay từ khi còn ở trong bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ được gọi là khuyết tật van tim bẩm sinh.
Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim, gây giãn các buồng tim và gây hở van tim. Bệnh về cơ tim có thể gặp trước khi sinh hoặc là biến chứng của một số bệnh khác như sốt virus, viêm nội tâm mạc.
Nhồi máu cơ tim làm tổn thương dây chằng van và gây hở van, thường gặp ở van hai lá và van động mạch chủ.
Tuổi cao có thể khiến van tim trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, vôi hóa van tim làm van tim dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua.
Tổn thương van tim do liên cầu khuẩn còn được gọi là bệnh thấp tim, chúng khiến cho van tim bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa, lâu ngày dẫn đến đóng không kín, gây tình trạng hẹp hoặc hở van.
Sa van hai lá khiến van tim nằm giữa buồng tim trên và buồng tim dưới đóng không đúng, bị lồi lên gây hở van tim. Ngoài ra một số bệnh lý khác cũng dễ gây hở van tim như động mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ, ….
Hầu hết người bệnh bị hở van tim có thể điều trị bằng thuốc, can thiệp phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim.
Điều trị thuốc chỉ có thể giúp kiểm soát hoặc làm giảm các triệu chứng đau, giảm gánh nặng cho tim và làm chậm quá trình phát triển của bệnh mà không làm hết hở van tim. Những điều trị bằng thuốc người bệnh sẽ không phải can thiệp phẫu thuật vì vậy đây là phương pháp ưu tiên trong trường hợp bệnh hở van tim ở mức độ nhẹ. Một số thuốc được sử dụng như thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc chống đông,…
Nếu việc sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp can thiệp qua da hoặc phẫu thuật tim mở phụ thuộc vào từng mức độ tổn thương van. Can thiệp (thay van tim qua da) là một kỹ thuật hiện đại nhưng chi phí còn cao. Vì vậy hiện nay nếu cần can thiệp phẫu thuật thường áp dụng phương pháp phẫu thuật tim với các trường hợp van tim cần thay thế.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hở van tim, mức độ hở van ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháo điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh