Theo bác sĩ nhi khoa, đây là bệnh không lây truyền và mang tính cơ địa nhiều hơn nhưng nguy hiểm ở chỗ có thể gây nhồi máu cơ tim ở trẻ em.
Bệnh Kawasaki được phát hiện ở Nhật và mang tên người phát hiện ra nó là bác sĩ Tomisaku Kawasaki. Bệnh này không tổn thương một cơ quan mà toàn thân, bệnh nổi trội ở các nước châu Á, còn ở châu Âu thì hiếm gặp hơn.
Trẻ mắc bệnh Kawasaki thường có biểu hiện sốt cao, kéo dài, bệnh nhân thường không đáp ứng với kháng sinh. Thứ hai là bệnh nhân đỏ mắt, đỏ niêm mạc lưỡi, lưỡi đỏ rực như quả dâu, da nổi nhiều hạch. Biến chứng 1-2 tuần, sau đó thoái lui. Bệnh Kawasaki không lây truyền mà mang tính cơ địa nhiều. Bệnh thường không để lại di chứng. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp gây hậu quả nặng nề.
Ở trẻ em rất ít khi bị bệnh tim mạch, trừ khi trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhưng riêng bệnh Kawasaki này, một số ít trường hợp biến chứng gây giãn mạch vành tiềm tàng và thậm chí gây nhồi máu cơ tim ở trẻ em. Sau tuần thứ 2, tuần thứ 3 trở đi siêu âm tim mới phát hiện giãn mạch. Tháng thứ 5, tháng thứ 6 trẻ bắt đầu có biểu hiện suy mạch vành, suy tim.
Chính vì thế, khi thấy trẻ có triệu chứng sốt kéo dài, điều trị kháng sinh không có kết quả, xét nghiệm thấy có nghi ngờ thì thường nghĩ đến bệnh này. Hiện nay, không có yếu tố 'tiêu chuẩn vàng' để xét nghiệm chẩn đoán bệnh Kawasaki.
Nếu bị bệnh, trẻ cần phải siêu âm tim định kỳ để đề phòng biến chứng tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim xảy ra sau này. Đó là điều duy nhất người ta lo lắng về biến chứng hiếm gặp của bệnh này. Thông thường thì bệnh khá lành tính và khỏi, không để lại di chứng gì.
Các bác sĩ cho biết, đây là bệnh rất khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn, bằng kinh nghiệm lâm sàng và sau khi loại trừ các bệnh lý khác, các bác sĩ mới xác định được đây là bệnh Kawasaki.
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh để có thuốc đặc trị. Có khả năng bệnh này có liên quan đến nhiễm vi trùng hay siêu vi trùng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh