✴️ Bệnh mạch vành khi nào thì nguy hiểm?

1. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp tim.

Nhồi máu cơ tim

Sự xuất hiện của mảng xơ vữa trong lòng động mạch là một điều kiện cực kỳ thuận lợi để cục máu đông hình thành. Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch gây ra cơn đau tim (nhồi máu cơ tim), hội chứng mạch vành cấp.

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất do bệnh mạch vành gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong nhanh chóng. Trường hợp được cấp cứu, họ cũng có nguy cơ gặp nhiều di chứng vì một phần mô tim đã bị tổn thương mãi mãi sau cơn nhồi máu.

Suy tim

Sở dĩ người bệnh mạch vành dễ bị suy tim là do mảng xơ vữa ngăn chặn dòng máu giàu oxy và dinh dưỡng tới nuôi cơ tim. Cơ tim bị thiếu dinh dưỡng lâu ngày sẽ co bóp tống đẩy máu yếu hơn.

Dù không đe dọa tính mạng nhanh chóng như nhồi máu cơ tim nhưng suy tim ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Với những người bệnh mạch vành tiến triển thành suy tim nặng, ngay cả những hoạt động đơn giản như đi bộ, leo cầu thang, sinh hoạt cá nhân cũng khiến họ bị khó thở, mệt mỏi, đau ngực rất khó chịu.

Rối loạn nhịp tim

Đây cũng là biến chứng mà tất cả người bệnh mạch vành cần lưu tâm. Bình thường, tim đập đều đặn 60 – 100 nhịp/phút là nhờ sự kiểm soát của hệ thống điện tim. Nhưng ở người bệnh mạch vành, cơ tim thiếu oxy có thể khiến hệ thống này bị rối loạn.

Tùy tình trạng tắc nghẽn mạch vành mà mỗi người bệnh sẽ bị rối loạn nhịp tim ở mức độ khác nhau. Có những trường hợp chỉ thấy tim đập nhanh loạn nhịp nhẹ nhưng cũng có trường hợp tim đập hơn 300 nhịp/phút (rung thất) khiến tim mất khả năng bơm máu mà không có dấu hiệu báo trước. Nếu không có thiết bị khử rung tim để khôi phục lại nhịp tim bình thường thì người bệnh có thể bị tử vong trong vài phút.

2. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào chính bạn

Có một sự thật là những người bệnh mạch vành tuân thủ điều trị tốt, nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm thấp hơn rất nhiều. Điều này đồng nghĩa, dù không thể chữa khỏi bệnh mạch vành nhưng bạn vẫn có cơ hội ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra và trở lại cuộc sống như bao người bình thường khác.

Bạn chỉ cần lưu ý rằng, tuân thủ điều trị tốt không chỉ là uống thuốc đúng giờ đúng liều theo đơn. Tuân thủ điều trị tốt còn bao gồm không bỏ quên những giải pháp kiểm soát xơ vữa mạch vành không dùng thuốc khác và thực hiện can thiệp phẫu thuật nong mạch đặt stent hay bắc cầu động mạch vành khi cần.

2.1. Hãy sử dụng thuốc đúng theo đơn

Người bị bệnh động mạch vành có thể được kê đơn 1 hoặc nhiều loại thuốc khác nhau. Đó có thể là thuốc chẹn beta để giảm cholesterol máu, thuốc chống đông để ngăn ngừa cục máu đông hay nitrat để cắt cơn đau thắt ngực. Khi sử dụng các thuốc này, bạn cần lưu ý:

  • Thuốc chẹn beta: Không được ngừng dùng thuốc một cách đột ngột vì có thể gây phản ứng ngược làm huyết áp tăng cao đột ngột hoặc rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực trầm trọng hơn. Trường hợp bạn mắc kèm bệnh tiểu đường, cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên vì thuốc chẹn beta có thể khiến bạn không cảm nhận được các dấu hiệu hạ đường huyết.
  • Thuốc nitrat: Luôn ngồi xuống trước khi sử dụng thuốc nhằm hạn chế tối đa nguy cơ hạ huyết áp quá mức. Nếu dùng Nitroglycerin dạng xịt để cắt cơn đau thắt ngực nhanh, bạn chỉ nên dùng 1 lần trong vòng 12h hoặc tối thiểu là 8h. Còn với các thuốc giảm cơn đau thắt ngực dạng giải phóng kéo dài, hãy nuốt nguyên viên thuốc, không nhai, nghiền, làm vỡ viên và uống vào 1 thời điểm cố định trong ngày.
  • Thuốc chống đông: Hãy theo dõi chỉ số đông máu INR và tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu, chấn thương, ngã, tai nạn khi dùng thuốc. Nếu dùng thuốc chống đông nhóm kháng vitamin K như Sintrom (Acenocoumarol) và Coumadin (warfarin), bạn cần hạn chế các thực phẩm có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc là trái bơ, sữa đậu nành, nhân sâm, rau họ cải, súp lơ, măng tây, gan động vật, các loại đậu.

Ngoài ra trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp các dấu hiệu bất thường nghi ngờ tác dụng phụ, bạn hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

2.2. Thực hiện can thiệp / phẫu thuật khi cần

Thuốc không giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh mạch vành. Sẽ có giai đoạn bệnh mạch vành tiến triển nặng và người bệnh buộc phải can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành để nhanh chóng khôi phục dòng máu nuôi tim.

  • Nong mạch vành đặt stent: Đây là can thiệp mạch vành được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Khi mạch vành tắc nghẽn nặng, hẹp khít (thường là trên 70%), có mảng xơ vữa mềm dễ nứt vỡ gây nhồi máu cơ tim, cảm thấy đau ngực, khó thở khi chỉ gắng sức nhẹ, người bệnh sẽ được đặt stent mạch vành. Chi phí đặt stent rơi vào khoảng 40 – 120 triệu/1 lần can thiệp. Chi phí này chưa trừ bảo hiểm y tế. Để hạn chế phải đặt stent nhiều lần, sau khi can thiệp lần 1, người bệnh cần có chế độ ăn khoa học giảm mỡ giảm muối và dùng thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch: Phương pháp này thường chỉ được áp dụng khi vị trí hẹp nằm ở đoạn mạch vành đưa máu về tim trái, ở ngã ba hoặc trong các mạch máu nhỏ khó đặt stent, nhiều đoạn tắc hẹp nghiêm trọng ở vị trí gần nhau, bị suy tim, tiểu đường. Nguyên nhân là do để bắc cầu mạch vành, bác sĩ sẽ phải mổ hở. Như vậy rủi ro bị biến chứng nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng tại vết mổ… sẽ cao hơn. Ngoài ra chi phí bắc cầu động mạch vành (120-150 triệu/1 cầu) cũng là yếu tố khiến nhiều người phải cân nhắc.

2.3. Không quên các giải pháp không dùng thuốc

Theo các chuyên gia Tim mạch, thay đổi lối sống và các giải pháp không dùng thuốc khác dù không thay thế được thuốc điều trị nhưng sẽ giúp bệnh mạch vành được cải thiện tốt hơn và duy trì sự ổn định đó trong thời gian dài. Vậy bạn sẽ cần thay đổi lối sống như thế nào khi bị xơ vữa mạch vành? Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

  • Bỏ thuốc lá và tránh xa các nơi có nhiều khói thuốc.
  • Ăn ít chất béo bão hòa, cholesterol và muối, tăng cường rau xanh hoa quả tươi trong khẩu phần ăn, hạn chế chế biến món ăn bằng cách chiên rán xào kho mặn.
  • Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là đi bộ 30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần để phát triển tuần hoàn bàng hệ. Tuần hoàn bàng hệ là những mạch máu nhỏ hình thành dưới vị trí mạch vành bị tắc hẹp giúp khôi phục lượng máu đến cơ tim. Nếu phát triển được hệ thống mạch máu này, người bệnh mạch vành sẽ giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim tốt hơn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân.
  • Hạn chế uống bia rượu và các chất kích thích khác một cách tối đa.
  • Bố trí thời gian ngủ nghỉ hợp lý để tránh bị căng thẳng quá mức.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top