✴️ Các dấu hiệu suy tim dễ nhận biết nhất

Suy tim là tình trạng suy yếu hoạt động của cơ tim, khiến tim bơm máu kém hiệu quả. Hội chứng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường tập trung ở người trên 65 tuổi. Đây cũng là độ tuổi xuất hiện các dấu hiệu lão hóa, suy giảm chức năng các cơ quan nên các triệu chứng suy tim dễ dàng bị bỏ qua. Dưới đây chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn nhận biết sớm 5 dấu hiệu của suy tim. 

1. 5 dấu hiệu cảnh bảo sớm suy tim

Với mong muốn tất cả mọi người đều có thể phát hiện sớm suy tim, Hiệp hội Suy tim Hoa Kỳ mô tả một cách ngắn gọn các triệu chứng cơ bản của căn bệnh này bằng công thức FACES:

  • F (Fatigue): Mệt mỏi, uể oải
  • A (Activity limitation): Hạn chế vận động
  • C (Congestion): Ứ dịch (ho, thở khò khè)
  • E (Edema or ankle swelling): Phù 
  • S (Shortness of breath): Khó thở

1.1. Mệt mỏi, uể oải

Thường xuyên mệt mỏi, đuối sức vào cuối ngày có thể là dấu hiệu của suy tim

Mệt mỏi, uể oải là triệu chứng gặp ở hầu hết các bệnh nhân suy tim cho dù là suy tim phải, suy tim trái hay suy tim toàn bộ. Cũng dễ hiểu vì suy tim khiến cho cơ thể không được cung cấp đủ máu và oxy. Điều này dẫn đến mức năng lượng không đủ đáp ứng các hoạt động của cơ thể. 

Ban đầu khi mức độ suy tim nhẹ, triệu chứng mệt mỏi chỉ thoáng qua, không thường xuyên, xuất hiện khi người bệnh gắng sức hoặc vào cuối ngày. Nhưng khi mức độ suy tim nặng dần lên, triệu chứng mệt mỏi theo đó cũng trở nên rõ rệt và thường xuyên hơn. Cuối cùng người bệnh cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đang nghỉ ngơi.

1.2. Hạn chế vận động

Mặc dù không phải tất cả các bệnh nhân suy tim đều bị hạn chế vận động nhưng đây là một trong các triệu chứng cơ năng dùng để phân độ suy tim.

  • Suy tim độ 1: Không có sự hạn chế vận động. Giai đoạn này người bệnh vẫn có thể vận động thể lực bình thường, không bị khó thở, mệt, hồi hộp. 
  • Suy tim độ 2: Hạn chế mức độ nhẹ các hoạt động thể lực. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể bắt đầu thấy mệt, khó thở khi gắng sức làm việc. Nhưng khi nghỉ ngơi thì người bệnh không còn thấy mệt hay khó thở. 
  • Suy tim độ 3: Hạn chế mức độ nhiều các hoạt động thể lực. Các hoạt động thường nhật như đi chợ, leo cầu tháng, tắm giặt… đều dẫn đến mệt mỏi thậm chí khởi phát các cơn khó thở, nhịp tim nhanh. Người bệnh dù nghỉ ngơi nhưng mất rất nhiều thời gian mới khỏe lại. 
  • Suy tim độ 4: Đến lúc này thậm chí nghỉ ngơi người bệnh cũng thấy mệt mỏi, khó thở. Thậm chí người bệnh phải ngủ ở tư thế ngồi, gần như không thể thực hiện hoạt động thể lực nào. 

1.3. Ứ dịch (ho, thở khò khè)

Suy tim khiến cho dịch bị ứ đọng, tích tụ trong phổi dẫn đến thở khò khè, ho dai dẳng. Đây là triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp. 

Đặc biệt, cơn ho thường xuất hiện với tần suất nhiều hơn vào ban đêm, khi nằm ho nhiều hơn. Ho có thể là ho khan, đờm khó khạc hoặc có thể ho kèm đờm trắng hoặc bọt hồng (dấu hiệu phù phổi cấp).

1.4. Phù

Người bệnh suy tim giai đoạn muộn, triệu chứng phù nề càng rõ ràng

Khi tim bị suy yếu, không đủ sức để đẩy máu từ các chi và vùng ngoại biên về tim khiến dịch bị ứ đọng tại vùng ngoại biên. Người bị suy tim hay bị hiện tượng phù những vùng thấp (chi dưới, mắt cá chân, cẳng chân, đùi) và tràn dịch các màng (mảng bụng hay cổ trướng). 

Nếu đột nhiên một ngày ngủ dậy, bạn cảm giác mặt bị căng phù, nặng mí mắt, phù bàn chân, quần áo và giày dép bỗng dưng bị chật lại, cơ thể đột ngột tăng cân (tăng hơn 2kg trọng lượng cơ thể trong 3 ngày), hãy cẩn thận vì rất có thể đây là dấu hiệu suy tim.

1.5. Khó thở

Cũng giống như triệu chứng hạn chế vận động, khó thở là một trong các triệu chứng dùng để phân loại mức độ suy tim. Dịch ứ đọng tại phổi khiến phổi gặp khó khăn trong việc trao đổi CO2 và O2 để cung cấp đủ máu giàu oxy cho cơ thể, gây thiếu máu tại các mô 

Người bệnh cảm giác khó thở, hụt hơi như đang có vật nặng đè nén lên ngực, ngăn không cho mình thở. Tình trạng này có thể xảy ra vào ban đêm khi bạn đang ngủ hay vừa nằm xuống vài phút. Nếu suy tim nặng hơn, khó thở thường trực cả ngày ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.

Khó thở là triệu chứng gặp phải ở hầu hết người bệnh suy tim

2. Một số triệu chứng suy tim không điển hình khác

5 dấu hiệu suy tim kể trên không phải dùng để chẩn đoán chính xác bạn bị suy tim. Nhưng là 5 triệu chứng giúp bạn dễ nhận ra mình bị suy tim nhất. Ngoài các triệu chứng này, suy tim còn gây ra một số triệu chứng khác như:

  • Đau ngực: Cảm giác đau tức ngực, nặng ngực như bị đè nén
  • Chán ăn: Người bệnh có cảm giác đầy hơi, buồn nôn, nôn, táo bón và đau bụng trên
  • Đau đầu, chóng mặt, cảm giác liêng biêng
  •  Lo lắng, bất an về điều gì đó không rõ ràng
  • Tim đập nhanh: Người bị suy tim thường có nhịp tim nhanh hơn, tim đập như đánh trống ngực, cảm giác như đang chạy hoặc đập dồn dập. 

3. Cần làm gì khi có dấu hiệu suy tim?

Khi nghi ngờ mình mắc suy tim, điều đầu tiên bạn cần làm là đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện siêu âm tim, điện tâm đồ ECG, X quang ngực, định lượng BNP hoặc NT-ProBNP… để xác định chính xác bạn có bị suy tim hay không và mức độ suy tim như thế nào. Cũng dựa trên các kết quả này, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bạn.

Đa phần người bệnh suy tim sẽ được điều trị tại nhà bằng thuốc kết hợp các phương pháp hỗ trợ khác như điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện, thói quen sinh hoạt… Mục tiêu là giúp người bệnh:

  • Giảm thiểu triệu chứng suy tim như khó thở, đau ngực, mệt mỏi…
  • Ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện điều trị vì suy tim tiến triển
  • Kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

3.1. Tuân thủ dùng thuốc

Suy tim phần lớn là tình trạng mạn tính, vì vậy việc sử dụng thuốc cần được duy trì hàng ngày. Ngay cả khi người bệnh cảm thấy khỏe và không có triệu chứng thì việc dùng thuốc là cách người bệnh có thể phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm của suy tim. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc, thay đổi loại thuốc, thay đổi liều dùng thuốc mà không được sự đồng ý của bác sĩ trực tiếp điều trị. 

Ngoài việc dùng thuốc điều trị, việc bổ sung sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng tim có kiểm chứng lâm sàng cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Giải pháp này sẽ giúp bạn giảm thiểu các triệu chứng khó thở, đau ngực, mệt mỏi… đồng thời ngăn ngừa suy tim tiến triển, làm giảm tần suất nhập viện tốt hơn.

3.2. Tập luyện vừa sức

Dù bị suy tim, bạn vẫn nên tập luyện thể dục vừa sức hàng ngày

Các hoạt động thể lực mặc dù có thể gây ra các triệu chứng khó chịu cho người suy tim như khó thở, mệt mỏi nhưng nó cũng giúp người bệnh: kiểm soát cân nặng, điều hòa và ổn định nhịp tim, huyết áp, thư giãn, giảm các cảm xúc tiêu cực. Vì thế, người bệnh suy tim vẫn nên duy trì tập luyện theo các lưu ý dưới đây:

  • Tập luyện ở mức vừa phải, không nên tập luyện quá sức. Nên tập luyện tăng dần cường độ, không tập nặng ngay từ đầu. 
  • Không lựa chọn các hoạt động thể lực mạnh như nâng tạ, chạy bộ. Không chọn các hoạt động tần số nhanh, liên tục như cầu lông, tennis…
  • Ngay khi thấy mệt phải dừng ngay mọi hoạt động thể lực.
  • Nếu việc tập luyện bị gián đoạn thì phải tập lại từ mức nhẹ.
  • Kiểm tra dự báo thời tiết trước khi tập luyện. Không nên tập vào những khi thời tiết mưa, lạnh, hoặc quá nắng nóng.
  • Nên chia sẻ thông tin sức khỏe và bệnh tật với huấn luyện viên hướng dẫn để các chuyên viên có thể lựa chọn bài tập phù hợp với bạn. 

3.3. Ăn uống có kiểm soát

Chế độ ăn của người suy tim cần giảm muối (< 3g muối NaCl /ngày). Riêng với người ăn nhạt tuyệt đối thì áp dụng chế độ < 1,2g muối NaCl/ngày.

Để giảm muối trong chế độ ăn, người bệnh nên ăn đồ luộc, hấp thay vì các món được tẩm ướp nhiều gia vị, không dùng nước chấm trong bữa ăn, không ăn các loại dưa muối, cà muối.

Bên cạnh đó, lượng nước (nước lọc, nước canh…) cung cấp vào cơ thể từ chế độ ăn uống cũng phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và thường ít hơn lượng nước tiểu hàng ngày. 

Đối với người bệnh suy tim nặng, tốt nhất nên hạn chế thấp nhất lượng nước nạp vào cơ thể. Nếu thấy nước tiểu có màu vàng sậm thì cần bổ sung nước cho đến khi nước tiểu trong trở lại. Và tuyệt đối người bệnh không tự ý truyền dịch tại nhà. 

Người bệnh suy tim cũng cần bỏ hút thuốc lá, không ăn sát giờ đi ngủ. Sau khi ăn cần được nghỉ ngơi ít nhất 30-40 phút trước khi nằm ngủ. 

Nhận biết sớm các dấu hiệu suy tim, có hướng điều trị kịp thời cùng chế độ chăm sóc tại nhà tích cực là chìa khóa để kiểm soát tình trạng suy tim. Đừng quá sợ hãi khi nhận kết quả chẩn đoán, tin rằng bằng quyết tâm điều trị của mình, bạn sẽ sớm phục hồi sức khỏe và trở lại làm việc sinh hoạt bình thường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top