Các triệu chứng của bệnh thấp tim trẻ em

Thấp tim là một trong những biến chứng của viêm họng do liên cầu. Đây là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm mà có thể gây đột quỵ, tổn thương vĩnh viễn cho tim và tử vong nếu không được điều trị.

Căn bệnh này thường gặp ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi, ngay cả trẻ lớn hơn và người trưởng thành cũng có khả năng mắc thấp tim. Bệnh thấp tim vẫn còn khá phổ biến ở những khu vực như vùng châu Phi hạ Sahara, Trung Nam Á và một số khu vực ở Australia và New Zealand.

Các nguyên nhân gây bệnh thấp tim

Thấp tim là một bệnh viêm do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A gây nên. Chủng vi khuẩn này cũng gây bệnh viêm họng và bệnh sốt scarlet (là một bệnh mà nguyên nhân do sự phóng thích ngoại độc tố của Streptococcus pyogenes) trong một số lượng nhỏ dân số.

Thấp tim gây viêm lan tỏa của tổ chức liên kết khớp nhưng có thể biểu hiện ở cả các cơ quan khác và đặc biệt nghiêm trọng ở tim, tổ chức dưới da và thần kinh trung ương.

 

Các triệu chứng của thấp tim

Mặc dù không phải tất cả các trường hợp viêm họng do liên cầu đều dẫn đến thấp tim nhưng biến chứng nghiêm trọng trên tim mạch này có thể phòng tránh được nếu điều trị khỏi viêm họng do liên cầu. Trẻ xuất hiện các triệu chứng sau nên được xét nghiệm nhiễm liên cầu:

  • Đau họng
  • Đau họng kèm sưng đau hạch bạch huyết
  • Ban đỏ
  • Khó nuốt
  • Dịch tiết mũi đặc và có máu
  • Sốt cao trên 38.3 độ C
  • Amidan sưng đỏ
  • Amidan có những mảng trắng và mưng mủ
  • Xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ trên vòm miệng
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Nôn

Thấp tim bao gồm các triệu chứng đa dạng khác nhau. Một người bị thấp tim có thể xuất hiện một vài hay hầu hết các triệu chứng nêu trên. Các triệu chứng thường biểu hiện từ 2 – 4 tuần sau khi trẻ được chẩn đoán bị viêm họng do liên cầu. Triệu chứng chủ yếu của viêm họng do liên cầu bao gồm:

  • Xuất hiện những hạt thấp (hạt Maynet) không đau ở dưới da
  • Đau ngực
  • Đánh trống ngực
  • Mệt mỏi, thờ ơ
  • Chảy máu cam
  • Đau dạ dày
  • Đau nhức ở khớp cổ tay, cùi chỏ, khớp gối và mắt cá chân
  • Đau ở những tổ chức liên kết khớp
  • Khớp sưng, nóng đỏ
  • Thở gấp
  • Sốt
  • Nôn mửa
  • Ban đỏ dạng phẳng, hơi nổi
  • Các chi và mặt cử động giật không kiểm soát
  • Giảm khả năng tập trung
  • Cảm xúc khóc, cười thất thường

Nếu trẻ bị sốt, trẻ có thể cần phải được can thiệp y khoa ngay lập tức. Bạn nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ bị:

  • Sốt trên 37.8 độ C đối với trẻ sơ sinh đến 6 tuần tuổi
  • Sốt trên 38.9 độ C đối với trẻ từ 6 tuần đến 2 tuổi
  • Sốt trên 39.4 độc C đối với trẻ trên 2 tuổi
  • Sốt kéo dài trên 3 ngày đối với trẻ ở mọi lứa tuổi

 

Chẩn đoán thấp tim

Bác sỹ chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh. Bạn cần cung cấp đầy đủ các thông tin nếu trẻ đã từng bị viêm họng do liên cầu. Tiếp đó, trẻ sẽ được khám thực thể để tìm:

  • Ban đỏ hay các hạt thấp (hạt Maynet) cứng dưới da
  • Nghe tim để phát hiện những bất thường tại tim
  • Yêu cầu trẻ di chuyển để đánh giá tình trạng rối loạn chức năng của hệ thần kinh
  • Đánh giá tình trạng viêm khớp
  • Xét nghiệm máu để tìm liên cầu khuẩn
  • Đo điện tâm đồ để kiểm tra các sóng điện tim
  • Siêu âm tim

 

Phương pháp điều trị thấp tim

Mục tiêu điều trị bao gồm tiêu diệt liên cầu khuẩn nhóm A và kiểm soát các triệu chứng.

Sử dụng kháng sinh

Bác sỹ sẽ kê kháng sinh để điều trị lâu dài và phòng bệnh tái phát. Trẻ có thể phải sử dụng kháng sinh kéo dài tới 5 năm.

Các thuốc kháng viêm

Bác sỹ cũng có thể kê các loại thuốc kháng viêm như corticosteroid hay thuốc chống viêm không steroid để làm giảm viêm.

Thuốc chống co giật

Trẻ có thể được kê thuốc chống co giật nếu tình trạng mất kiểm soát cử động trở nên quá nghiêm trọng.

Nghỉ ngơi tại giường

Trẻ mắc bệnh thấp tim được khuyến cáo nên nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường, hạn chế các hoạt động  trong vòng vài tuần cho tới vài tháng cho tới khi các triệu chứng chính như đau và viêm đã thuyên giảm.

 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thấp tim

Các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thấp tim ở trẻ em bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có người bị thấp tim bởi một số gen có thể khiến nhiều người dễ bị mắc bệnh hơn.
  • Một số chủng liên cầu khuẩn nhóm A có khả năng gây thấp tim hơn một số chủng khác
  • Các yếu tố thuộc về môi trường ở một số nước đang phát triển như điều kiện vệ sinh kém, mật độ dân cư quá đông, thiếu nguồn nước sạch…

 

Phòng bệnh thấp tim

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng sự tiến triển của bệnh thấp tim chính là phải điều trị sớm, hoàn toàn và triệt để viêm họng do liên cầu. Hãy đảm bảo trẻ sử dụng đúng và đủ liều thuốc được chỉ định. Ngoài ra, nên cho trẻ đi khám lại để chắc chắn rằng các vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Thực hành những thói quen vệ sinh tốt cũng giúp phòng viêm họng do liên cầu như:

  • Che miệng mỗi khi ho, hắt hơi
  • Rửa tay sạch sẽ bằng nước sạch và xà phòng
  • Tránh tiếp xúc với những người ốm
  • Không sử dụng chung những đồ dùng cá nhân với người ốm

 

Các biến chứng của thấp tim

Một khi đã bị mắc bệnh, các triệu chứng của thấp tim thường kéo dài đến vài tháng và có khả năng gây ra các biến chứng mạn tính trong một số trường hợp. Một số biến chứng bao gồm:

  • Hẹp van tim
  • Trào ngược van tim khiến cho máu chảy sai hướng
  • Tổn thương cơ tim là một dạng viêm nhiễm làm yếu cơ tim và giảm khả năng bơm máu của tim
  • Rung tâm nhĩ
  • Suy tim khi tim không còn khả năng bơm máu đi khắp cơ thể

 

Triển vọng điều trị

Những biến chứng mạn tính của bệnh thấp tim có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu trẻ bị mắc thấp tim mức độ nặng. Một số tổn thương có thể sẽ không biểu hiện rõ ràng cho  tới khi trẻ lớn hơn. Trẻ gặp phải những biến chứng mạn tính của thấp tim thường cần các phương pháp giáo dục đặc biệt và chế độ chăm sóc đặc biệt hơn so với trẻ bình thường. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top