✴️ Các nguyên nhân gây vô sinh ở Nam và nữ

Nội dung

Vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai sau quan hệ tình dục. Điều này có thể là do một trong hai vợ chồng không có khả năng sinh sản hoặc là người phụ nữ không có khả năng mang thai. Vô sinh thường được xác định là không thể có thai sau 12 tháng có các hoạt động quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng các biện pháp ngừa thai.

Tại Hoa Kỳ, có khoảng 10% các phụ nữ ở độ tuổi từ 15-44 được xác định là khó có thai hoặc mang thai. Tỉ lệ này trên toàn thế giới là khoảng 8-12%. Khoảng 45-50% các trường hợp vô sinh được xác định là do các yếu tố ảnh hưởng lên nam giới.

Các nguyên nhân ở nam

Những nguyên nhân vô sinh nam thường gặp sẽ được liệt kê sau đây.

Tinh dịch và tinh trùng

Tinh dịch là 1 dịch đục dạng sữa được tinh hoàn và dương vật xuất ra khi quan hệ tình dục. Tinh dịch chứa dịch và tinh trùng. Dịch trong tinh dịch có nguồn gốc từ tuyến tiền liệt, túi tinh và các tuyến sinh dục khác.Tinh trùng được sản xuất bởi tinh hoàn.

Khi người đàn ông đạt cực khoái và phóng tinh dịch thông qua dương vật, tinh dịch sẽ giúp tinh trùng di chuyển để gặp được trứng.

Các vấn đề có thể gặp như sau:

  • Số lượng tinh trùng thấp: số lượng tinh trùng trong mỗi lần phóng tinh ở mức thấp. Tinh trùng trong 1 lần phóng tinh dưới 15 triệu được xem là thấp. Có khoảng 1/3 các trường hợp khó có thai là do lượng tinh trùng thấp.
  • Khả năng di chuyển của tinh trùng kém: tinh trùng không thể “bơi” đồng nghĩa với không có khả năng di chuyển tới trứng.
  • Tinh trùng bất thường: tinh trùng có hình dạng bất thường làm cho nó khó di chuyển cũng như khó có thể xâm nhập vào trứng.

Nếu như tinh trùng không có hình dạng phù hợp, nó không thể di chuyển nhanh và chính xác về hướng trứng đồng nghĩa với việc khó thụ tinh. Có tới 2% đàn ông có tinh trùng không đạt được hình dạng phù hợp.

Bất thường tinh dịch dẫn tới không có môi trường phù hợp để vận chuyển tinh trùng.

Điều này có thể là do:

Các bệnh lý nội khoa: nhiễm trùng tinh hoàn, ung thư hay phẫu thuật ở tinh hoàn.

  • Tinh hoàn quá nóng: nguyên nhân có thể do sa tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc giãn tĩnh mạch bìu, sử dụng nhiều bồn tắm nóng, phòng tắm hơi, mặc quần áo bó chặt, hoặc làm việc trong môi trường nóng.
  • Rối loạn xuất tinh: ống dẫn tinh bị tắc, tinh dịch có thể phóng ngược vào trong bang quang.
  • Mất cân bằng nội tiết: teo tuyến sinh dịch có thể dẫn tới sụt giảm testosterone.

Một số nguyên nhân khác bao gồm:

  • Các yếu tố về gen: người đàn ông sẽ có nhiễm sắc thể X và Y. Nếu có 2 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y trong hội chứng Klinefelter, tinh hoàn sẽ phát triển bất thường dẫn tới sụt giảm lượng testosterone và rất ít hoặc không có tinh trùng.
  • Quai bị: nếu mắc quai bị ở thời điểm dậy thì, viêm ở tinh hoàn có thể ảnh hưởng tới sản xuất tinh trùng.
  • Lỗ tiểu lệch thấp: lỗ niệu đạo nằm dưới dương vật thay vì nằm ở đầu. Vấn đề này có thể điều trị bằng phẫu thuật. Nếu không can thiệp thì tinh trùng sẽ khó di chuyển tới cổ tử cung. Lỗ tiểu lệch thấp chiếm khoảng 1/500 trẻ sơ sinh nam.
  • Bệnh xơ nang: đây là 1 bệnh lý mãn tính làm tăng sản xuất các chất nhầy dính. Các chất nhầy này chủ yếu ảnh hưởng lên phổi nhưng ở nam giới cũng có thể làm cho tắc nghẽn ống dẫn tinh. Ống dẫn tinh có nhiệm vụ đưa tinh trùng từ mào tinh đến ống phóng tinh và niệu đạo.
  • Xạ trị: phương pháp này có thể làm giảm sản xuất tinh trùng. Mức độ nặng thường phụ thuộc vào khoảng cách vị trí xạ trị tới tinh hoàn.
  • Một số bệnh lý khác: các bệnh lý thỉnh thoảng có liên quan tới làm giảm khả năng có thai ở nam giới như thiếu máu, đái tháo đường, hội chứng Cushing và bệnh lý tuyến giáp.

Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề sinh sản ở nam giới như:

  • Sulfasalazine: thuốc kháng viêm này làm giảm đáng kể số lượng tinh trùng của nam giới. Thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh Crohn hoặc viêm khớp dạng thấp. Số lượng tinh trùng sẽ trở lại bình thường sau khi ngưng thuốc.
  • Sử dụng Steroid: thường gặp đối với những người tập thể hình và các vận động viên, sử dụng lâu dài làm giảm nghiêm trọng số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng.
  • Thuốc hóa trị: 1 số loại thuốc hóa trị làm giảm đáng kể số lượng tinh trùng.
  • Thuốc gây nghiện: sử dụng cần sa và cocain làm giảm số lượng tinh trùng.
  • Tuổi tác: khả năng sinh sản của người đàn ông giảm kể từ sau 40 tuổi.
  • Tiếp xúc với hóa chất: chẳng hạn như thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ bất thường.
  • Sử dụng quá mức rượu bia: làm giảm khả năng sinh sản của người đàn ông. Sử dụng rượu bia ở mức độ trung bình không cho thấy ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nam giới, tuy nhiên ở đối tượng có tình trạng số lượng tinh trùng thấp thì có ảnh hưởng.
  • Thừa cân hoặc béo phì: làm giảm khả năng thụ thai.
  • Tình trạng căng thẳng: stress có thể là yếu tố nguy cơ, đặc biệt nếu như nó dẫn tới giảm hoạt động quan hệ tình dục.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy sử dụng Acetaminophen lâu dài trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé trai do làm giảm sản xuất testosterone. Phụ nữ được khuyên không nên sử dụng thuốc này kéo dài hơn 1 ngày.

Các nguyên nhân ở nữ

Vô sinh ở nữ giới cũng có rất nhiều nguyên nhân.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ vô sinh bao gồm:

  • Tuổi tác: khả năng thụ thai bắt đầu giảm bắt đầu độ tuổi 32.
  • Hút thuốc lá: hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ và cũng làm giảm hiệu quả của điều trị vô sinh. Hút thuốc trong thai kỳ làm tăng khả năng sẩy thai. Hút thuốc lá thụ động cũng có liên quan tới giảm khả năng sinh sản.
  • Rượu bia: bất kì lượng cồn nào được sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai.
  • Thừa cân hoặc béo phì: làm tăng nguy cơ vô sinh giống như ở nam giới.
  • Rối loạn về ăn uống: nếu các rối loạn này làm giảm cân nghiêm trọng, các bất thường về sinh sản cũng tăng theo.
  • Chế độ ăn uống: thiếu hụt acid folic, sắt, kẽm, vitamin B12 có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản. Người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh, kể cả những người ăn chay, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để bổ sung đầy đủ chất.
  • Luyện tập, vận động: kể cả quá nhiều hoặc quá ít vận động cũng có thể gây ra các vấn đề về sinh sản.
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Chlamydia có thể ảnh hưởng tới vòi trứng ở nữ cũng như bìu ở nam. Một số bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác cũng có thể gây ra vô sinh.
  • Tiếp xúc với hóa chất: thuốc từ sâu, thuốc diệt cỏ, kim loại nặng như chì, 1 số dung môi cũng có liên quan tới bất thường sinh sản ở cả nam và nữ. 1 nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy các thành phần có trong các chất tẩy rửa gia dụng cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản.
  • Căng thẳng: stress có thể ảnh hưởng lên khả năng rụng trứng và sản xuất tinh trùng và cũng có thể giảm các hoạt động tình dục.

Các bệnh lý nội khoa

Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng lên khả năng sinh sản.

Rối loạn rụng trứng dường như là nguyên nhân phổ biến nhất của vô sinh nữ.

Rụng trứng nghĩa là buồng trứng của người phụ nữ phóng thích trứng định kỳ mỗi tháng. Trứng có thể không bao giờ được phóng thích hoặc chỉ trong 1 vài chu kỳ.

Rối loạn rụng trứng có thể do:

  • Suy buồng trứng sớm: buồng trứng ngừng hoạt động trước 40 tuổi.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: chức năng buồng trứng bất thường và quá trình rụng trứng có thể không diễn ra.
  • Tăng Prolactin máu: nếu nồng độ Prolactin trong máu quá cao, người phụ nữ không mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, sẽ ảnh hưởng tới khả năng rụng trứng và có thai.
  • Chất lượng trứng thấp: trứng bị tổn thương hoặc phát triển các bất thường về di truyền sẽ không thể thụ tinh hoặc mang thai. Người phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ này càng tăng.
  • Bất thường về tuyến giáp: cường giáp hoặc nhược giáp đều có thể làm cho mất cân bằng nội tiết.
  • Các bệnh lý mạn tính: bao gồm cả ung thư và AIDS.

Bất thường của tử cung và vòi trứng có thể ngăn trứng di chuyển từ buồng trứng vào tử cung.

Nếu trứng không thể di chuyển, sẽ rất khó để có thai tự nhiên.

Các nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật: phẫu thuật ở vùng chậu có thể gây ra sẹo hoặc tổn thương vòi trứng. Các thủ thuật ở cổ tử cung cũng có thể gây ra sẹo hoặc làm mềm cổ tử cung.
  • Xơ hóa lớp dưới niêm: các khối u lành tính ở thành cơ tử cung có thể ảnh hưởng lên khả năng làm tổ hoặc gây tắc vòi trứng, ngăn không cho tinh trùng thụ tinh với trứng. Các khối u xơ tử cung ở dưới niêm lớn có thể làm buồng tử cung lớn hơn, làm tăng quãng đường di chuyển của tinh trùng.
  • Bệnh lý lạc nội mạc tử cung: các tế bào bình thường nằm ở nội mạc tử cung phát triển bất thường ở các vị trí lạc chỗ.
  • Điều trị triệt sản trước đó: phụ nữ đã chọn thắt ống dẫn trứng trước đó nhưng muốn nối thông lại thì khả năng có thai tự nhiên trở lại là không cao.

Thuốc và một số phương pháp điều trị

Một số thuốc có ảnh hưởng khả năng sinh sản:

  • Kháng viêm không steroid NSAID: sử dụng kéo dài Aspirin hoặc ibuprofen có thể làm khó có thai.
  • Hóa trị: các thuốc hóa trị cũng có thể gây suy giảm buồng trứng, trong 1 số trường hợp có thể làm suy không hồi phục.
  • Xạ trị: nếu vị trí xạ trị càng gần buồng trứng, nguy cơ tổn thương buồng trứng cũng như vô sinh tăng dần.
  • Thuốc gây nghiện: sử dụng cần sa hoặc cocain có thể gây ra vô sinh.

Cholesterol

Có 1 nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ Cholesterol cao trong máu có thể làm giảm khả năng sinh sản của người phụ nữ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top