Chất điện giải bao gồm các loại: Ion kali, natri, calci, phospho, magne... Tất cả những ion mang điện này đều rất quan trọng, vì chúng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động chức năng của cơ bắp (bao gồm cả các cơ tim).
Các chất điện giải giúp tạo ra các xung điện trong tim, giúp tim co bóp, bơm máu một cách bình thường. Đây là lý do mất cân bằng chất điện giải có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, khiến tim đập chậm, hoặc nhanh thất thường.
Các triệu chứng mất cân bằng điện giải bao gồm: Rối loạn nhịp tim, co giật, co thắt cơ bắp, đau đầu, cảm thấy lo lắng, bồn chồn... Các triệu chứng mất cân bằng điện giải có thể khác nhau ở từng người, chính vì vậy, bạn không nên chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu nhỏ nhất.
Nên lưu ý, lo lắng, căng thẳng, thiếu ngủ, mất nước… cũng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tim mạch, càng làm trầm trọng thêm các cơn trống ngực, loạn nhịp.
Nếu lo lắng tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh của mình là do mất cân bằng điện giải, bạn có thể đề nghị các bác sỹ làm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để biết chính xác nồng độ chất điện giải trong cơ thể.
Để cân bằng điện giải một cách tự nhiên, người bệnh rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh nên có chế độ ăn lành mạnh. Bạn nên chú ý giữ nồng độ chất điện giải trong cơ thể ở mức cân bằng. Bổ sung quá ít, hoặc quá nhiều kali, natri… đều có thể gây kích hoạt cơn rối loạn nhịp.
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp giảm căng thẳng, giúp bạn ngủ ngon hơn, điều hòa nhịp tim. Cụ thể, người bệnh nhịp tim nhanh nên ăn nhiều các loại rau củ như: Khoai tây, khoai lang, rau chân vịt, quả bí, cà chua; Các loại đậu, các loại hạt như đậu nành, đậu lăng, đậu Hà Lan, hạnh nhân; Các loại trái cây như chuối, quả mơ, cam, dưa vàng… Ngoài ra, uống đủ nước trong ngày cũng sẽ giúp đảm bảo cân bằng điện giải trong cơ thể.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh