Cấu tạo của tim
Cấu tạo của tim bao gồm 5 phần, bao gồm thành tim, buồng tim, van tim, mạch máu và hệ thống dẫn truyền điện tim. Cụ thể như sau:
1. Thành tim
Trong cấu tạo của tim, thành tim (heart walls) là lớp vỏ ngoài của tim. Đây là bộ phận chứa nhiều mô cơ, có khả năng co giãn định kỳ theo nhịp để giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể. Thành tim được vách ngăn tim (septum) chia đôi ở giữa, tạo nên thành tim trái và thành tim phải. Song, dù ở bên trái hoặc phải, thành tim đều được cấu tạo từ 3 lớp màng xếp chồng lên nhau, bao gồm:
Lớp màng ngoài tim (epicardium)
Còn được gọi là thượng tâm mạc (pericardium) hoặc ngoại tâm mạc. Đây là một lớp mỏng, trong suốt, bao bọc phía ngoài cùng của quả tim và các dây dẫn truyền tín hiệu điện tim.
- Đặc điểm: Màng ngoài tim có 2 lớp, gồm một lớp mỏng bên ngoài, gọi là lá thành (parietal pericardium) và lớp còn lại là lá tạng (visceral pericardium);
- Chức năng: Màng tim ngoại và màng tim nội tạo thành một không gian kín chứa chất lỏng gọi là khoang màng ngoài tim (pericardial cavity), giúp làm giảm ma sát giữa tim và các cơ quan xung quanh khi tim co bóp.
Lớp cơ tim (myocardium)
Là lớp dày nhất và chiếm phần lớn thể tích của tim. Chúng chứa nhiều sợi cơ (muscular fibre) có khả năng co giãn linh hoạt, giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể.
Lớp nội tâm mạc (endocardium)
Là lớp niêm mạc nằm phía trong cùng của thành tim:
- Đặc điểm: Đây là lớp màng lót màu trắng, mượt mà bao phủ bên trong tim, bao gồm cả mặt trong của các van tim.
- Chức năng: Niêm mạc tim giúp máu chảy dễ dàng bên trong tim, giảm ma sát giữa máu và bề mặt tim, đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông do xơ vữa.
2. Buồng tim
Trong cấu tạo của tim, buồng tim (heart chambers) là những khoang trống nằm bên trong thành tim. Mỗi quả tim có 4 buồng tim riêng biệt, bao gồm 2 buồng nhận máu (nằm phía bên trên), được gọi là tâm nhĩ; cùng 2 buồng bơm máu (nằm phía bên dưới), được gọi là tâm thất.
Chi tiết hơn, tâm nhĩ được vách ngăn tim chia thành 2 phần, gọi là tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Tương tự, tâm thất cũng bao gồm tâm thất trái và tâm thất phải. Cùng với nhau, 4 buồng tim này tạo thành 4 “trạm trung chuyển” giúp tim nhận máu và bơm máu hiệu quả.
3. Van tim
Trong cấu tạo của tim, van tim được xem là những “cánh cổng” một chiều, thường xuyên đóng mở để giúp máu di chuyển qua các buồng tim theo một hướng cố định. Tim người có 4 loại van tim chính, bao gồm:
- Van hai lá (mitral valve): Là van nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Van này mở ra cho phép máu từ tâm nhĩ trái chảy vào tâm thất trái khi tâm nhĩ trái co lại, và đóng lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ trái khi tâm thất trái co lại;
- Van ba lá (tricuspid valve): Là van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải. Nó hoạt động tương tự như van hai lá, nhưng cho phép điều chỉnh dòng chảy của máu giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải;
- Van động mạch chủ (aortic valve): Đây là van nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Khi tâm thất trái co lại, van động mạch chủ sẽ mở ra để cho phép máu chảy vào động mạch chủ, sau đó đóng lại để ngăn máu quay ngược trở lại tâm thất trái;
- Van động mạch phổi (pulmonary valve): Là van nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Nó mở ra để cho phép máu chảy từ tâm thất phải vào động mạch phổi, và sau đó đóng lại để ngăn máu chảy ngược từ phổi vào tâm thất phải.