✴️ Huyết khối tĩnh mạch cửa

Nội dung

1. Huyết khối tĩnh mạch cửa là bệnh gì?

Tĩnh mạch cửa là tĩnh mạch lấy máu từ các cơ quan nội tạng (VD: dạ dày, ruột non, ruột già, lá lách, tụy,…) sau đó dẫn về gan. Do đó còn được gọi là tĩnh mạch cửa gan.

Huyết khối tĩnh mạch cửa chính là tình trạng thuyên tắc một hoặc nhiều nhánh của tĩnh mạch cửa do huyết khối. Tùy vào diễn biến tình trạng bệnh mà huyết khối tĩnh mạch cửa được chia làm cấp hay mãn tính.

Hình ảnh: Tĩnh mạch cửa gan (Internet)

2. Nguyên nhân

Huyết khối tĩnh mạch cửa là hậu quả của nhiều bệnh lý. Trong đó, huyết khối tĩnh mạch cửa trong xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan là nguyên nhân phổ biến nhất. Gan là một cơ quan giàu mạch máu, nên tĩnh mạch cửa rất dễ bị xâm lấn bởi các mạch máu khác trong gan khi bị xơ gan, ung thư gan. Khối ung thư gan dễ dàng xâm lấn, di căn vào tĩnh mạch cửa. Mặt khác, đây cũng là yếu tố lớn dẫn đến ung thư gan.

Ngoài ra, huyết khối tĩnh mạch cửa còn có thể gặp trong các trường hợp: viêm tụy, u tụy, viêm túi mật, viêm đại tràng ruột hoạt tử, rối loạn đông máu,…

3. Đối tượng nguy cơ

  • Mắc các bệnh lý liên quan đến nguyên nhân gây bệnh: Xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan, viêm tụy, u tụy, rối loạn đông máu,…
  • Người bị tắc tĩnh mạch
  • Mắc bệnh về gan như: viêm gan B,C
  • Di truyền
  • Sử dụng nhiều bia rượu
  • Sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, có thể gây ra những gánh nặng cho gan, nhiễm độc gan,…

4. Triệu chứng 

  • Giai đoạn cấp với các biểu hiện không rõ ràng như: đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, chán  ăn, giảm cân, tiêu chảy,…
  • Giai đoạn mãn tính có thể xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hoặc biểu hiện khác của tăng áp lực tĩnh mạch cửa như: cổ trướng, lách to, tuần hoàn bàng hệ.

5. Điều trị

5.1. Lấy huyết khối tĩnh mạch cửa

Huyết khối tĩnh mạch cửa khi không được điều trị kịp thời có xu hướng gây tắc lòng mạch, lâu ngày sẽ biến đổi thành xơ hóa tĩnh mạch cửa. Trong trường hợp huyết khối cấp tính, khu trú, có thể thực hiện phẫu thuật để mở tĩnh mạch cửa, lấy huyết khối. Phương pháp này cần được thực hiện bởi phẫu thuật viên chuyên khoa tiêu hóa, mạch máu.

Chỉ định: Trường hợp cấp tính, huyết khối khu trú ở thân chính hoặc nhánh chia đầu tiên ngoài gan: nhánh phải và nhánh trái.

Chống chỉ định:

  • Huyết khối tĩnh mạch cửa mãn tính
  • Huyết khối lan rộng vào các nhánh tĩnh mạch mạc treo tràng trên, tĩnh mạch lách, các nhánh trong gan.
  • Ung thư giai đoạn cuối, di căn xa, di căn phúc mạc.
  • Bệnh lý nội khoa nặng: tim mạch, hô hấp, rối loạn đông máu,…

5.2. Cắt đoạn tĩnh mạch cửa và nối bằng mạch nhân tạo

Sau khi clamp (kẹp) 2 đầu trên và dưới của tĩnh mạch cửa, cắt đoạn tĩnh mạch cửa có u xâm lấn. Phẫu thuật viên sẽ nối 2 đầu tĩnh mạch với đoạn mạch nhân tạo (có chiều dài, đường kính tương ứng).

Chỉ định: trong trường hợp u tụy, u đường mật xâm lấn tĩnh mạch cửa

Chống chỉ định:

  • U di căn xa, di căn phúc mạc.
  • Bệnh lý nội khoa nặng: tim mạch, hô hấp, rối loạn đông máu,…

5.3. Tắc mạch xạ trị (xạ trị chiếu chọn lọc)

Phương pháp này được áp dụng trong trường ung thư gan có huyết khối tĩnh mạch cửa. Nếu không được điều trị, khả năng sống của bệnh nhân rất thấp. Hiện nay, các chuyên gia vẫn thống nhất quan điểm về chống chỉ định phẫu thuật trong trường hợp này.

Tắc mạch xạ trị là một kỹ thuật hiện đại, mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư gan có huyết khối tĩnh mạch cửa. Đồng vị phóng xạ được đưa trực tiếp vào khối u qua đường động mạch nhằm tập trung tại chỗ liều chiếu xạ, hạn chế tổn thương nhu mô gan lành xung quanh. Phương pháp này được đánh giá có nhiều ưu điểm nổi trội so với phương pháp hóa tắc mạch qua đường động mạch trước đây.

Tuy nhiên, đây là phương pháp mới, đòi hỏi sự phối hợp của 4 chuyên khoa chính: y học hạt nhân, can thiệp tim mạch, nội tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, còn cần sự kết hợp của các bác sĩ chuyên ngành ung thư, ngoại khoa… cùng thiết bị, kỹ thuật hiện đại, chi phí lớn.

6. Cách phòng tránh bệnh

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất kích thích
  • Tạo thói quen luyện tập thể dục thể thao thường xuyên
  • Giữ tinh thần thoải mái
  • Người mắc các bệnh liên quan như: rối loạn đông máu, viêm tụy, u tụy, bị tắc tĩnh mạch,… cần thường xuyên thăm khám và theo dõi bệnh

Xem thêm: Những điều cần biết về tăng áp tĩnh mạch cửa

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top