✴️ Nguy cơ của bệnh van tim với mang thai

Nội dung

Hẹp van hai lá

Tình trạng van hai lá (ngăn giữa nhĩ trái và thất trái) bị hẹp. Nguyên nhân thường gặp là thấp tim. Đây là bệnh tim rất đáng quan tâm ở phụ nữ có thai vì khởi đầu người bệnh thường không có triệu chứng nhưng khi mang thai có thể diễn biến xấu đi do nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim hoặc do nhu cầu cung cấp máu tăng lên dẫn đến các biến chứng thường gặp là phù phổi cấp, nếu không được điều trị có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho bà mẹ và thai nhi. Vì thế, sản phụ có bệnh hẹp van hai lá nặng cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch và thường điều trị nong van hoặc phẫu thuật thay van hai lá trước khi mang thai.

 

Sa van hai lá

Bệnh phổ biến, xảy ra khi các van giữa buồng tim trên trái (tâm nhĩ trái) và buồng thấp bên trái (tâm thất trái) không đóng đúng cách. Khi tâm thất trái co, phồng nắp của van (sa) trở lên hoặc quay trở lại tâm nhĩ. Đây là bệnh thường ít gây triệu chứng và không cần điều trị. Đa số phụ nữ bị sa van hai lá có thể mang thai an toàn. Nếu sa van hai lá gây hở van tim nhiều, cần điều trị trước khi mang thai. Tốt nhất là tuân theo chỉ định của thầy thuốc.


Hở van hai lá

Khi van tim bị hở, máu ngược trở lại gây ứ ở tim, tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy cả lượng máu ứ đó đi, lâu dần sẽ bị suy yếu. Đây là nguyên nhân do di chứng thấp tim hoặc sa van hai lá. Tùy mức độ hở nặng hay nhẹ, đã có biến chứng hay chưa mà người bệnh có các biểu hiện như: mệt mỏi, khó thở, đau ngực, suy tim, rối loạn nhịp… Ở sản phụ thường dung nạp tốt nên đôi khi quá trình mang thai vẫn diễn ra bình thường (thường gặp ở sản phụ chức năng tim còn bù trừ tốt), tuy nhiên ở những sản phụ có hở van hai lá nặng, kèm theo chức năng tim đã suy giảm thì quá trình thai nghén dễ có các biến chứng khi sinh nở.



Hẹp van động mạch chủ

Nguyên nhân thường gặp là bẩm sinh hoặc do di chứng của thấp tim. Nếu mang thai sẽ tăng nguy cơ biến chứng nặng. Phụ nữ có bệnh hẹp van động mạch chủ cần đi khám khi dự định có thai. Bác sĩ tư vấn cụ thể những nguy cơ tiềm ẩn của quá trình mang thai. Nếu hẹp van động mạch chủ nặng hoặc đã có triệu chứng như khó thở, đau ngực thì cần khuyên người bệnh không nên có thai cho tới khi được phẫu thuật. Nếu đã mang thai và xuất hiện các triệu chứng sớm thì nên cân nhắc đình chỉ thai nghén.



 

Hở van động mạch chủ

Sản phụ thường dung nạp tốt khi chức năng tim còn trong giới hạn bình thường. Điều trị nội khoa với chế độ ăn giảm muối, dùng thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim cho các trường hợp hở van động mạch chủ nặng, có rối loạn chức năng thất trái và bệnh nhân có triệu chứng trên lâm sàng.

Cần lưu ý một số thuốc trong quá trình thai nghén như thuốc ức chế men chuyển (loại thuốc hay dùng điều trị trong hở van động mạch chủ) có nguy cơ dị tật với thai nhi, nên cần thay thế bằng nhóm thuốc khác. Nên trì hoãn phẫu thuật (nếu có thể) đến sau khi sinh để tránh nguy cơ gây sảy thai hay sinh non. Các bệnh nhân có triệu chứng và các bệnh nhân có rối loạn chức năng thất trái nên được theo dõi huyết động trong khi chuyển dạ và sinh.



Van cơ học (nhân tạo) và thai nghén

Những sản phụ có mang van tim nhân tạo (được thay van nhân tạo cơ học trước khi mang thai) cần dùng thuốc chống đông suốt đời và phải tiếp tục trong suốt thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, các thuốc chống đông có thể dẫn đến bệnh lý thai nhi trong thời gian từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 12, đồng thời làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu và xuất huyết nội sọ thai. Vì thế, với người bệnh mang van tim cơ học, việc mang thai sẽ dẫn đến nguy cơ lớn cho cả mẹ và thai nhi. Trong thai kỳ, thai phụ tuyệt đối tuân theo chế độ điều trị của bác sĩ tim mạch và theo dõi định kỳ của bác sĩ sản khoa nhằm phát hiện có hay không dị tật thai nhi.



Tóm lược


Bệnh van tim là căn bệnh nhiều biến chứng, nhất là với phụ nữ mang thai vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới cả mẹ và thai nhi. Nếu không có chế độ theo dõi đặc biệt từ bác sĩ, quá trình mang thai có thể xảy ra nhiều nguy cơ. Hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trong việc mang thai. Tuy nhiên, trước khi quyết định mang thai, bệnh nhân cần đi khám ở các chuyên khoa tim mạch sâu để được các bác sĩ chẩn đoán và tư vấn theo hướng tốt nhất.

Xem thêm: Bệnh cơ tim chu sinh 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top