Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Mỹ và các nước châu Âu. Ước tính ở Mỹ có khoảng 1 triệu bệnh nhân nhập viện mỗi năm vì nhồi máu cơ tim cấp và có khoáng 200.000 đến 300.000 bệnh nhân tử vong hàng năm.
Còn ở Việt Nam, nếu những năm 1950, nhồi máu cơ tim là bệnh hiếm gặp thì hiện nay, tại Viện Tim mạch Việt Nam, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhập viện. Phần lớn bệnh nhân đến viện khi bệnh đã quá nặng gây nhiều khó khăn trong điều trị. Mà nguyên nhân là do người dân thiếu kiến thức về bệnh. Bệnh nhồi máu cơ tim được chia ra nhiều cấp độ khác nhau, mặc dù rất khó phân biệt nhưng cũng cần biết về dấu hiệu ban đầu để điều trị bệnh có hiệu quả.
Thường rất ít người đến viện ở giai đoạn sớm trong 6 giờ đầu để được hướng phác đồ điều trị bằng thuốc. Việc đánh giá, tiên lượng cấp độ bệnh đóng vai trò quan trọng giúp thầy thuốc có thái độ xử trí, theo dõi, cũng như giải thích cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân được tốt hơn.
Để chẩn đoán xem bệnh nhân có bị bệnh nhồi máu cơ tim hay không, việc đầu tiên là phải thăm khám thực thể như nghe tim phổi, khai thác các triệu chứng qua thăm hỏi bệnh nhân. Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất giúp cho bệnh nhân nhận biết được đó là cơn đau thắt ngực.
Tuy nhiên đau ngực cũng là triệu chứng thực thể của một số bệnh lý tim mạch khác. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh nhồi máu cơ tim, các chuyên gia chia ra làm hai nhóm: nhóm yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như giới tính, tuổi tác, lịch sử gia đình có người bị bệnh tim mạch và nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như thói quen sinh hoạt, hút thuốc lá, lười vận động, chế độ ăn uống, bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, tăng huyết áp…
Các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cũng giống như các bệnh tim mạch khác và ngay cả một số biểu hiện ban đầu cũng rất dễ gây nhầm lẫn. Để xác định chính xác được bệnh, người ta đã qui định một số tiêu chuẩn trong chẩn đoán để giúp các bác sĩ có những căn cứ cụ thể xác định căn bệnh này.
Trong một số trường hợp nhồi máu cơ tim có thể xảy ra mà bệnh nhân không hoặc ít cảm giác đau, tình trạng này thường hay gặp ở những bệnh nhân bị tiểu đường, tăng huyết áp hoặc ở những bệnh nhân cao tuổi mà chuyên môn gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng.
Có trường hợp ngay cả trên điện tâm đồ cũng khó thấy được rõ ràng dấu hiệu nhồi máu cơ tim vì vậy cần áp dụng thêm một số biện pháp chẩn đoán khác để xác định chính xác được bệnh. Sau khi đã chấn đoán chính xác được mức độ bệnh, bác sĩ sẽ quyết định xem nên áp dụng phác đồ điều trị nào là thích hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.
Trước hết nếu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa bằng thuốc hay còn gọi là điều trị ban đầu với mục tiêu là giảm nhẹ triệu chứng đau ngực và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim.
Trong thời gian này, bác sĩ sẽ theo dõi diễn biến bệnh và điều chỉnh thuốc cho thích hợp. Điều trị ở giai đoạn này còn bao gồm cả việc điều trị các yếu tố nguy cơ kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hoá lipid máu… nhằm giải quyết triệt để nhất sự tiến triển tiếp theo của bệnh.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc người ta có thể áp dụng điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân, với mục đích làm thông lại đoạn mạch bị tắc, tái tưới máu cho vùng cơ tim bị nhồi máu. Người ta có thể tiến hành phẫu thuật bắc cầu, nối mạch máu từ động mạch chủ qua chỗ động mạch bị tắc, để đảm bảo máu được cung cấp đủ cho cơ tim.
Việc điều trị sớm tái tưới máu sẽ làm giảm mức độ hoại tử cơ tim, cũng có nghĩa là làm giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Hiện nay, bên cạnh phương pháp mổ bắc cầu nối còn có một phương pháp mới tiên tiến rất có hiệu quả đó là can thiệp mạch qua da.
Đây là phương pháp mang nhiều tính ưu việt, có khả năng khôi phục lại hình dáng đọng mạch vành gần như ban đầu mà ít gây tổn thương cho bệnh nhân, thời gian nằm viện được rút ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh.
Phương pháp can thiệp qua da đã được áp dụng tại Viện tim mạch Việt Nam từ năm 1997 cho khoảng hơn 1.000 bệnh nhân, và cho kết quả tốt. Nói chung, các phương pháp điều trị tái tưới máu có hiệu quả hơn khi bệnh nhân được can thiệp sớm.
Nếu thời gian được tái tưới máu trong vòng 1 giờ đầu, kể từ khi đau, thì lợi ích là lớn nhất. Một trong những điều cần lưu ý là muốn duy trì được kết quả sau can thiệp, bệnh nhân cần tuân thủ mọi chỉ định của bác sỹ kể cả việc dùng thuốc và chế độ sinh hoạt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh