Những thông tin về đái tháo nhạt

Mặc dù nghe tên thì đái tháo đường và đái tháo nhạt có vẻ liên quan đến nhau, nhưng thực ra, lại không có mối liên quan nào giữa 2 căn bệnh này cả. Đái tháo đường, gồm có đái tháo đường typ 1 và typ 2 là dạng bệnh phổ biến hơn.

Chưa có cách chữa trị nào có thể chữa khỏi tình trạng đái tháo nhạt, nhưng điều trị có thể làm giảm bớt triệu chứng khát nước và uống nhiều, cũng như sẽ đưa lượng nước tiểu mà bạn thải ra ngoài về mức bình thường.

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo nhạt bao gồm:

  • Rất khát nước
  • Bài tiết ra rất nhiều nước tiểu loãng

Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà lượng nước tiểu cơ thể bài tiết ra có thể lên tới 15 lít/ngày trong trường hợp bạn uống rất nhiều nước. Thông thường, một người trưởng thành khỏe mạnh chỉ thải ra lượng nước tiểu trung bình khoảng 3 lít/ngày.

Những dấu hiệu khác của bệnh đái tháo nhạt bao gồm tiểu đêm và đôi khi là cả đái dầm.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị đái tháo nhạt có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Quấy khóc không rõ nguyên nhân hoặc khóc không ngừng nghỉ
  • Khó ngủ
  • Sốt
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Chậm phát triển
  • Sụt cân

 

Khi nào cần đến khám bác sỹ?

Bạn nên đến khám bác sỹ ngay lập tức nếu nhận thấy mình xuất hiện 2 dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh đái tháo nhạt, bao gồm bài tiết nhiều nước tiểu và thường xuyên khát nước.

 

Nguyên nhân

Đái tháo nhạt xảy ra khi cơ thể bạn không thể điều chỉnh được lượng nước mà bạn hấp thu vào. Thông thường, thận sẽ loại bỏ nước thừa ra khỏi máu. Lượng nước thừa này sẽ được lưu giữ tạm thời ở bàng quang dưới dạng nước tiểu, trước khi được tống ra ngoài. Khi hệ thống điều chỉnh lượng nước trong cơ thể hoạt động tốt, thận sẽ bảo tồn lượng dịch thừa này và sẽ tạo ra ít nước tiểu hơn trong trường hợp lượng nước của cơ thể đang có dấu hiệu hạ xuống, ví dụ như khi bạn ra mồ hôi nhiều.

Lượng nước cũng như độ đặc của dịch cơ thể sẽ được duy trì cân bằng thông qua sự phối hợp giữa việc bài tiết nước tiểu cũng như việc bổ sung nước bằng đường uống. Lượng nước được bổ sung vào cơ thể được điều chỉnh chủ yếu bằng cảm giác khát, và đôi khi do thói quen, bạn có thể sẽ bổ sung nhiều hơn lượng nước cơ thể cần. Lượng nước tiểu bài tiết ra ngoài bởi thận chịu sự ảnh hưởng của hormone chống bài niệu (ADH), còn được gọi là vasopressin.

Cơ thể sẽ sản xuất ra hormone ADH ở vùng dưới đồi và lưu trữ lượng hormone này tại tuyến yên – một cơ quan nhỏ nằm ở nền sọ và được coi là tuyến chủ nội tiết của cơ thể. ADH sẽ được giải phóng vào máu khi cơ thể bắt đầu bị mất nước.  Khi đó, ADH sẽ bắt đầu cô đặc nước tiểu lại bằng cách kích hoạt các tiểu quản của thận để giải phóng nước ngược lại vào máu, thay vì giải phóng nước ra ngoài dưới dạng nước tiểu.

Các cách mà hệ thống này bị ảnh hưởng, sẽ xác định loại đái tháo nhạt mà bạn mắc phải:

Đái tháo nhạt trung ương (Central diabetes insipidus): Nguyên nhân của đái tháo nhạt trung ương ở ngừơi trưởng thành thường là do tổn thương tuyến yên hoặc vùng dưới đồi. Những tổn thương này sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, dự trữ và giải phóng hormone ADH của cơ thể. Những tổn thương dạng này thường là do phẫu thuật, do khối u (ví dụ u tuyến yên), do bệnh tật (ví dụ như viêm màng não), do viêm hoặc do chấn thương vùng đầu. Với trẻ nhỏ, nguyên nhân có thể là do một rối loạn di truyền. Trong một số trường hợp là không rõ nguyên nhân.

Đái tháo nhạt thai kỳ (Gestational diabetes insipidus):  Đái tháo nhạt thai kỳ rất hiếm gặp và chỉ xảy ra trong khi mang thai, khi một enzyme do bánh rau thai tiết ra sẽ phá hủy lượng hormone ADH của người mẹ.

Chứng uống nhiều tiên phát (Primary polydipsia): Tình trạng này còn được gọi là đái tháo nhạt dipsogenic hoặc uống nhiều do tâm lý, có thể gây ra việc bài tiết một lượng lớn nước tiểu loãng. Nguyên nhân của tình trạng này ít khi là do vấn đề với hormone ADH mà thường là do việc uống quá nhiều nước. Bản thân việc uống quá nhiều nước trong thời gian dài có thể gây tổn thương thận và làm giảm lượng ADH, làm cho cơ thể bạn không thể cô đặc nước tiểu được. Chứng uống nhiều tiên phát có thể là hậu quả của việc khát nước bất thường gây ra do tổn thương cơ chế điều chỉnh việc khát, nằm ở vùng dưới đồi. Uống nhiều tiên phát cũng có liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trong một số trường hợp đái tháo nhạt, bác sỹ không thể tìm ra được nguyên nhân gây bệnh là gì.

 

Các yếu tố nguy cơ

Đái tháo nhạt do thận thường xuất hiện ngay khi sinh hoặc một thời gian ngắn sau khi sinh ra, và thường có nguyên nhân là do di truyền, sẽ làm thay đổi vĩnh viễn khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Đái tháo nhạt do thận thường ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn, mặc dù phụ nữ cũng có thể truyền gen này cho các con của mình.

 

Biến chứng

Mất nước

Trừ trường hợp uống nhiều tiên phát sẽ khiến cơ thể giữ quá nhiều nước, các dạng đái tháo nhạt còn lại đều khiến có thể bị mất nước, không hoạt động bình thường được. Mất nước có thể gây ra các dấu hiệu như:

  • Khô miệng
  • Thay đổi độ đàn hồi của da
  • Hạ huyết áp
  • Tăng natri máu
  • Sốt
  • Đau đầu
  • Tim đập nhanh
  • Sụt cân

Mất cân bằng điện giải

Đái tháo nhạt có thể gây ra mất cân bằng điện giải. Điện giải là các chất khoáng có trong máu, ví dụ như kali và natri – giúp duy trì lượng dịch trong cơ thể. Mất cân bằng điện giải có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi, thờ ơ
  • Buồn nôn
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Co thắt các cơ (chuột rút)
  • Lú lẫn

 

Chẩn đoán

Do dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt có thể có nguyên nhân là do các bệnh khác, nên bác sỹ có thể sẽ tiến hành một vài xét nghiệm. Nếu bác sỹ xác định bạn bị đái tháo nhạt, thì bác sỹ sẽ cần phải xác định được loại đái tháo nhạt mà bạn mắc phải là gì, vì cách điều trị mỗi loại đái tháo nhạt sẽ khác nhau.

Một số loại xét nghiệm bác sỹ thường sử dụng để xác định loại đái tháo nhạt trong một số trường hợp bao gồm:

Water deprivation test: Đây là xét nghiệm giúp chẩn đoán xác dịnh và giúp xác định được nguyên nhân đái tháo nhạt. Dưới sự theo dõi y khoa, bạn sẽ được yêu cầu không được uống nước trong một khoảng thời gian, để bác sỹ kiểm soát được sự thay đổi thể trọng của cơ thể, lượng nước tiểu bài tiết ra, độ đặc của nước tiểu và máu khi không được bổ sung nước bằng đường uống. Bác sỹ cũng có thể sẽ đo lường lượng ADH trong máu hoặc theo dõi quá trình tổng hợp ADH thông qua xét nghiệm này. Trẻ em và phụ nữ có thai nếu làm xét nghiệm này sẽ cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng, lượng nước mà cơ thể mất đi trong khi làm xét nghiệm là dưới 5%.

Tổng phân tích nước tiểu:  Đây là xét nghiệm sẽ phân tích các tính chất vật lý và hóa học của nước tiểu. Nếu nước tiểu của bạn ít đặc hơn so với bình thường, có nghĩa là lượng nước cao hơn lượng các chất khác, thì có thể là bạn đã bị đái tháo nhạt.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ vùng đầu là một kỹ thuật không xâm lấn sử dụng sóng có từ tính mạnh để cho thấy hình ảnh chi tiết về các mô não. Bác sỹ có thể sẽ yêu cầu bạn chụp cộng hưởng từ để xem xét các bất thường tại tuyến yên hoặc gần tuyến yên, nếu có.

 

Điều trị

Điều trị đái tháo nhạt phụ thuộc vào dạng đái tháo nhạt mà bạn mắc phải. Các lựa chọn điều trị phổ biến cho các loại đái tháo nhạt bao gồm:

Đái tháo nhạt trung ương: Vì nguyên nhân của dạng đái tháo nhạt này là thiếu hormone ADH, nên việc điều trị thường sẽ là sử dụng hormone tổng hợp tên là desmopressin. Bạn có thể sử dụng desmopressin dưới dạng xịt mũi, viên uống hoặc đường tiêm. Nếu nguyên nhân là do bất thường tại tuyến yên hoặc vùng dưới đồi, ví dụ như có khối u, thì bác sỹ sẽ điều trị những bất thường này trước.

Desmopressin chỉ là loại thuốc uống khi cần, bởi vì ở đa số các trường hợp, thiếu ADH là không hoàn toàn, cơ thể vẫn có thể sản xuất ra một lượng ADH nhất định, nhưng sẽ thay đổi theo từng ngày. Sử dụng quá nhiều desmopressin có thể gây ra tình trạng giữ nước, hạ natri máu. Triệu chứng hạ natri máu bao gồm thờ ơ, đau đầu, buồn nôn và co giật trong trường hợp nặng. Trong những trường hợp đái tháo nhạt trung ương nhẹ, bạn chỉ càn tăng lượng nước uống hàng ngày.

Đái tháo nhạt do thận: Là do thận không đáp ứng với ADH, do vậy không thể điều trị bằng desmopressin. Thay vào đó, bác sỹ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện chế độ ăn ít muối để làm giảm lượng nước tiểu mà thận tạo ra. Bạn cũng cần uống đủ nước để tránh không bị mất nước. Thuốc  hydrochlorothiazide dùng đơn thuần hoặc phối hợp với các thuốc khác cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Mặc dù hydrochlorothiazide là một thuốc lợi tiểu, nhưng trong một số trường hợp, có thể làm giảm sự bài tiết nước tiểu ở những người bị đái tháo nhạt do thận. Nếu triệu chứng đái tháo nhạt do thận là do dùng một số loại thuốc, bạn không nên tự ý ngừng sử dụng các loại thuốc đó mà không hỏi ý kiến bác sỹ.

Đái tháo nhạt thai kỳ: Đa số được điều trị bằng desmopressin. Trong trường hợp hiếm gặp, nguyên nhân gây bệnh là do cơ chế điều chỉnh khát gặp vấn đề thì bác sỹ sẽ không kê desmopresin.

Uống nhiều tiên phát: Không có cách điều trị cụ thể cho dạng đái tháo nhạt này ngoài việc làm giảm lượng nước uống vào. Tuy nhiên, nếu tình trạng này là do các vấn đề về tâm thần gây ra, thì việc điều trị các vấn đề tâm thần có thể sẽ làm giảm bớt các triệu chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top