Ít người tin rằng những lựa chọn đơn giản như ăn cái gì, đáp ứng với stress ra sao, tập luyện thể dục bao nhiêu là vừa, có nên hút thuốc lá hay không, sự thân mật và các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống có thể tạo ra sự khác biệt mạnh mẽ đối với sức khỏe và trái tim của chúng ta. Nhưng sự thực một lối sống lành mạnh có thể làm thay đổi các nguyên nhân cũng như diễn tiến của bệnh tim mạch.
Trong vài thập kỷ qua cộng đồng đã trở nên nhận thức rõ hơn về vai trò của cholesterol đối với bệnh tim mạch. Lúc đầu chỉ cho rằng cholesterol có vai trò thứ yếu, nhưng ngày nay cholesterol có vai trò hàng đầu gây ra bệnh tim mạch. Vì sao cholesterol lại rất quan trọng, đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Cũng không phải hoàn toàn do tăng huyết áp, hay hút thuốc lá, hay lười vận động. Tất cả các yếu tố nguy cơ đã được biết này chỉ giải thích được một nửa số bệnh lý tim mạch mà chúng ta thấy. Rõ ràng, còn có yếu tố gì khác nữa.
Thật khó mà đo được vai trò của những stress về cảm xúc đối với trái tim, do vậy sự quan trọng của nó thường ít được quan tâm. Y học hiện đại dựa trên các bằng chứng khoa học và căn cứ vào những cái có thể đong đếm và quan sát được. Cho dù như vậy thì những cái đo đếm được cũng chưa chắc đã phải là điều quan trọng nhất. Chúng ta có thể mắc sai lầm nếu chỉ tin vào những cái có thể đong đếm được. Cholesterol và huyết áp có thể đo được một cách dễ dàng. Các thuốc hiệu quả rất sẵn trên thị trường có thể giúp giảm cả hai yếu tố đó. Trong trường đại học các bác sĩ không được dạy làm cách nào để đương đầu với những căng thẳng trong cuộc sống của mình hay dạy những kỹ năng đó cho bệnh nhân của mình.
Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và bị trầm cảm. Họ rất cần nói chuyện với ai đó, nhưng các bác sĩ không có thời gian vì có quá nhiều việc phải làm. Hằng ngày họ phải đi buồng khám bệnh nhân, nghe tim phổi và chỉ định điều trị, làm bệnh án... Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi có những người không biết rằng những đau khổ về cảm xúc hay nỗi cô đơn về tinh thần có thể ảnh hưởng đến bệnh tim.
Bệnh tim biểu hiện bằng các triệu chứng cần phải điều trị. Nhưng nếu chỉ điều trị các triệu chứng này thôi thì sự cải thiện sức khỏe của người bệnh sẽ không nhiều và bệnh có thể lại tái phát ở thể này hay thể khác. Nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành hay được can thiệp động mạch vành qua da thường nghĩ rằng mình đã được điều trị khỏi, bởi vì hết triệu chứng đau thắt ngực. Hầu hết các bệnh nhân này trở về nhà và lại tiếp tục thực hiện lối sống như trước đây, một lối sống đã gây ra bệnh tim mạch. Họ lại hút thuốc, ăn chế độ nhiều chất béo, nhiều cholesterol, luôn căng thẳng trong cuộc sống, không chịu tập thể dục đều đặn.
Nhiều người lệ thuộc quá nhiều vào những tiến bộ của y học như các thuốc mới, các kỹ thuật mổ mới, kỹ thuật cao và đắt tiền mà không tin rằng những lựa chọn đơn giản như ăn cái gì, đáp ứng với stress ra sao, tập luyện thể dục, các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống có thể tạo ra sự khác biệt mạnh mẽ đối với sức khỏe và cảm giác khỏe mạnh của chúng ta. Nhưng sự thực đúng là như vậy. Phẫu thuật bắc cầu nối hay can thiệp động mạch vành qua da đôi khi cần thiết khi bệnh nhân không ổn định hay bệnh đặc biệt nặng. Mặc dù phẫu thuật và can thiệp rất tốn kém, có tới một nửa những mảnh ghép cầu nối bị tắc lại sau 5 - 10 năm và có khoảng 20% các động mạch vành được đặt stent bị hẹp hay tắc lại sau một năm.
Trên thực tế thì mảng xơ vữa chỉ là một trong nhiều cơ chế làm ảnh hưởng đến dòng máu tưới cho tim. Động mạch vành có thể bị co thắt, làm giảm dòng máu đến tim. Các tế bào máu được gọi là tiểu cầu có thể kết tập lại hay vón cục lại, tạo thành cục máu đông có thể gây tắc một phần hoặc hoàn toàn dòng máu chảy qua một nhánh động mạch vành. Tất cả những cơ chế này đều bị ảnh hưởng bởi lối sống mà bạn lựa chọn hằng ngày, những cái bạn ăn, bạn đáp ứng với căng thẳng tâm lý như thế nào, bạn có hút thuốc lá hay không... Trong khi sự tắc nghẽn do mảng xơ vữa phải mất nhiều năm để hình thành (và do vậy sự thoái triển của các mảng xơ vữa cũng chậm chạp), những cơ chế khác thì rất năng động và có thể tạo ra sự cải thiện rất nhanh chóng.
Stress sẽ làm tăng huyết áp và nồng độ cholesterol máu, độc lập với chế độ ăn. Những kỹ thuật kiểm soát stress sẽ làm giảm nồng độ cholesterol máu và làm giảm huyết áp, độc lập với chế độ ăn uống. Hơn nữa hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tập thể dục đều đặn làm giảm nguy cơ. Một lối sống lành mạnh có thể làm thay đổi các nguyên nhân cũng như diễn tiến của bệnh tim mạch. Bệnh nhân cũng cần được học cách làm thế nào để giữ cho đầu óc luôn yên tĩnh và đạt được sự kiểm soát nhiều hơn về những suy nghĩ của mình, làm thế nào để lắng nghe những cảm nhận khác và cảm nhận của chính cơ thể mình, làm thế nào để cảm thấy có sự liên hệ mật thiết với những người khác và với chính bản thân họ, làm thế nào để yêu và cảm nhận tình yêu một cách đầy đủ hơn.
Can thiệp thay đổi lối sống một cách tích cực là cách phòng, chữa bệnh có chi phí rất rẻ. Thay đổi lối sống không chỉ giúp chúng ta sống lâu hơn, thọ hơn mà còn sống tốt hơn. Hãy thử thay đổi và tự cảm nhận. Rồi bạn sẽ thấy từ kinh nghiệm của chính bản thân mình một sự thay đổi ngoạn mục về sức khoẻ sau những thay đổi đơn giản về lối sống có thể mang đến cho cuộc sống của bạn.
91% bệnh nhân giảm được tần số đau thắt ngực khi thay đổi chế độ ăn, tập luyện thể dục
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy chỉ cần thay đổi chế độ ăn, tập thể dục với mức độ trung bình, thực hành một số kỹ thuật giảm căng thẳng và tham gia câu lạc bộ bệnh nhân trong vòng vài tuần thì đã có tới 91% bệnh nhân giảm được tần số cơn đau thắt ngực do bệnh tim. Hầu hết các bệnh nhân hết đau hoàn toàn, cho dù có những người trước đây đã từng bị đau ngực nhiều khi thực hiện những công việc thường ngày. Trong vòng một năm, những tắc nghẽn trầm trọng của động mạch vành được cải thiện ở hầu hết các bệnh nhân.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh