Tăng huyết áp đột ngột có nguy hiểm không?

Nội dung

Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng tăng cao bất thường của các chỉ số huyết áp. Huyết áp tăng quá cao và đột ngột gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị đột quỵ, thậm chí tử vong. Cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu nguyên nhân khiến huyết áp tăng một cách đột ngột và cách xử trí.

 

1. Như thế nào gọi là tăng huyết áp đột ngột?

Huyết áp bình thường của một người trưởng thành ở mức 120/80mmHg được xem là bình thường. 

Một người được chẩn đoán là cao huyết áp khi huyết áp tâm thu (lúc tim co bóp)  từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương (lúc tim nghỉ ngơi) từ 90 mmHg trở lên.

Khi các chỉ số huyết áp tăng cao bất thường, lên 200mmHg, thậm chí trên 200mmHg thì được kết luận là tăng huyết áp một cách đột ngột. 

 

Huyết áp đột nhiên tăng cao bằng hoặc trên 200 mmHg là một điều không thể coi thường.

 

2. Người bị có huyết áp tăng đột ngột thường có biểu hiện gì?

Bên cạnh chỉ số huyết áp tăng cao đột ngột, người bệnh có thể có nhiều biểu hiện đi kèm như:

  • Đột ngột yếu liệt nửa người 
  • Liệt mặt, miệng méo
  • Đau ngực, khó thở, ho ra máu
  • Giảm thị lực, nhìn mờ, chảy máu cam
  • Lú lẫn, lừ đừ, mất khả năng diễn đạt
  • Tiếp xúc chậm, không phối hợp được tứ chi

Ngoài ra, một số triệu chứng cảnh báo khác có thể xuất hiện như:

  • Đau đầu, vai gáy, cứng cổ,…
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Cảm giác buồn nôn, nôn 
  • Thấy bứt rứt, lo lắng khó chịu

Nếu thấy những biểu hiện mơ hồ này, bạn cần kiểm tra huyết áp ngay để đảm bảo rằng huyết áp của mình vẫn bình thường. Nếu huyết áp tăng quá cao, hãy nghỉ ngơi hoặc đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời. 

 

3. Các tác nhân gây tăng huyết áp 

Huyết áp luôn thay đổi tùy vào hoạt động co bóp của tim, cảm xúc và sức khỏe của con người.

3.1. Sử dụng quá nhiều thuốc

Một số loại thuốc điều trị có thể khiến chỉ số huyết áp của bạn tăng cao một cách đột ngột. Điển hình là NSAIDs (ibuprofen hay aspirin).  Ngoài ra, sự kết hợp không hợp lý của một số loại thuốc cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp bất ngờ.

3.2. Hút thuốc lá, uống rượu bia gây tăng huyết áp đột ngột

Khói thuốc chưa đến hơn 7000 chất độc khác nhau. Trong đó, nicotine có nguy cơ tổn thương các mao mạch dẫn đến mạch máu bị giảm tính đàn hồi, khó đối phó với sự thay đổi liên tục của huyết áp. Điều này có thể dẫn đến tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột.

3.3. Chế độ ăn uống 

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với người mắc bệnh huyết áp. Thói quen ăn uống không tốt như sử dụng những thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa  cao, nồng độ natri (muối) cao có khả năng dẫn đến huyết áp tăng cao. Các chất này làm tăng hàm lượng chất tan và các chất béo trong máu. Đây là nguyên nhất hàng đầu gây tích tụ trong các mao mạch, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạch máu.

 

Bệnh nhân bị tăng huyết áp có thể bị chảy máu cam

 

3.4. Các yếu tố khác

  • Thay đổi vị trí, tư thế 
  • Uống cà phê hay hút thuốc lá trong thời gian dài 
  • Căng thẳng, xúc động, lo lắng…
  • Các bệnh lý như bệnh thận, u trong tuyến tiết hormone, tăng cân, mất cân bằng nội tiết tố, chấn thương cột sống…

 

4. Tăng huyết áp bất thường nguy hiểm như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, huyết áp có thể đươc điều hòa về mức bình thường với sự phối hợp của nhiều cơ quan trong cơ thể.

Tuy nhiên, khi có quá nhiều yếu tố tác động hoặc tác động với cường độ mạch, cơ thể sẽ không đủ khả năng điều hòa, khiến huyết áp tăng cao đột ngột.

Huyết áp tăng cao và tăng nhanh liên tục thường khiến áp lực dòng máu trong lòng mạch quá lớn. Điều này dễ dẫn đến các biến cố tim mạch như: tắc hẹp động mạch, vỡ mạch máu, suy tim cấp, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…

Ngoài các bệnh lý tim mạch, bệnh nhân có thể phù phổi cấp, suy thận cấp, chảy máu cam, xuất huyết võng mạc dẫn đến mù lòa…

 

5. Cách xử trí khi huyết áp tăng đột ngột

Khi thấy có một trong các biểu hiện trên, người bệnh cần thực hiện những điều sau:

  • Nằm nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể, hít sâu, thở đều
  • Di chuyển vào chỗ thoáng mát, yên tĩnh, tránh âm thanh, ánh sáng quá mạnh 
  • Đo huyết áp: 

+ Nếu huyết áp từ 140 160mmHg thì có thể nghỉ ngơi, theo dõi ở nhà. 

+ Nếu huyết áp trên 160mmHg và vẫn tiếp tục tăng cao, có thể sử dụng một số loại thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ. Nếu đã dùng thuốc mà tình trạng vẫn không thuyên giảm, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. 

 

6. Phòng tránh huyết áp tăng cao đột ngột

Bệnh tăng huyết áp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể cải thiện được nếu bạn tuân thủ, thực hiện các biện pháp sau:

6.1. Hạn chế cà phê, rượu và thuốc lá

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng caffeine và cồn bạn nên dùng hàng ngày. Ngoài ra, bỏ thói quen hút thuốc lá bằng cách dùng đến các lựa chọn thay thế sẽ giúp bạn sớm cải thiện huyết áp.

6.2. Ăn nhạt hơn giúp giảm tình trạng tăng huyết áp đột ngột

Muối là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tăng huyết áp. Vì vậy, lựa chọn các thực phẩm ít muối, giảm lượng muối, khi chế biến có thể giúp ngăn chặn cao huyết áp hiệu quả. Sử dụng các loại gia vị khác nhau để thay thế muối để món ăn đậm đà mà vẫn an toàn cho sức khỏe.

6.3. Giảm chất béo bão hòa, giảm cholesterol xấu

Đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, đồ chiên rán thức ăn chế biến sẵn là “kẻ thù” của bệnh nhân cao huyết áp. Hãy tránh xa các loại thực phẩm này nếu không muốn bị tăng huyết áp bất thường. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các thực phẩm tươi như trái cây, rau và chất béo không bão hòa. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc điều trị cao huyết áp.

6.4. Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục là rất có lợi đối với sức khỏe tim mạch. Việc này cũng giúp đốt cháy lượng chất béo dư thừa, giúp cơ bắp khỏe mạnh. Bạn nên xây dựng chế độ tập thể dục phù hợp để giúp ích cho việc điều trị bệnh.

Ngoài ra, bạn còn có thể phòng ngừa huyết áp tăng đột ngột bằng những loại thực phẩm dinh dưỡng sau, bao gồm: chanh, tỏi, cần tây,…

Các biện pháp trên đây chỉ có tính chất tham khảo, hỗ trợ. Để giúp huyết áp trở lại bình thường và ổn định, cần một phác đồ điều trị hiệu quả đến từ các chuyên gia tim mạch.

Tóm lại, nếu tăng huyết áp đột ngột nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra các biến cố như tắc hẹp động mạch, vỡ mạch máu, suy tim cấp, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…Vì vậy, nếu thấy hiện tượng này, bạn nên xử trí ngay. Và sau đó, huyết áp có bình thường lại hay không cũng nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị nếu cần

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top