✴️Tràn dịch màng ngoài tim

Tràn dịch màng ngoài tim là một tình trạng bệnh lý khá thường gặp trên lâm sàng. Bệnh có thể hoàn toàn thầm lặng, không có triệu chứng nhưng cũng có thể nguy kịch đến tính mạng bệnh nhân trong bệnh cảnh ép tim. Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào số lượng dịch cũng như bản chất của dịch.

 

I. Tràn dịch màng ngoài tim không có dấu ép tim:

1.  Triệu chứng lâm sàng:

a. Triệu chứng cơ năng:

-Thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

- Đôi khi bệnh nhân có biểu hiện đau âm ỉ, đè ép nặng ngực.

b. Triệu chứng thực thể:

- Dịch màng tim số lượng ít thường khó thấy các dấu hiệu trên khám thực thể.

- Dịch màng tim số lượng nhiều có thể thấy các dấu hiệu tiếng tim mờ, dấu hiệu của Edwart (gõ đục, tiếng thổi của phế quản) và ran ở phổi do chèn ép thứ phát.

 

2. Cận lâm sàng

a. Điện tâm đồ (ĐTĐ): Kinh điển sẽ thấy dấu hiệu điện thế thấp lan tỏa. Dấu hiệu luân phiên điện học hay gặp trong các trường hợp dịch màng tim nhiều.

b. Chụp tim phổi: Bóng tim không thay đổi khi dịch màng tim chỉ dày 1 đến 2mm, tim to thường chỉ thấy trong các trường hợp có tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều hơn 250ml.

c. Siêu âm tim: Là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán và theo dõi tràn dịch màng ngoài tim.

d. Các xét nghiệm khác: như siêu âm qua thực quản, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ trường hạt nhân có thể áp dụng trong một vài trường hợp để nghiên cứu kỹ hơn về màng ngoài tim.

e. Xét nghiệm dịch màng tim: ở những trường hợp dịch nhiều có chọc hút dẫn lưu. Các xét nghiệm cần làm là tìm trực khuẩn lao, sinh hóa, vi khuẩn và tế bào học.

3.Điều trị:

a. Nguyên lý chung: Điều trị bao gồm điều trị bệnh nguyên, điều trị các biến động về huyết động do dịch màng tim gây ra.

b. Điều trị chọc dẫn lưu dịch màng ngoài tim qua da:

+Chỉ định trong các trường hợp ung thư, nhiễm khuẩn vi khuẩn, nấm.

+Chọc dịch màng ngoài tim không nên chỉ định ở các trường hợp dịch màng tim ít.

 

II. Tràn dịch màng ngoài tim có dấu hiệu ép tim:

1. Triệu chứng lâm sàng:

a. Triệu chứng cơ năng:

Biểu hiện trên lâm sàng là bệnh cảnh của cung lượng tim thấp: bồn chồn, lo lắng hoặc kích thích, lơ mơ ngủ gà, có thể xỉu đi; giảm thể tích nước tiểu; đặc biệt là biểu hiện khó thở; cảm giác chèn ép ngực; suy sụp, chán ăn và gầy sút trong các trường hợp tràn dịch màng ngoài tim mạn tính.

b. Triệu chứng thực thể:

- Tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm, thở nhanh, nhịp tim nhanh, tiếng cọ màng ngoài tim, tiếng tim mờ.

- Các triệu chứng giống như suy tim phải: gan to, tĩnh mạch cổ nổi, có thể có tràn dịch màng phổi phối hợp.

- Tụt huyết áp và dấu hiệu mạch đảo được xác định là huyết áp giảm thấp hơn 10mmHg khi bệnh nhân hít vào sâu.

2. Cận lâm sàng

- Siêu âm tim qua thành ngực: Là phương pháp bắt buộc phải thực hiện khi nghi ngờ có ép tim trên lâm sàng.

- Các dấu hiệu của ép tim bao gồm:

+ Có dịch ở trong khoang màng ngoài tim (biểu hiện bằng các khoảng trống về siêu âm tim).

+ Giãn tĩnh mạch chủ dưới. Tĩnh mạch chủ dưới giãn hơn 50% khi bệnh nhân hít vào sâu là dấu hiệu rất nhạy (97%) nhưng độ đặc hiệu chỉ là 40% trong chẩn đoán ép tim.

+ Thất trái giả phì đại.

- Thông tim phải (Áp dụng tại cơ sở có tim mạch can thiệp):

3. Điều trị:

a. Điều trị nội khoa: Bao gồm bồi phụ đủ dịch, thuốc nâng huyết áp nếu có tụt áp như Norepinephrine, Dobutamine, tránh dùng các thuốc giãn mạch như Nitroglycerine, Nitroprusside...

b. Điều trị chọc dẫn lưu qua da: Có thể thực hiện nhanh chóng trong điều kiện cấp cứu, ít xâm lấn hơn các phương pháp khác và chỉ cần sự chuẩn bị tối thiểu.

c. Nong màng ngoài tim bằng bóng qua da (Áp dụng tại cơ sở có tim mạch can thiệp): Chỉ nên áp dụng khi có nhiều kinh nghiệm và ở các bệnh nhân ung thư gây tràn dịch màng ngoài tim.

d. Phẫu thuật (Áp dụng tại cơ sở có trung tâm mổ tim): Trong các trường hợp tràn dịch phức tạp, sau mổ hay tái phát dịch thì có thể chỉ định phẫu thuật dẫn lưu dịch màng ngoài tim

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top