Đào tạo liên tục là các khóa đào tạo ngắn hạn, bao gồm: đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức y khoa liên tục (Continuing Medical Education - CME); phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development - CPD); đào tạo chuyển giao kỹ thuật; đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác cho cán bộ y tế mà không thuộc hệ thống văn bằng giáo dục quốc dân.
Theo đó, có thể hiểu đào tạo liên tục dành cho cán bộ y tế là các khóa đào tạo ngắn hạn, bao gồm:
- Đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ;
- Cập nhật kiến thức y khoa liên tục (Continuing Medical Education - CME);
- Phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development - CPD);
- Đào tạo chuyển giao kỹ thuật;
- Đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác cho cán bộ y tế mà không thuộc hệ thống văn bằng giáo dục quốc dân.
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BYT và Điều 1 Thông tư 26/2020/TT-BYT thì hiện nay có 04 hình thức đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế sau đây:
- Tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn trong và ngoài nước theo hình thức tập trung hoặc trực tuyến (E-learning) được cấp chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận: thời gian tham gia đào tạo liên tục được tính theo thực tế chương trình đào tạo.
- Hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học trong và ngoài nước về lĩnh vực chuyên môn y tế có xác nhận của đơn vị chủ trì tổ chức căn cứ vào chương trình của hội thảo, hội nghị, tọa đàm: thời gian tham gia đào tạo được tính cho người chủ trì hoặc có bài trình bày tối đa 8 tiết học và người tham dự tối đa 4 tiết học cho mỗi hội thảo/hội nghị/tọa đàm.
- Thực hiện nghiên cứu khoa học; hướng dẫn luận án, luận văn; viết bài báo khoa học đã được công bố theo quy định: được tính tối đa 12 tiết học cho người hướng dẫn luận án, chủ trì/thư ký đề tài cấp Nhà nước hoặc cấp Bộ; 8 tiết học cho hướng dẫn luận văn hoặc chủ trì/thư ký đề tài cấp cơ sở (tính tại thời điểm luận văn được bảo vệ thành công hoặc đề tài được nghiệm thu đạt).
- Biên soạn giáo trình chuyên môn được tính tối đa không quá 8 tiết đối với 1 tài liệu do người đứng đầu đơn vị xem xét (tính vào thời điểm xuất bản); cán bộ y tế không phải là giảng viên của cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ được tính theo thời gian thực tế.