Hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và văn hóa ứng xử khi tham gia môi trường mạng

Nội dung

I. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

1. Quy định quản lý

- Luật Công nghệ thông tin;

- Luật An ninh mạng;

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng;

- Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

- Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng;

- Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội;

- Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

2. Quy định xử phạt vi phạm hành chính

- Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

- Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản;

- Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

3. Các văn bản khác liên quan

- Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

II. MỘT SỐ KỸ NĂNG KHAI THÁC, SỬ DỤNG THÔNG TIN TRÊN MẠNG

1. Kỹ năng thu thập, tìm kiếm thông tin

- Thông tin thu thập được cần đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Chính xác: thông tin từ các nguồn tin chính thống, các nguồn tin đáng tin cậy, đã được kiểm chứng hoặc có cơ sở để kiểm chứng.

+ Phù hợp: thông tin thu thập phải phù hợp với mục đích, nhu cầu cần khai thác.

+ Kịp thời, đúng thời điểm: thông tin, số liệu thu thập phải là thông tin phù hợp với thời điểm cần khai thác thông tin.

- Thực hiện tìm kiếm thông tin trên mạng Internet: thông qua các công cụ tìm kiếm như: Google, Cốc Cốc, Bing… Để nâng cao hiệu quả của việc tìm kiếm và cho ra kết quả tập trung, không dàn trải, người dùng cần xác định rõ từ khóa tìm kiếm (từ khóa xác định một phần hoặc toàn bộ nội dung cần tìm kiếm), đưa nội dung tìm kiếm vào trong dấu “”, tìm kiếm theo tên miền, theo định dạng tập tin (.doc, .pdf…), sử dụng các thuật toán tìm kiếm (+, -, and, or).

- So sánh, đối chiếu, đánh giá từ các nguồn thông tin tìm kiếm được để chọn lọc thông tin tin cậy, phù hợp với mục đích cần tìm kiếm.

2. Kiểm chứng thông tin

- Kiểm tra nguồn tin: Nguồn tin chính thức là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ (quy định tại Khoản 18 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, các nguồn tin có nội dung đáng tin cậy là các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được các cơ quan chức năng cấp phép.

- Kiểm tra tên miền truy cập: là tên miền quốc gia Việt Nam hay tên miền Quốc tế, cụ thể:

+ Tên miền quốc gia Việt Nam được quy định tại khoản 3, 4 Điều 7 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, cụ thể: Báo điện tử, Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội thuộc đối tượng cấp phép phải sử dụng ít nhất một tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.

+ Xem xét tên miền quốc tế tình trạng đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông bằng cách tra cứu qua địa chỉ: www.thongbaotenmien.vn tại mục Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.

- Kiểm tra thông tin cơ quan chủ quản trang thông tin điện tử: thực hiện kiểm tra trên giao diện trang chủ các nội dung sau: Tên Báo hoặc trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), người chịu trách nhiệm nội dung, địa chỉ liên hệ, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, thông tin giấy phép (bao gồm: số giấy phép, ngày cấp, cơ quan cấp) (nếu có).

- Kiểm tra nội dung thông tin:

+ Kiểm tra sự đồng nhất giữa tiêu đề và nội dung bài viết, tránh các bài viết giật tít để thu hút lượt xem trong khi thông tin không liên quan. Tin tức giả mạo thường có nội dung mang tính giật gân, thương mại; những tin này thường không có cơ sở thực tế.

+ Kiểm tra thời điểm đăng phát thông tin nhằm xác định tính chính xác của thông tin, tránh trường hợp sử dụng thông tin cũ rồi dán mốc thời gian mới hoặc cố tình mập mờ về thời gian nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc. Việc kiểm tra, xác minh thời điểm đăng phát và thời điểm diễn ra thông tin giúp người sử dụng tránh được trường hợp bị dẫn dắt theo mục đích của người phát tán thông tin.

+ Kiểm tra video clip và hình ảnh trong bài viết có chân thực, có chỉnh sửa hay cắt ghép không, có phù hợp với nội dung không.

+ Kiểm tra thông tin: tra cứu thông tin tại các nguồn tin chính thống khác.

III. KỸ NĂNG SỬ DỤNG VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN TRÊN MẠNG

1. Nhận diện thông tin xấu, độc hại, giả mạo

- Những thông tin sai trái có tính chất chính trị như: Xuyên tạc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận đường lối, thành tựu cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước ta; xuyên tạc lịch sử dân tộc, xúc phạm quốc ca, quốc kỳ; bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh lực lượng vũ trang.

- Những thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm công nghệ thông tin như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát mã độc.

- Những thông tin xuất phát từ những trang thông tin điện tử, tài khoản cá nhân hoặc từ những trang, tài khoản không thuộc cơ quan báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước.

- Những thông tin kích động xu hướng ly khai, kêu gọi xuống đường biểu tình; phá hoại an ninh trật tự, phá hoại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo nước ta.

- Những thông tin vi phạm các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: truyền bá lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống dân tộc.

- Ngoài ra, về mặt pháp luật, việc nhận diện thông tin xấu, độc đã được thể hiện tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP và trong Luật An ninh mạng.

2. Phương thức, thủ đoạn hoạt động

- Lợi dụng các trang mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube làm công cụ, sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp, lợi dụng những ý kiến, đánh giá, nhận xét của các cá nhân, tổ chức có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, tạo dựng các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để chia sẻ, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt chống phá.

- Sử dụng điện thoại thông minmh, máy tính bảng… để quay phim, chụp ảnh, truyền tải video, hình ảnh livestream trực tiếp từ hiện trường nhằm dẫn dắt, hướng dư luận đến các vấn đề tiêu cực.

- Cắt ghép các hình ảnh, video hoặc sử dụng các thông tin cũ có hiệu ứng kích động tư tưởng đối với cộng đồng mạng để xuyên tạc, lôi kéo người dân.

- Sử dụng tài khoản mạo danh các đồng chí lãnh đạo, lực lượng chức năng (quân đội, công an) có ảnh hưởng đến cộng đồng để phát huy tối đa khả năng lan truyền thông tin gây hoang mang dư luận.

- Tạo hiệu ứng đám đông trên không gian mạng bằng cách huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (đa số là các tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước để tác động tiêu cực đến nhiều người.

3. Cách xử lý khi phát hiện thông tin xấu, độc hại, giả mạo

Khi phát hiện các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng tải thông tin xấu, độc, giả mạo cần thực hiện:

- Lưu lại bằng chứng (lưu lại đường link, chụp ảnh màn hình tin, bài viết, video nghi là thông tin xấu, độc hại, giả mạo,…).

- Gửi bài viết phản hồi để cảnh báo, thông báo cho người quản lý trang thông tin điện tử (thông qua địa chỉ liên hệ tại chân trang hoặc tính năng phản hồi của trang) hoặc nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xóa bỏ các thông tin vi phạm.

- Thông báo tin giả, tin sai sự thật hoặc tài khoản mạng xã hội, các trang mạng giả mạo cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân (kèm theo bằng chứng) đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo các cách sau:

+ Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) với đường dẫn www.tingia.gov.vn hoặc gọi đến đường dây nóng (hotline) 18008108 để báo thông tin.

- Sau khi cơ quan chức năng chính thức khẳng định thông tin phản ánh là tin giả, tin sai sự thật, nên chia sẻ, lan toả thông tin đã được khẳng định để cộng đồng mạng nâng cao cảnh giác và tránh vi phạm pháp luật.

IV. CÁC PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN CỦA DẠNG TỘI PHẠM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

- Sử dụng đầu số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) gọi điện cho người dân để phục vụ điều tra, phạt tiền,…gây hoang mang người dân, từ đó chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp.

- Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, lòng tin và sự thương người để lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo.

- Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng Facebook, Zalo, Tinder, Telegram.

- Tấn công tài khoản mạng xã hội của người bị hại, kết bạn trong danh sách bạn bè, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền.

- Tấn công hộp thư điện tử, thay đổi nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.

- Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, quảng cáo các mặt hàng, sau đó yêu cầu chuyển khoản tiền đặt cọc. Sau đó, đối tượng không giao hàng, giao hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc khóa trang mạng, xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

- Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài lừa nạn nhân làm cộng tác viên để dẫn dụ nạn nhân thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua tin nhắn.

- Thông báo trúng thưởng hoặc gửi tin nhắn nhận quà có giá trị và đề nghị nộp phí để nhận thưởng, lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền.

- Thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản) tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.

- Giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.

V. ỨNG XỬ KHI THAM GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

1. Những điều nên làm:

- Cần nắm vững và tuân thủ quy định pháp luật về cung cấp thông tin trên mạng (Luật An ninh mạng, các văn bản có liên quan), Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng để xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, tích cực.

- Lựa chọn kỹ lưỡng, kiểm chứng thông tin chính xác, phù hợp trước khi đăng lên mạng xã hội và phải có trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, chia sẻ.

- Mọi người tham gia sử dụng mạng phải có trách nhiệm tôn trọng nhau, có thái độ ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.

- Sử dụng mạng xã hội tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những giá trị tốt đẹp, có ích cho xã hội, gương người tốt, việc tốt điển hình tiên tiến. Đồng thời tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật.

- Tự bảo mật thông tin cá nhân bằng xác thực mật khẩu 2 lớp (mật khẩu tài khoản nên thêm các ký tự đặc biệt như @, $, #…). Cẩn thận trong việc lựa chọn bạn bè trên mạng, chỉ kết bạn với những người mình biết và tin tưởng.

- Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

- Chủ động nhận diện thông tin, khi phát hiện thông tin vi phạm cần lưu lại chứng cứ và thông báo cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

2. Những điều không nên làm:

- Không đăng tải, chia sẻ thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến uy tín, danh dự cá nhân và tổ chức.

- Không đăng, phát thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước lên môi trường mạng.

- Không lập hội nhóm để nói xấu, công kích lẫn nhau.

- Không đăng tải, chia sẻ, nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật.

- Không cổ súy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án.

- Không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm trái ngược với quan điểm chung của cơ quan, tổ chức, nơi đang làm việc.

- Không lan truyền thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, vùng miền, giới tính, tôn giáo.

- Không sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị làm phiền bởi các tin rác hay bị lấy cắp thông tin tài khoản.

- Không chia sẻ, không click (ấn phím chuột) vào đường dẫn (đường link) lạ hoặc được gửi từ người lạ.

- Không phát tán tệp tin từ các email có địa chỉ không tin cậy hoặc chia sẻ tin nhắn rác, virus tới người khác

- Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác.

VI. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

1. Các hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi quy định tại Điều 12 Luật Công nghệ thông tin; Điều 8 Luật An ninh mạng; Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia môi trường mạng

- Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng (quy định tại khoản 5 Điều 21 và khoản 4 Điều 26 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP). Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng CNTT phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin số của mình trên môi trường mạng (quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Công nghệ thông tin).

- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân khi lưu trữ, truyền đưa trên mạng thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 8 Điều 21 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP).

- Không dùng địa chỉ hộp thư điện tử công vụ để đăng ký tham gia thành viên các trang mạng xã hội, các diễn đàn, trang tin công cộng và trên Internet nói chung.

- Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật An ninh mạng và thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.

- Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan có thẩm quyền, lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

- Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

- Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

3. Đối với các cơ quan, tổ chức quản trị trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội

- Các cơ quan nhà nước khi xây dựng trang thông tin điện tử cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

- Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng mạng xã hội để phục vụ công tác tuyên truyền, cung cấp các thông tin đa dạng, phong phú, chính xác, kịp thời; tăng cường đưa những thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội để định hướng dư luận, tạo đồng thuận giữa chính quyền Thành phố và người dân

- Chủ động rà soát toàn bộ nội dung thông tin trên trang mạng xã hội chính thức của cơ quan, đơn vị mình, không để các đối tượng xấu lợi dụng bình luận, tuyên truyền xuyên tạc, gây dư luận xấu. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân được giao trực tiếp quản trị, điều hành trang thông tin điện tử, mạng xã hội nhằm quản lý chặt chẽ nội dung thông tin, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

- Các cơ quan, đơn vị tổng hợp và gửi thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông về các trang thông tin điện tử và mạng xã hội của đơn vị đang quản lý, để công khai cho người dân biết về các nguồn thông tin chính thống.

VII. CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHI SỬ DỤNG DỊCH VỤ MẠNG XÃ HỘI

Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

- Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

- Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

- Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

- Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

VIII. HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ LƯU TRỮ, CHO THUÊ, TRUYỀN ĐƯA, CUNG CẤP, TRUY NHẬP, THU THẬP, XỬ LÝ, TRAO ĐỔI VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN

Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về các mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lưu trữ thông tin cá nhân của người khác thu thập được trên môi trường mạng vượt quá thời gian quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không chấm dứt việc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật;

- Không chấm dứt việc cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác công cụ tìm kiếm đến các nguồn thông tin số trong trường hợp tự mình p hợp tự mình

thông tin số đó là trái pháp luật;

- Không kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân của người khác lưu trữ trên môi trường mạng trong quá trình thu thập, xử lý, sử dụng thông tin khi có yêu cầu của chủ sở hữu thông tin đó;

- Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân chưa được đính chính khi có yêu cầu đính chính của chủ sở hữu thông tin đó;

- Cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân khi đã có yêu cầu hủy bỏ của chủ sở hữu thông tin đó.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;

- Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

- Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

- Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;

- Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

- Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

- Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm;

- Ngăn chặn trái pháp luật việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng;

- Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào;

- Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng;

- Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

-Thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không đảm bảo bí mật thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng hoặc tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông;

- Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;

- Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn.

6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

IX. CÁC HÀNH VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ:

1. Phạt tù từ 03 tháng – 02 năm đối với tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015).

- Hình thức xử phạt bổ sung: 10 – 30 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 01- 05 năm.

2. Phạt tù từ 01 – 03 năm đối với tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2017).

- Hình thức xử phạt bổ sung: 10 – 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 01- 05 năm.

3. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm đối với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

4. Phạt tù từ 02 – 07 năm đối với phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

5. Phạt tù 05 – 12 năm đối với tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015).

 

Văn bản số 1745/STTTT-TTĐT ngày 21 tháng 6 năm 2023 của Sở Thông tin và Truyền thông

return to top