✴️ Bệnh trĩ khi mang thai và những điều cần lưu ý

Bệnh trĩ khi mang thai là tình trạng rất thường gặp phải, đặc biệt là ở giai đoạn mang thai 3 tháng cuối. Việc bị trĩ khi mang thai khiến các mẹ bầu cảm thấy khó chịu, dễ bị stress, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý và thể chất người mẹ.

 

1. Bệnh trĩ khi mang thai

1.1. Bệnh trĩ khi mang thai là gì?

Trĩ là một loại bệnh lý thường gặp trong giai đoạn thai kỳ, đặc biệt là khi mang thai ở 3 tháng cuối. Vì lúc này tử cung bắt đầu mở rộng và gây nên áp lực lên tĩnh mạch và xuất hiện tình trạng sưng tĩnh mạch ở vùng hậu môn và trực tràng tạo thành trĩ.

Bị trĩ khi mang thai có thể gây nên những khó chịu cho người mẹ như ngứa, đau, chảy máu trong hoặc sau khi đi tiêu. Tuy nhiên, bị trĩ khi mang thai hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé như nhiều mẹ bầu vẫn lo lắng. Trong quá trình chuyển dạ, lực đẩy có thể sẽ tác động và làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, tuy nhiên, tình trạng này thường sẽ biến mất sau khi sinh.

Một số phụ nữ bị trĩ khi mang thai lần đầu tiên. Trường hợp nếu đã từng mắc bệnh trĩ trước đó, nhiều khả năng thai phụ sẽ bị tái phát hoặc bị nặng hơn khi mang thai.

Bệnh trĩ khi mang thai là gì?

Trĩ là tình trạng thường gặp ở bà bầu đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

1.2. Triệu chứng thường thấy ở bệnh trĩ khi mang thai

Các triệu chứng mà bà bầu thường gặp bị trĩ bao gồm:

– Chảy máu khi đi đại tiện.

– Rối loạn nhu động ruột.

– Xuất hiện một vùng da nổi lên ở gần hậu môn.

– Ngứa hoặc kích ứng da ở vùng hậu môn.

– Cảm thấy đau và sưng ở quanh vùng hậu môn.

1.3. Nguyên nhân dẫn đến trĩ ở bà bầu?

Bà bầu rất dễ bị trĩ từ những nguyên do sau:

– Khi thai nhi phát triển ở những tháng cuối, tử cung của người mẹ theo đó sẽ lớn hơn, gây áp lực vào xương chậu, đặc biệt là các tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến cho các tĩnh mạch này sưng và gây đau gọi là trĩ.

– Khi mang thai thì nồng độ hormone progesterone sẽ tăng lên cũng góp phần gây ra bệnh trĩ vì sẽ làm giãn các thành mạch và khiến chúng dễ bị sưng hơn.

– Thể tích máu khi mang thai sẽ tăng lên và gây giãn tĩnh mạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh trĩ dễ gặp hơn ở bà bầu.

Bên cạnh đó, những yếu tố sau cũng gây tác động lên hậu môn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở bà bầu:

– Táo bón kéo dài

– Tăng cân quá nhiều trong thời gian ngắn khi mang thai

– Ngồi quá lâu hoặc đứng quá lâu trong suốt một khoảng thời gian dài

Nguyên nhân bệnh trĩ khi mang thai

Giai đoạn mang thai gây ra những thay đổi lớn khiến bà bầu mắc trĩ dễ dàng hơn.

 

3. Những lưu ý trong việc điều trị bệnh trĩ ở bà bầu

Thông thường thì bệnh trĩ sẽ tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, các triệu chứng bị trĩ khi mang thai gây ra khiến bà bầu cảm thấy rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và tâm lý thai phụ, thậm chí nếu không được chăm sóc tốt còn có thể khiến bà bầu bị sa búi trĩ. Mẹ bầu nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị cụ thể, giảm bớt khó chịu, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà như sau:

– Ngâm khu vực trực tràng với nước ấm, có thể ngâm nhiều lần mỗi ngày.

– Chườm lạnh khu vực bị trĩ, việc này sẽ giúp làm giảm sưng và giảm đau, có thể làm nhiều lần trong ngày.

– Luôn giữ vùng hậu môn được sạch sẽ bằng cách sử dụng loại khăn vải mềm nhúng qua nước ấm lau nhẹ nhàng mỗi lần sau khi đi tiêu hoặc sau khi tắm. Đặc biệt cần lưu ý phải đảm bảo hậu môn luôn khô ráo vì việc dư thừa độ ẩm có thể sẽ gây ra những kích ứng tại khu vực này.

– Bà bầu cũng có thể sử dụng các loại thuốc bôi trơn hậu môn để giúp đi tiêu dễ dàng hơn. Lưu ý: thông tin về thuốc điều trị chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để có chỉ định cụ thể, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng.

Điều trị bệnh trĩ khi mang thai

Trĩ gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và tâm lý mẹ bầu nên cần tìm giải pháp điều trị đúng cách.

 

3. Cách phòng ngừa bệnh trĩ khi mang thai hiệu quả

Cách phòng ngừa trĩ khi mang thai tốt nhất chính là ngăn ngừa táo bón kết hợp chế độ sinh hoạt điều độ, đúng cách.

3.1. Phòng ngừa táo bón

Táo bón ở phụ nữ mang thai diễn ra do thay đổi của hormone cùng chế độ ăn không hợp lý, vì thế các biện pháp sau sẽ phần nào giúp kiểm soát chứng táo bón tốt hơn.

– Bổ sung nhiều chất xơ từ nhiều nguồn cho cơ thể như: Trái cây, rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt các loại,..

– Uống nhiều nước: Đối với mẹ bầu, lượng nước uống vào hàng ngày được khuyến cáo là khoảng 3 lít.

– Hạn chế việc nhịn đi đại tiện quá lâu: Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra táo bón và trĩ khi mang thai.

– Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu trong thời gian dài liên tục, nên thường xuyên đi lại vận động nhẹ nhàng sau khi ngồi hoặc đứng quá dài giúp giảm áp lực cho tĩnh mạch vùng hậu môn.

– Nằm nghiêng sang một bên cũng có tác dụng giảm áp lực lên các tĩnh mạch trực tràng.

– Sử dụng thuốc nhuận tràng: Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc mà phụ nữ mang thai có thể sử dụng cũng như liều lượng được chỉ định. Chỉ nên dùng thuốc nhuận tràng khi các biện pháp kiểm soát nêu trên không hiệu quả.

3.2. Tập thể dục

Phụ nữ mang thai lưu ý không nên ngồi hoặc nằm quá nhiều, nhất là ở những tháng cuối thai kỳ. Lúc này, mẹ bầu nên đi bộ nhẹ nhàng và tập thể dục thường xuyên. Tham khảo thêm các bài tập phù hợp với bà bầu và giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng trĩ khi mang thai.

Đối với bệnh trĩ khi mang thai thì việc điều trị cần có chỉ định cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp trĩ ở mức độ nhẹ thì chủ yếu áp dụng các biện pháp giảm đau, giảm ngứa, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trường hợp nếu triệu chứng nặng và không thể kiểm soát, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, mà hãy đến cơ sở y tế uy tín và tiến hành thăm khám chi tiết. Nếu bệnh ở mức nghiêm trọng, bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa thì cần chờ cho tới khi sinh xong.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top