✴️ Các biến chứng thường gặp khi mang thai P1

Thiếu máu

Cơ thể người mẹ sẽ phải sản xuất thêm khoảng 20-30% lượng máu khi mang thai. Điều này có nghĩa là cơ thể cần được cung cấp thêm sắt để tạo ra hemoglobin – chất giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến các tế bào. Tình trạng thiếu sắt thường gặp trong khoảng thời gian tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

Nếu không có đủ chất sắt, sản phụ có thể bị thiếu máu. Các triệu chứng của thiếu máu bao gồm:

  • Mệt mỏi, da nhợt nhạt
  • Khó thở
  • Rối loạn nhịp tim

Điều trị

Tình trạng thiếu máu nhẹ khá phổ biến trong thai kỳ tuy nhiên vẫn cần được điều trị. Nếu không, thiếu máu có thể gây ra sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Bác sĩ có thể khuyên nên tăng cường các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung trước khi sinh để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt.

 

Tiểu đường thai kỳ

Hiểu theo một cách đơn giản thì những người trước đây không mắc bệnh tiểu đường nhưng phát triển bệnh này trong thời kỳ mang thai được gọi là “bệnh tiểu đường thai kỳ”.

Đối với trường hợp này, do không có triệu chứng bên ngoài nên bác sĩ cần xét nghiệm bệnh tiểu đường thai kỳ. Thông thường, thời gian kiểm tra sẽ rời vào khoảng 24–28 tuần của thai kỳ.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra trong ba tháng đầu nếu sản phụ có các yếu tố nguy cơ như thừa cân hoặc bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó.

Điều trị

Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ.

Một số sản phụ có thể cần thuốc hoặc insulin để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

 

Huyết áp cao

Nếu bị huyết áp cao kiểm soát không tốt trước hoặc trong khi mang thai có thể gây ra biến chứng.

Tăng huyết áp thai kỳ: Tăng huyết áp thai kỳ xảy ra nếu người có huyết áp bình thường trước đây tiến triển thành huyết áp cao sau 20 tuần của thai kỳ, huyết áp này trở lại bình thường trong vòng 12 tuần sau khi sinh.

Tăng huyết áp mãn tính: Đây là huyết áp cao bắt đầu trước tuần thứ 20 của thai kỳ.

Tiền sản giật: Là tình trạng tăng huyết áp mới bắt đầu xảy ra sau 20 tuần của thai kỳ với các triệu chứng mới.

Với tăng huyết áp thai kỳ, bất thường duy nhất mà một người gặp phải là huyết áp của họ. Tuy nhiên, với chứng tiền sản giật, sản phụ sẽ bị huyết áp cao cùng với lượng protein trong nước tiểu tăng lên. Ngoài ra sản phụ cũng có thể bị phù ngoại vi đột ngột và nghiêm trọng bao gồm sưng bàn tay, mặt, bàn chân và mắt cá chân.

Sản phụ thường không có triệu chứng nào khác ngoài chứng cao huyết áp. Tuy nhiên, các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau đầu dai dẳng không đáp ứng với thuốc giảm đau
  • Các vấn đề về thị lực

Tăng huyết áp thai kỳ thường không gây ra bất kỳ tác hại nào, nhưng vẫn cần được theo dõi. Huyết áp cao nghiêm trọng có thể gây ra các tình trạng như trẻ nhẹ cân, thiểu ối, tăng nguy cơ tiền sản giật và các tình trạng khác gây sinh non.

Điều trị

Các bác sĩ sẽ theo dõi huyết áp và có thể sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp cao.

 

Tiền sản giật

Tiền sản giật là một tình trạng gây ra huyết áp rất cao trong thai kỳ và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan. Tình trạng này có thể xảy ra ở tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc muộn hơn.

Các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm:

  • Thay đổi thị lực
  • Nhức đầu dữ dội
  • Đau dưới xương sườn
  • Khó thở

Các bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra huyết áp trong các lần khám tiền sản. Nếu sản phụ bị huyết áp cao, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra chức năng thận và gan để chẩn đoán nguy cơ tiền sản giật.

Điều trị

Nếu tiền sản giật xuất hiện trong khoảng thời gian khi thai gần đủ tháng khoảng 37–40 tuần, các bác sĩ có thể sẽ tiến hành chuyển dạ sinh để giải quyết tình trạng tiền sản giật.

Trong trường hợp không thể sinh em bé vì quá sớm, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đề nghị thai phụ nghỉ ngơi nhiều hơn đồng thời sử dụng các loại thuốc giúp hạ huyết áp.

 

Hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ. Nó thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối).

HELLP là viết tắt của:

  • Hemolysis: Tan máu: Đây là khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ.
  • Elevated liver enzymes: Men gan tăng cao: Nếu người bệnh có chỉ số men gan cao chứng tỏ gan có vấn đề.
  • Low platelet count: Số lượng tiểu cầu thấp: Số lượng tiểu cầu thấp có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng.

HELLP có thể dẫn đến:

  • Rối loạn đông máu
  • Phù phổi
  • Suy thận
  • Suy gan
  • Bong nhau thai

Nên tìm kiếm trợ giúp y tế khẩn cấp nếu họ gặp phải các tình trạng như:

  • Mờ mắt
  • Tức ngực
  • Đau bụng nghiêm trọng
  • Nôn mửa
  • Sưng tấy
  • Mệt mỏi

Mặc dù hiếm gặp, sản phụ có thể bị chảy máu cam và co giật.

Điều trị

Điều trị có thể bao gồm thuốc để giúp kiểm soát huyết áp của một người. Trong trường hợp nặng, thai phụ cũng có thể được chỉ định truyền máu.

 

Chứng nôn nghén nặng

Hyperemesis gravidarum (HG) là tình trạng buồn nôn và nôn dai dẳng và nghiêm trọng trong thai kỳ. Tình trạng này có thể khiến sản phụ rơi vào tình trạng mất nước và tụt cân không kiểm soát.

Thông thường, tình trạng này có thể kéo dài suốt cả thai kỳ hoặc có thể cải thiện sau 20 tuần của thai kỳ. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm buồn nôn và nôn mửa dữ dội và kéo dài. Nhiều trường hợp sản phụ cũng có thể bị sụt cân trước khi mang thai từ 5% trở lên.

Điều trị

Điều trị có thể giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và uống đủ nước. Có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn để kiểm soát cảm giác buồn nôn. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể thực hiện truyền dịch và chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kì phương pháp nào.

 

Nhiễm trùng

Một số nhiễm trùng có thể xảy ra khi mang thai và sinh nở có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Một số bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến thai kỳ bao gồm:

  • Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)
  • Viêm âm đạo do vi khuẩn
  • Nhiễm nấm âm đạo
  • Cúm
  • Liên cầu khuẩn nhóm B
  • Bệnh viêm gan B
  • Nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes
  • Nhiễm cytomegalovirus
  • Nhiễm Parvovirus b19
  • Bệnh toxoplasmosis

Các triệu chứng có thể khác nhau đối với các tình trạng nhiễm trùng khác nhau, nhưng các dấu hiệu nhiễm trùng có thể bao gồm:

  • Tiết dịch âm đạo màu xám hoặc trắng, có mùi khó chịu
  • Sốt và ớn lạnh
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Các triệu chứng giống như cúm

Xét nghiệm chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng khi mang thai có thể giúp xác định và điều trị nhanh chóng. Ngoài ra, rửa tay thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào loại nhiễm trùng có thể sử dụng một số phương pháp bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh
  • Vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh
  • Tiêm phòng cúm

 

Sức khỏe tinh thần

Một số người có thể gặp các tình trạng sức khỏe tâm thần khi mang thai như trầm cảm và lo lắng. Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý rằng chứng rối loạn ăn uống có thể trở nên trầm trọng hơn khi mang thai.

Sản phụ có thể bị trầm cảm nếu họ có những triệu chứng này trong hơn 1–2 tuần

  • Rối loạn cảm xúc
  • Mất hứng thú với các hoạt động thường ngày
  • Thay đổi trong dung nạp năng lượng, thèm ăn hoặc ngủ
  • Khó tập trung
  • Cảm thấy xấu hổ, tội lỗi hoặc vô dụng
  • Suy nghĩ tiêu cực

Điều trị

Sản phụ có thể liên hệ với bác sĩ về cách điều trị, có thể bao gồm liệu pháp, nhóm hỗ trợ cộng đồng và thuốc.

 

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là một tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi sinh.

Nhiều người trải qua cảm giác buồn bã và trống rỗng vài ngày sau khi sinh con và tự khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, nếu những cảm giác này không thể biến mất và sản phụ cảm thấy buồn bã, trống rỗng hoặc bất lực trong hơn 2 tuần thì có thể đang bị trầm cảm sau sinh.

Điều trị

Điều quan trọng là nên nói với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu sản phụ nghi ngờ mình đang bị trầm cảm sau sinh. Phương pháp điều trị có thể bằng liệu pháp và thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top