1. Vòng tránh thai là gì?
Vòng tránh thai còn được gọi là dụng cụ cổ tử cung. Đây là một dụng cụ bằng nhựa, có hình chữ T, được gắn một vòng nhỏ ở dưới cùng hoặc bằng đồng được đặt vào trong lòng tử cung của bạn.
Có hai loại vòng tránh thai phổ biến là vòng tránh thai đồng và vòng tránh thai nội tiết.
2. Tác dụng của vòng tránh thai
Sau khi vào cơ thể, vòng tránh thai sẽ làm thay đổi môi trường của nội mạc tử cung. Điều này ngăn tinh trùng tiếp xúc với trứng, ngăn trứng làm tổ trong tử cung và phát triển thành bào thai. Khi đã đặt vòng tránh thai, bạn hoàn toàn có thể quan hệ tình dục bình thường.
Vì vậy, những trường hợp có thai hoặc nghi ngờ có thai hoặc các bạn trẻ muốn có con trong khoảng thời gian ngắn sắp tới không nên đặt vòng tránh thai mà nên sử dụng các biện pháp tránh thai khác như bao cao su.
3. Quá trình đặt vòng được thực hiện như thế nào?
3.1. Trước khi đặt vòng
Việc đặt vòng tránh thai có thể sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu bên trong nếu người phụ nữ đang bị các bệnh viêm nhiễm. Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng hơn vùng chậu, gây viêm dính vòi trứng, dẫn đến vô sinh sau này. Vì vậy, trước khi thực hiện thủ thuật, người phụ nữ sẽ được khám phụ khoa để đảm bảo bạn có đủ điều kiện sức khỏe để làm thủ tục.
Những trường hợp bị viêm nhiễm hoặc mắc các bệnh phụ khoa thì sẽ phải điều trị triệt để trước khi tiến hành đặt vòng.
3.2. Quá trình đặt vòng
- Vòng được gấp nhỏ lại và đặt vào trong một cái ống có piston bằng chất dẻo rất nhỏ, có đường kính bằng que diêm, đưa vào cổ tử cung của người phụ nữ.
- Bác sĩ ấn vào piston, đẩy vòng tránh thai vào hốc tử cung.
- Vòng mở ra.
- Bác sĩ tiến hành rút ống ra và cắt sợi dây (các bác sĩ sẽ để lại 1 đoạn dây dài khoảng 5cm bên ngoài cổ tử cung)
- Thời gian thực hiện thủ thuật diễn ra trong khoảng 5 đến 10 phút.
4. Thời điểm đặt vòng tốt nhất
Thời điểm tốt nhất để đặt vòng tránh thai là ngay sau khi hết kinh nguyệt hoặc 6 tuần sau khi sinh hoặc ngay sau khi hút thai.
5. Một số ưu điểm của vòng tránh thai
- Hiệu quả tránh thai cao (98 – 99%)
- Hiệu quả tránh thai ngay lập tức và lâu dài (5 – 10 năm)
- Không làm ảnh hưởng tới các sinh hoạt cuộc sống và sinh hoạt vợ chồng
- Không gây khó chịu cho người phụ nữ
- Ít tốn kém
- Không ảnh hưởng tới khả năng mang thai sau này. Khi muốn có thai trở lại, bạn chỉ cần tới các cơ sở y tế để tháo vòng tránh thai và có thể mang thai lại.
- An toàn tuyệt đối khi cho con bú
6. Một số tác dụng phụ sau khi đặt vòng tránh thai
- Có thể bị rong kinh, đau bụng và khí hư ra nhiều hơn trong kỳ kinh nguyệt
- Sau khi đặt vòng xong, một số người sẽ có cảm giác bị chuột rút, hơi đau lưng hoặc đau đầu
- Co thắt tử cung
- Nếu vòng tránh thai không phù hợp với cơ thể, bạn sẽ có dấu hiệu tụt cân, gầy đi. Trong trường hợp này, bạn nên tháo vòng và sử dụng các biện pháp tránh thai khác như sử dụng thuốc tránh thai, bao cao su, …
7. Lưu ý sau khi đặt vòng
7.1. Những điều cần tránh sau khi đặt vòng
- Ngay sau khi đặt vòng, người phụ nữ nên nằm nghỉ ngơi ít nhất 1 tiếng. Không làm việc nặng nhọc sau khi đặt vòng ít nhất 1 tuần.
- Không ngâm mình trong nước trong thời gian dài.
- Nên tránh quan hệ tình dục ít nhất 2 tuần sau khi đặt vòng.
7.2. Tự kiểm tra vòng tránh thai
- Bác sĩ sẽ để lại 1 đoạn dây dài khoảng 5cm, bạn có thể tự kiểm tra vòng tránh thai sau mỗi kỳ kinh nguyệt bằng cách kiểm tra sợi dây này để biết tình trạng hiện tại của vòng.
- Rửa thật sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi kiểm tra vòng.
- Bằng cách cho ngón tay vào âm đạo, bạn có thể kiểm tra được dây vòng.
- Nếu dây ngắn hơn bình thường, rất có thể vòng đã bị lệch chỗ, nếu không thấy sợi dây, có thể vòng đã bị tuột.
8. Cần tới gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:
- Bị sốt cao, sụt cân sau khi đặt vòng
- Nghi ngờ vòng bị tuột
- Đau khi quan hệ tình dục
- Rong kinh, khí hư có mùi khó chịu
- Chậm kinh hoặc nghi ngờ có thai
9. Ai không nên sử dụng vòng tránh thai?
-
Vòng tránh thai là một biện pháp tránh thai tương đối lâu dài. Vì vậy, nếu người phụ nữ còn trẻ hoặc có dự định sinh con trong một vài năm thì nên sử dụng một biện pháp tránh thai khác;
-
Phụ nữ đang bị viêm nhiễm phụ khoa thì cần chữa khỏi bệnh mới đặt vòng;
-
Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai thì không nên đặt vòng tránh thai;
-
Phụ nữ có tiền sử mắc trong vòng 03 tháng hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được đặt vòng tránh thai;
-
Phụ nữ bụ ung thư vú hoặc u ác tính đường sinh dục cũng không được chỉ định đặt vòng tránh thai;
-
Phụ nữ có dị tật do bẩm sinh hoặc thứ phát ở tử cung, vùng chậu cũng không thích hợp đặt vòng tránh thai;
-
Những phụ nữ có nhiều bạn tình cũng không nên sử dụng biện pháp này vì vòng tránh thai không có khả năng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hoặc, cũng có thể sử dụng kết hợp với bao cao su để ngăn ngừa lây nhiễm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp