Giai đoạn hậu sản, hay còn gọi là “ở cữ”, kéo dài khoảng 6 tuần đầu sau sinh, là thời điểm quan trọng để cơ thể người mẹ phục hồi toàn diện về thể chất và tinh thần. Việc chăm sóc đúng cách trong thời gian này giúp phục hồi sức khỏe, duy trì tiết sữa ổn định, ngăn ngừa biến chứng hậu sản, và tăng cường mối gắn kết mẹ - con.
1. Vệ sinh cá nhân: Tắm gội hợp lý
Sau sinh khoảng 2–3 ngày, sản phụ có thể tắm toàn thân và gội đầu với nước ấm. Nên sử dụng vòi sen hoặc nước tắm đun nóng, tránh ngâm mình trong bồn tắm để hạn chế nhiễm trùng.
Thời gian tắm/gội không quá 5–7 phút, lau khô toàn thân ngay sau đó và giữ ấm bằng quần áo phù hợp.
Gội đầu nên được thực hiện nhanh chóng, sau đó sấy tóc khô để tránh nhiễm lạnh.
Lợi ích: Giúp làm sạch da, thông thoáng lỗ chân lông, giảm nguy cơ viêm da, nấm da và tăng cảm giác thư giãn.
2. Dinh dưỡng đầy đủ và cân đối
Nhu cầu năng lượng, protein và canxi của bà mẹ tăng cao sau sinh, đặc biệt trong thời kỳ cho con bú.
Protein: 80–100g/ngày, từ nguồn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (đậu, ngũ cốc).
Canxi: ≥1.000mg/ngày, từ sữa, tôm, tép, trứng, hải sản.
Ăn 3 bữa chính và 2–3 bữa phụ, ưu tiên thức ăn nóng, dễ tiêu hóa. Hạn chế thức ăn lạnh, nguội hoặc lên men.
Bổ sung viên sắt và acid folic trong 6 tuần đầu hoặc theo chỉ định.
Uống 2–2,5 lít nước/ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây ngọt, hạn chế thức ăn mặn.
3. Vận động sớm và hợp lý
Sau 6–8 giờ hậu sản, sản phụ có thể ngồi dậy, xoay trở nhẹ và tập đi lại trong phòng từ ngày hôm sau.
Sau 1 tuần, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như hít thở sâu, giơ tay, co duỗi chân.
Tắm nắng buổi sáng (7–8 giờ) giúp tổng hợp vitamin D, hỗ trợ chuyển hóa canxi.
Mục tiêu: Hỗ trợ co hồi tử cung, ngăn ngừa bế sản dịch, giảm nguy cơ thuyên tắc mạch và giúp tinh thần minh mẫn hơn.
4. Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc
Nên ngủ 8–9 giờ/ngày, bao gồm giấc ngủ đêm và giấc ngủ ngắn giữa các lần cho bú.
Sự hỗ trợ của người thân trong việc chăm sóc bé là rất cần thiết, giúp người mẹ có thời gian nghỉ ngơi và ngăn ngừa trầm cảm sau sinh.
5. Cho con bú đúng cách và thường xuyên
Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để cung cấp dinh dưỡng tối ưu và kháng thể tự nhiên.
Trước khi cho bú: làm sạch đầu vú, vắt bỏ vài giọt sữa đầu.
Mỗi lần cho bú nên bú hết một bên vú trước khi đổi sang bên còn lại để tránh ứ sữa, viêm tuyến vú.
Tư thế cho bú: Nên ngồi thẳng, tránh nằm khi cho bé bú để giảm nguy cơ sặc và viêm tai giữa.
6. Giữ tinh thần lạc quan: Âm nhạc và giao tiếp xã hội
Nghe nhạc nhẹ nhàng (dân ca, trữ tình) giúp thư giãn, giảm lo âu, ổn định cảm xúc.
Khuyến khích giao tiếp với người thân, bạn bè để tránh cảm giác cô lập, hỗ trợ tinh thần và giảm nguy cơ rối loạn cảm xúc sau sinh.
Nằm than
Đốt than trong phòng kín sinh ra khí CO2 và khí độc khác, có thể gây ngạt, nhiễm độc thần kinh ở trẻ sơ sinh.
Không có bằng chứng y khoa nào ủng hộ lợi ích của việc nằm than sau sinh.
Đóng kín phòng, tránh gió hoàn toàn
Phòng hậu sản cần thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên, đảm bảo lưu thông không khí để hạn chế vi sinh vật gây bệnh.
“Gió” tự nhiên không gây sốt hậu sản; sốt thường là biểu hiện nhiễm trùng đường sinh dục hoặc tiết niệu.
Không đánh răng, không chải đầu
Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm và nước ấm giúp ngăn ngừa viêm lợi, hôi miệng.
Chải tóc nhẹ nhàng giúp kích thích tuần hoàn máu, giảm rụng tóc và tạo cảm giác sảng khoái.
Uống nước tiểu trẻ sơ sinh để gọi sữa
Không có cơ sở khoa học nào chứng minh nước tiểu giúp kích sữa. Đây là chất thải và có thể chứa vi khuẩn, không nên sử dụng.
Việc kích thích tuyến vú khi bé bú là yếu tố sinh lý chủ yếu giúp tăng tiết hormone prolactin và oxytocin, điều hòa quá trình tiết sữa.
Từ chối gặp gỡ, không giao tiếp
Việc cách ly xã hội sau sinh làm tăng nguy cơ trầm cảm hậu sản.
Nên duy trì sự giao tiếp tích cực, trò chuyện với người thân, đặc biệt là bạn đời, để chia sẻ cảm xúc và nhận được hỗ trợ kịp thời.
Ăn quá khô, quá mặn
Chế độ ăn chỉ gồm thịt kho mặn, muối tiêu, tiêu cay là thiếu dinh dưỡng, có thể gây ít sữa, táo bón, huyết áp cao và tổn thương hậu môn.
Nên có chế độ ăn phong phú, đủ chất, tránh ăn mặn để phòng tiền sản giật – sản giật sau sinh.
Kết luận
Chăm sóc hậu sản đúng cách là yếu tố then chốt giúp bà mẹ phục hồi thể lực, duy trì sức khỏe tinh thần, và tạo nền tảng cho nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả. Việc loại bỏ các quan niệm sai lầm, tiếp cận kiến thức dựa trên y học bằng chứng là bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé trong giai đoạn đặc biệt này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh