✴️ Giãn xương chậu khi mang thai: Biểu hiện và cách khắc phục nhanh

Giãn xương chậu khi mang thai sẽ khiến mẹ bầu thường xuyên đau mỏi vùng xương chậu. Tuy nhiên tình trạng này hết sức bình thường và có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

 

Giãn xương chậu khi mang thai biểu hiện thế nào?

Khi mang thai, cơ thể chị em sản xuất ra một loại hormone relaxin khiến các dây chằng vùng chậu mềm và giãn ra hết mức có thể. Việc giãn các dây chằng vùng xương chậu là một quá trình bình thường để chuẩn bị cho sự chuyển dạ. Điều này khiến các khớp ở khung chậu mất ổn định, chuyển động không đồng đều.

Giãn xương chậu khi mang thai là biểu hiện rất hay gặp

Giãn xương chậu khi mang thai là biểu hiện rất hay gặp

 

Khi thai nhi phát triển to dần lên sẽ làm tăng thêm áp lực cho khung chậu, gây đau xương chậu khi mang thai.

Giãn hoặc đau xương chậu khi mang thai khiến chị em mệt mỏi, khó chịu với những biểu hiện như:

Đau âm ỉ, đau lan từ xương chậu xuống đùi, bẹn, tử cung.

Đau lưng, đau thắt lưng với những mức độ khác nhau.

Cảm thấy lạo xạo phát ra từ xuơng mu và đau lan xuống dưới vùng giữa 2 chân.

Đau tăng lên khi đi lên xuống cầu thang, thay đổi tư thế ngủ, đau tăng mạnh vào buổi tối.

Ngoài ra, mẹ bầu còn có biểu hiện kèm theo như đi lại khó khăn, gặp trở ngại khi nằm.

 

Khi nào cần đi khám?

Thông thường, đau xương chậu có thể xuất hiện ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Có nhiều trường hợp mẹ bầu bị đau kéo dài trong suốt quá trình mang thai và sau sinh.

Tuy nhiên trường hợp đau xương chậu khi mang thai không gây nguy hiểm cho mẹ và ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu chỉ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi mỗi khi cơn đau xuất hiện, hạn chế vận động, đi lại, làm việc.

Thế nhưng nếu tình trạng đau nhức xương chậu diễn ra thường xuyên, liên tục với mức độ đau mạnh, tăng dần khiến mẹ gặp khó khăn trong sinh hoạt, nghỉ ngơi thì mẹ nên đi khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, đánh giá mức độ ảnh hưởng của tình trạng đau mỏi xương chậu khi mang thai, tìm nguyên nhân gây đau. Tùy vào cơ địa từng mẹ, căn nguyên gây đau nhức khó chịu, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

 

Mách mẹ bầu cách giảm đau xương chậu khi mang thai

Nếu mẹ bầu bị đau vùng xương chậu khi mang thai, mẹ nên nằm nghỉ ngơi tại giường, ngồi dựa lưng với tư thế hơi nghiêng người ra sau. Có thể sử dụng gối để đỡ phần lưng khi tựa. Mẹ bầu cần tránh đi lại nhiều, làm việc và mang vác, nâng vật nặng.

Ngoài ra, mẹ bầu nên áp dụng các biện pháp giảm đau hiệu quả sau:

Chườm nóng hoặc chườm lạnh: mẹ bầu lấy túi chườm chứa nước nóng hoặc nước đá, đắp lên vùng đau nhức.

Thường xuyên thay đổi tư thế, tránh ngồi hoặc nằm yên 1 tư thế quá lâu.

Lưu ý đứng cân bằng và dồn trọng lực về đều 2 chân.

Di chuyển nhẹ nhàng trong thời gian mang thai và khi bị đau xương chậu. Và thực hiện những động tác giúp kéo căng cơ lưng, cơ bụng, giảm đau.

Massage cơ thể để giúp tinh thần thoải mái, giảm đau nhức xương khớp và giảm đau xương chậu hiệu quả.

Ngâm mình trong nước ấm cũng giúp cơ thể thoải mái. Các mạch máu lưu thông, hỗ trợ giảm đau xương chậu hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top