Chất khoáng và vitamin:
Giúp thai nhi phát triển và đáp ứng nhu cầu cho người mẹ: Các vi chất là những chất dinh dưỡng tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là giai đoạn cơ thể có nhu cầu cao về các chất dinh dưỡng cho phát triển như thời kỳ có thai.
Can xi:
Có vai trò quan trọng tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi và đảm bảo cho nhu cầu can xi của thai phụ. Khi có thai, nhu cầu can xi tăng lên 1200mg/ngày cao hơn khi chưa mang thai (800mg/ngày).
Phụ nữ có thai thiếu can xi có thể thấy mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng tưởng như lung lay, chuột rút, nặng hơn nữa thì lên cơn co giật do hạ can xi huyết quá mức mà biểu hiện đặc trưng là co giật các cơ mặt và chi trên với bàn tay co rúm, các ngón tay chụm lại giống như “bàn tay người đỡ đẻ”. Đối với thai, thiếu can xi sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ, bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương gây dị hình, giảm chiều dài sơ sinh… Nếu người mẹ không được cung cấp đủ lượng can xi mỗi ngày thì bào thai sẽ lấy lượng can xi thiếu đó từ chính xương của cơ thể mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của mẹ. Vì thế bổ sung can xi đủ và đúng liều khi mang thai là hết sức cần thiết.
Thiếu can xi, người mẹ dễ tăng huyếp áp. Trong giai đoạn sau của thai kỳ, do nhu cầu can xi để phát triển xương của thai nhi nên cuống rốn tiết ra một lượng estrogen cản trở việc tái hấp thu can xi của xương trong cơ thể mẹ. Khi can xi trong máu mẹ giảm, hoạt động bài tiết hormon của tuyến cận giáp tăng lên làm hòa tan phốt pho trong xương, chuyển vào máu đồng thời gia tăng sự hấp thu can xi trong đường ruột để giữ mức can xi trong máu. Nồng độ hormon của tuyến cận giáp cao sẽ gây nên tăng huyết áp. Vì vậy, nếu được bổ sung can xi đầy đủ có thể giảm nhẹ sự bài tiết hormon của tuyến cận giáp do hạ nồng độ can xi trong máu gây ra, làm cho huyết áp ổn định và duy trì ở mức bình thường. Ngoài ra, việc bổ sung can xi có thể giảm tính nhạy cảm trong mạch máu, ức chế sự phản ứng của cơ trơn mạch máu. Do đó, đáp ứng đủ nhu cầu can xi có thể phòng ngừa chứng tăng huyết áp ở phụ nữ có thai.
Cung cấp can xi khi mang thai: Cách tốt nhất là sử dụng can xi từ thực phẩm. Sữa là nguồn cung cấp can xi tốt nhất, hàm lượng tương đối nhiều (100- 120mg/100ml sữa nước pha chuẩn), tỷ lệ hấp thu cao; Các thức ăn hải sản như tôm, cua, ngao, sò và trứng có hàm lượng can xi cũng khá phong phú. Trong các loại rau xanh và các loại đậu đỗ tuy cũng là nguồn can xi, nhưng can xi trong các loại thực phẩm này dễ bị tương tác với acid oxalic và các loại acid hữu cơ vốn có trong các thực phẩm nguồn thực vật tạo ra những hợp chất can xikhó hòa tan. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ với thức ăn đa dạng, nhiều rau, củ, quả, không quá kiêng khem, chọn lựa thức ăn có nhiều can xi cho bà mẹ mang thai là điều cần thiết hoặc có thể uống bổ sung can xi để tránh tình trạng thiếu can xi cho cả mẹ và thai nhi.
Sắt:
Tham gia quá trình tạo máu, có nhiều trong thịt màu đỏ, trứng, trong đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm. Sắt do các thức ăn động vật cung cấp dễ hấp thu hơn nguồn sắt từ các thức ăn thực vật. Lượng vitamin C và chất đạm trong khẩu phần làm tăng khả năng hấp thu sắt, ngược lại, tannin và phytat lại cản trở sự hấp thu sắt. Do nhu cầu sắt của người phụ nữ tăng cao khi mang thai nên khẩu phần hàng ngày không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, phụ nữ có thai cần được uống bổ sung viên sắt (60mg sắt nguyên tố/ngày) hoặc viên đa vi chất theo qui định. Tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ bị biến chứng sản khoa.
Kẽm:
Tham gia vào phát triển chiều cao của trẻ từ trong bào thai và tăng miễn dịch cho trẻ. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là nhuyễn thể như: ốc, hến, trai, trùng trục hay nghêu sò... Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém. Thiếu kẽm gây nên vô sinh, sẩy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết lưu gần ngày sinh và sinh không bình thường.
Iod:
Thiếu iod ở phụ nữ thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iod nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Nguồn thức ăn giàu iốt là những thức ăn từ biển như cá biển, sò, rong biển... Ngoài ra, phụ nữ có thai nên sử dụng muối, bột canh có tăng cường iốt.
Vitamin A:
Ngoài các tác dụng như sáng mắt, tăng đề kháng, còn có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng giúp trẻ có chiều cao tối ưu theo tiềm năng di truyền. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Chế độ ăn của phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ nhu cầu vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Sau khi sinh, người mẹ cần đủ nhu cầu vitamin A để cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa mẹ. Sữa, trứng… là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ, là những thức ăn có nhiều beta caroten vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A. Chế độ ăn đủ chất béo sẽ giúp tăng hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo khác như vitamin D, E, K. Tuyệt đối không uống vitamin A liều cao (200.000IU) trong thai kỳ vì có thể gây dị dạng thai nhi.
Vitamin D:
Giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như can xi, phospho vào cơ thể, khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D dễ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ hay trẻ đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền. Những phụ nữ có thai nên dành thời gian tắm nắng khoảng 20- 30’/ngày hoặc bổ sung vitamin D 15mcg/ngày, sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như phomát, cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D. Ngoài ra người mẹ có thể phòng còi xương cho con bằng cách uống vitamin D 200.000 IU khi thai được 7 tháng.
Vitamin B1:
Là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. Ngũ cốc và các loại hạt họ đậu là nguồn cung cấp vitamin B1. Để có đủ vitamin B1 nên ăn gạo không giã trắng quá, không bị mục, mốc. Ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt nhất để bổ sung đủ vitamin B1 cho nhu cầu của cơ thể và chống lại bệnh tê phù.
Vitamin B2:
Giúp cơ thể tạo năng lượng, thúc đẩy sự phát triển của thai nhi; tốt cho tế bào thị giác, tham gia trong quá trình hình thành da, tạo máu. Vitamin B2 còn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển xương, cơ, tế bào thần kinh của trẻ. Vì vậy cung cấp đủ vitamin B2 là rất cần thiết cho bà mẹ mang thai và cho con bú. Vitamin B2 có nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, đậu... Các hạt ngũ cốc toàn phần là nguồn B2 tốt nhưng bị giảm đi nhiều qua quá trình xay xát.
Acid folic:
Tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Thiếu acid folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu máu, khiếm tật của ống thần kinh ở thai nhi. Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng nhưng trong khẩu phần thường không đủ, vì vậy người mẹ cần được bổ sung khi mang thai.
Vitamin C:
Có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có nhiều trong các quả chín. Rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng.
Một số lưu ý khi có thai
Đồ ăn, thức uống nên hạn chế
Không nên dùng các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc..
Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi.
Giảm ăn mặn nhất là đối với những người mẹ có phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để tránh tai biến khi đẻ.
Không nên quá kiêng khem:
Phụ nữ có thai không nên chỉ ăn một vài loại thức ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn chua hoặc cay…, vì dễ gây thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Bữa ăn cần đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau (nên có ít nhất 10 loại thực phẩm/1 bữa chính).
Trong trường hợp bị nghén nhẹ như buồn nôn, nôn hay sợ ăn một số thức ăn, người mẹ cố gắng thay thế sang một số thức ăn khác hoặc đồ uống khác để đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khi có thai. Phụ nữ có thai không nên quá kiêng khem, ít ăn rau, củ, quả, cá hay mỡ… gây bất lợi cho sức khỏe, ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của mẹ và thai nhi, giảm lượng sữa sau sinh. Những thực phẩm sẵn có như cua, ốc, tôm, tép, trứng, rau xanh, quả chín nên được ưu tiên lựa chọn.
Dinh dưỡng cho bà mẹ cho con bú:
Sau khi sinh, người mẹ cần cho con bú sớm (trong vòng 1h đầu sau sinh), cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM), nhất là trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh, chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cần đảm bảo cho người mẹ tiết đủ sữa với chất lượng tốt để NCBSM và duy trì tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của chính mình.
Chế độ ăn nhiều hơn về số lượng (đủ nhu cầu) và đảm bảo tính đa dạng thực phẩm (có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm/bữa chính). Thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng
Khẩu phần cả ngày của bà mẹ cho con bú nên chia làm nhiều bữa trong ngày (3-6 bữa/ngày).
Uống đủ nước: 2,5 - 3 lít nước/ngày (từ 12 đến 15 cốc nước).
Nhu cầu cụ thể của bà mẹ cho con bú tùy theo tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai, cụ thể:
Nhóm các bà mẹ trước khi mang thai và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, đạt mức tăng cân từ 9 - 12kg: Cần ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm 500 kcal/ngày (tương đương 3 bát cơm và thức ăn hợp lý) và đạt mức 2260 kcal/ngày đối với người lao động nhẹ và 2550 kcal/ngày đối với người lao động trung bình.
Nhóm các bà mẹ thời kỳ chưa mang thai và thời kỳ mang thai có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, có mức tăng cân ít hơn 9kg: Cần phải cố gắng ăn nhiều và đa dạng hơn các loại thực phẩm khác nhau, để đảm bảo năng lượng tăng thêm 675 k cal/ngày.
Protein: Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong quá trình cho con bú theo khuyến cáo cho người Việt Nam: thêm 19 gam/ngày so với nhu cầu bình thường, nâng tổng số lên 78g/gam ngày. Lượng protein động vật nên đạt ≥ 35% protein tổng số. Nên lựa chọn các thực phẩm có protein chất lượng (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ). Số lượng thực phẩm có thể ước tính là 100g thịt/cá cung cấp khoảng 20g protein, 100g đậu phụ cung cấp khoảng 10g protein, 6,5 đơn vị sữa/ngày (uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai). Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.
Chất béo: Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 30-35% năng lượng khẩu phần. Khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các acid béo không no chuỗi dài đa nối đôi như n3, n6, EPA, DHA (có nhiều một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.
Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày cần đủ rau xanh (≥400g trái cây, rau củ/ngày) và đủ chất xơ để tránh táo bón.
Bà mẹ cho con bú cần được bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị trong vòng 1 tháng sau khi sinh để đảm bảo cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa. Trong trường hợp cần thiết, người mẹ cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về bổ sung các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin D và can xi.
Ngoài ra mẹ cần có nhiều thời gian dành cho giấc ngủ, tránh căng thẳng và cho trẻ bú thường xuyên để kích thích tạo sữa.
Những điều cần tránh khi cho con bú mẹ
Không nên ăn uống kiêng khem quá mức (ăn ít rau, không chú ý uống nước, quá nhiều gia vị cay, mặn…).
Không ăn các thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu vì dễ gây ngộ độc.
Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt..), không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá.
Tránh lao động quá mức.
Tránh lo lắng, buồn phiền, bực tức, giận dữ.
Khi cho con bú nếu cần dùng thuốc phải hỏi ý kiến thầy thuốc, không nên tự động dùng thuốc vì có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa mẹ.
Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú. Do đó các bà mẹ không ăn kiêng trong giai đoạn này vì người mẹ sẽ cần có bữa ăn đa dạng, nhiều năng lượng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và tạo đủ sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, bà mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời, giảm bớt lượng đường và không nên sử dụng đồ uống có cồn.
DINH DƯỠNG TRONG TRƯỜNG HỢP BỆNH LÝ KHI MANG THAI
Thai nghén là một trạng thái sinh lý đặc biệt nhưng với người bình thường cũng đã dễ mất ổn định nên đối với một số trường hợp bệnh lý (thiếu máu, bệnh tim, bệnh gan) thì bệnh dễ nặng thêm, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đe dọa cuộc sống của người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Chế độ dinh dưỡng của những đối tượng này cần có sự quan tâm đặc biệt để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị thiếu máu và thiếu vi chất dinh dưỡng
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị thiếu máu
Phụ nữ có thai được coi là thiếu máu khi hàm lượng Hemoglobin trong máu thấp < 11g/dl. Có nhiều nguyên nhân có thể gây thiếu máu nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ có thai là thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo hemoglobin – một protein quan trọng của hồng cầu. Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này. Chính vì vậy việc duy trì hemoglobin trong giới hạn bình thường là rất quan trọng.
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ mang là đối tượng bị thiếu máu thường gặp nhất và là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng tại nhiều quốc gia. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ có thai tại Việt Nam bị thiếu máu trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 70%.
Nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ có thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Nhu cầu sắt của phụ nữ có thai cao hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn.
Thiếu máu ở phụ nữ có thai gây nên tình trạng thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não…có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Con bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác. Vì vậy, người ta đã coi thiếu máu, thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa.
Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất ở phụ nữ có thai cần chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt rét.
Sắt có nhiều trong thịt đỏ, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh... Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn thực vật. Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, can xi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Ngoài ra, lòng đỏ trứng có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, K) rất tốt cho phụ nữ có thai. Mỗi tuần thai phụ có thể ăn từ 3-4 quả trứng gà.
Ngoài việc lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt từ nguồn thức ăn động vật, còn cần phối hợp với các lọai trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn như cam, bưởi, thanh long, táo… sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn; hạn chế những chất ức chế hấp thu sắt như tannin, phytat có trong ngũ cốc thô, trà...
Cần thực hiện uống viên sắt và acid folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn quốc gia về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Thiếu acid folic và một số vi chất dinh dưỡng
Phụ nữ có thai thường dễ bị thiếu acid folic. Một điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy có tới 63% phụ nữ có mức folat hồng cầu thấp. Thiếu acid folic không chỉ gây thiếu máu hồng cầu to mà còn có thể gây những dị tật ống thần kinh của thai nhi như vô sọ, thoát vị cột sống.
Ngoài ra, tình trạng thiếu một số vi chất khác ở người mẹ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi, đặc biệt là tỷ lệ thiếu kẽm lên tới gần 80% ở phụ nữ có thai, khẩu phần can xi thấp của hầu hết các PNCT ảnh hưởng đến chiều dài sơ sinh..
Thiếu iod ở phụ nữ có thai làm tăng nguy cơ sảy thai, tai biến sản khoa như sinh non, con dễ bị suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển tâm vận động.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn cần đa dạng. Phụ nữ có thai nên lựa chọn các thực phẩm giàu acid folic là rau lá xanh, nấm rơm, mầm lúa mì, đậu đỗ, các loại hạt, trái cây đặc biệt là cam, dâu tây, lê, dưa hấu… không chỉ giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh mà còn là 1 thành phần tạo máu, góp phần phòng chống thiếu máu cho phụ nữ có thai.
Do nhu cầu sắt và acid folic ở của phụ nữ có thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó có thể đáp ứng đủ nên phụ nữ có thai cần uống bổ sung sắt và acid folic với liều 60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic mỗi ngày theo khuyến nghị WHO. Uống bổ sung sắt và acid folic cần uống đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng.
Sử dụng muối iod trong chế biến món ăn hàng ngày là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao trong phòng chống thiếu hụt iod ở các bà mẹ tương lai.
Tăng sử dụng các thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng, tiêu thụ sữa có tăng cường sắt, acid folic và các vi chất dinh dưỡng khác….
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh tim:
Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ có thai tử vong. Tỷ lệ thai lưu của phụ nữ bệnh tim cũng cao gấp 5 lần và con của họ bị tử vong trong giai đoạn sơ sinh cũng cao gấp 1,5 lần so với các bà mẹ sức khỏe bình thường. Vì vậy, cần quan tâm hơn đến vấn đề tim mạch của phụ nữ có thai và cần tầm soát tốt hơn. Nếu phụ nữ bệnh tim được điều trị và theo dõi bệnh tốt thì tỷ lệ biến chứng thấp. Trong thai kỳ, việc chẩn đoán bệnh tim rất khó khăn vì các triệu chứng của bệnh tim thường bị nhầm lẫn với những triệu chứng của mang thai như khó thở, mệt mỏi và ợ nóng hoặc bệnh cơ tim có thể chỉ biểu hiện triệu chứng khi mang thai. Vì vậy, đối với thai phụ, cần khám thai đầy đủ để được phát hiện sớm và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Khi chăm sóc thai phụ mắc bệnh tim mạch cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng sẽ giúp chăm sóc phụ nữ có thai tốt hơn. Trong chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, cần chú ý đặc biệt 1 số nội dung sau:
Ăn hạn chế natri: ăn giảm muối, hạn chế muối để giảm gánh nặng cho tim (dưới 4g muối/ngày hoặc thấp hơn nữa theo chỉ định của bác sĩ tim mạch).
Hạn chế các chất kích thích như trà, cà phê, bia rượu. Không hút thuốc lá.
Ăn đủ chất xơ để tránh táo bón (>=400g rau/ngày)
Không ăn quá no, nên chia nhiều bữa nhỏ để tránh khó thở (4-6 bữa/ngày).
Lao động, vận động và nghỉ ngơi hợp lý.
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị bệnh gan
Theo thống kê của Hội gan mật Việt Nam, nước ta có khoảng 10 đến 20% dân số mắc các bệnh về gan, trong đó viêm gan B chiếm đa số. Có khoảng 12 triệu người mắc viêm gan B trong đó có hơn 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị viêm gan siêu vi B mạn tính. Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh. Cụ thể, mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1%, nếu mắc trong ba tháng giữa thai kỳ là 10%, còn mắc ở ba tháng cuối thai kỳ là 60%.
Ảnh hưởng của viêm gan B đối với thai phụ và thai nhi:
Khi mang thai thì sức đề kháng của phụ nữ thường giảm, do đó khi bị nhiễm bệnh sẽ dễ dẫn đến bệnh nặng hơn và tử vong cao hơn do suy gan cấp hoặc tối cấp và nếu hồi phục thì cũng dễ diễn tiến mạn tính hơn người thường.
Nếu mắc viêm gan B, thai phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và vàng da (mắt và màu da trở nên vàng nhợt).
Người mẹ bị viêm gan B còn có thể gây ảnh hưởng đến thai như nguy cơ sinh non, chuyển dạ sớm có biến chứng, xuất huyết trước sinh, tiểu đường thai kỳ, bé sinh ra dễ bị suy hô hấp...
Khi chuyển dạ hoặc bị sảy thai, người mẹ có nguy cơ tử vong cao do mất các yếu tố đông máu và rơi vào tình trạng hôn mê do gan mất chức năng chống độc.
Khi thai phụ bị viêm gan do nhiễm siêu vi B, ngoài việc dùng thuốc, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ giúp làm chậm thời gian tiến triển bệnh từ viêm gan mạn sang xơ gan. Chế độ ăn uống nên chú ý 1 số điểm sau:
Ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên quá kiêng cữ để duy trì sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan.
Chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực tiết mật cùng một lúc trong thời gian dài cho gan.
Ăn uống đúng giờ, không để cơ thể bị đói vì khi bị đói gan sẽ phải lấy các glucogen dự trữ để tiêu hao cho hoạt động của cơ thể. Điều này khiến gan trở nên mệt mỏi hơn.
Nên tạo thói quen ăn uống tại nhà, tự nấu ăn, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn bày bán sẵn để đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế các chất phụ gia độc hại, phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản thực phẩm.
Nên chế biến những món luộc, hạn chế các món nướng cháy, các loại chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật vì những đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến gan đang bị bệnh phải làm việc vất vả hơn, nó sẽ làm cho gan càng trở nên mệt mỏi, suy yếu hơn.
Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giúp tăng cường vitamin cho cơ thể (> 400g/ngày).
Bổ sung lượng carbohydrates một cách đầy đủ cho cơ thể từ các loại gạo, ngũ cốc để cung cấp lượng đường cần thiết cho gan.
Thai phụ viêm gan B ngoài việc tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý như trên thì cần kết hợp tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, luyện tập thể dục thể thao như: đi bộ, dưỡng sinh, yoga… việc điều trị bệnh sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Dinh dưỡng đối với thai phụ bị tiền sản giật:
Tiền sản giật là sự xuất hiện cao huyết áp với protein niệu và/hoặc phù, do thai nghén hoặc ảnh hưởng của một thai nghén rất gần. Tiền sản giật, sản giật thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và chấm dứt sau 6 tuần sau đẻ. Tuy nhiên, tiền sản giật nặng có thể phát triển sớm trước thời điểm đó với sự hiện diện của bệnh lá nuôi.
Trước đây người ta thường gọi là nhiễm độc thai nghén, hội chứng protein niệu, nhưng ngày nay người ta nhận thấy chính huyết áp cao đã gây nên các biến chứng trầm trọng cho mẹ và thai nhi và là triệu chứng thường gặp nhất. Tiền sản giật xảy ra khoảng 5-10 % và sản giật chiếm khoảng 0,2- 0,5% trong tổng số thai nghén.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh