✴️ Kinh nghiệm mang thai và sinh con lần thứ 2, tất tần tật những điều mẹ cần biết ngay

Nội dung

Sự khác biệt và kinh nghiệm khi mang thai lần 2

Mang thai lần thứ hai, phụ nữ có một vài điều khác biệt so với lần thứ nhất:

Tiêm phòng khi mang thai lần 2

Thông thường, trước khi mang thai lần đầu, mẹ hầu như đã tiêm phòng đầy đủ cho nên, ở lần mang thai thứ hai, đa phần các mẹ hầu như đã được bảo vệ đầy đủ.

Nếu mẹ đã tiêm đủ 5 mũi uốn ván trước thai kỳ thì không phải tiêm lại. Nếu mẹ chưa tiêm đủ 5 mũi thì tiêm thêm một 1 vào 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu mẹ đã tiêm đủ 5 mũi nhưng cách lần tiêm cuối cùng trên 10 năm thì cũng phải tiêm nhắc lại. Nếu mẹ đã tiêm phòng 3-4 mũi uốn ván từ trước mà lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì nên tiêm nhắc lại thêm một mũi để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Đối với các mũi tiêm phòng bệnh sởi – thủy đậu – rubella, nếu mẹ chưa tiêm trước khi mang thai lần thứ nhất thì nên tiêm phòng trước khi mang thai lần thứ 2 tối thiểu 3 tháng.

Đối với mũi cúm, mẹ nên tiêm trước khi mang thai lần thứ 2 tối thiểu 1 tháng.

mang thai và sinh con lần 2

Tiêm phòng khi mang thai và sinh con lần 2

Có kinh nghiệm hơn

Bù lại cho sự thiếu thốn về thời gian tìm hiểu kiến thức thì lần này, mẹ đã có kinh nghiệm hơn trong việc mang thai. Vì vậy, thai kỳ của mẹ phần nào cũng nhẹ nhàng hơn so với lần thứ nhất.

Ví dụ mẹ sẽ biết được nên ăn thực phẩm nào, nên kiêng thực phẩm nào, dinh dưỡng thế nào là đủ cho hai mẹ con, bổ sung dinh dưỡng trong các tháng của thai kỳ cho thích hợp, biết được lịch khám cần thiết, biết được các điều kiện sinh nở cần thiết, biết được cái gì nên mua cái gì không….

Hoặc đơn giản là một vài hiện tượng trong khi mang thai như khi nào con đạp, khi nào con máy mẹ cũng dễ dàng nhận ra để không quá băn khoăn và lo lắng như lần đầu mang thai.

Vì vậy, thai kỳ của mẹ sẽ bớt áp lực hơn lần thứ nhất mang thai.

Mệt mỏi hơn

Mang thai lần thứ 2, người mẹ thường mệt mỏi hơn lần thứ nhất do không còn nhiều thời gian để chăm sóc bản thân nữa mà vừa phải chăm lo cho con lớn, vừa phải trải qua thai kỳ một cách bình thường.

Nếu như mang thai lần đầu, mẹ có thời gian thư thả đọc sách, tìm hiểu rất nhiều kiến thức về chăm con và nuôi con, có thời gian nghỉ ngơi thật nhiều đồng thời vì là lần đầu mang thai nên cũng được người thân quan tâm lo lắng cho nhiều hơn thì lần này, người mẹ hầu như không có thời gian cá nhân để làm việc đó.

Tăng cân nhanh hơn

Mẹ mang thai lần thứ hai có thể tăng cân nhanh hơn, sớm hơn nên cần ăn uống dinh dưỡng và đủ chất thay vì ăn nhiều.

Vòng bụng lớn, bụng bầu thấp

Vòng bụng lớn hơn, bụng bầu thấp hơn nguyên nhân do sinh nở lần 1 chưa co loại hoàn toàn khiến cho thành bụng không thể nâng đỡ được tử cung tốt như khi mang thai lần đầu.

Tiểu khó kiểm soát

Mẹ mang thai lần thứ 2 có các triệu chứng đi vệ sinh xuất hiện sớm hơn và khó kiểm soát hơn nếu thai lớn. Kinh nghiệm cho mẹ đó là tập bài tập kegel giúp tử cung không bị giãn, vùng đáy chậu vững chắc và nhớ tránh mang vác đồ nặng.

Cử động thai sớm hơn

Tùy vào một số mẹ có thể cảm nhận rõ cử động thai nhi sớm hơn từ tuần 16 – 17 khác lần mang thai đầu tiên là phải đến 19-20 tuần mẹ mới cảm thấy cử động thai bởi vì mẹ có kinh nghiệm hơn và nhạy cảm hơn với em bé.

Cân nặng bé thứ 2 thường lớn hơn

Con thứ hai sinh ra thường nặng cân hơn em bé lần đầu khoảng 138g. Tuy nhiên, điều này chỉ là tương đối do người mẹ sinh sau lớn tuổi hơn và dễ tăng cân hơn chứ không phải bé nào cũng thế.

Mẹ vẫn nên ăn uống và sinh hoạt điều độ để cân nặng em bé trung bình khoảng trên 3kg là tốt nhất.

Tiết kiệm hơn

Mẹ mang thai lần 2 có nhiều kinh nghiệm trong việc mua sắm nên có thể biết được cái nào cần, cái nào không đồng thời có thể tận dụng nhiều từ vật dùng của em bé đầu tiên nên tiết kiệm hơn trong việc mua sắm, nuôi con.

Mẹo hay cho mẹ khi mang thai lần 2

Kinh nghiệm cho mẹ mang thai lần 2 thuận lợi hơn đó là mẹ hãy lên một danh sách các việc cần làm ngay từ đầu thai kỳ để tránh mệt mỏi vừa phải chăm con vừa phải vất vả trải qua thai kỳ nhất là thời kỳ ốm nghén.

Do đã có kinh nghiệm, mẹ sẽ có thể lên kế hoạch và chi tiêu chính xác để vừa tiết kiệm nhất, vừa đầy đủ nhất.

mang thai và sinh con lần 2

Checklist việc cần làm và chuẩn bị kỹ càng trước khi mang thai lần 2

 

Sự khác biệt và kinh nghiệm đẻ thường lần thứ 2

Sinh thường lần 2 có đúng ngày dự sinh không?

Theo kinh nghiệm của nhiều bác sĩ sản khoa, thông thường, sinh con lần thứ 2 thường sớm hơn sinh con lần thứ nhất so với ngày dự sinh khoảng 1 tuần.

Vì vậy, người mẹ cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục cũng như tâm lý và vật dụng cá nhân sẵn sàng cho việc chuyển dạ bất cứ lúc nào ít nhất 2 tuần trước ngày dự sinh.

Mẹ nên ở gần bệnh viện để có thể cấp cứu chuyển dạ kịp thời.

Thời gian chuyển dạ ngắn hơn

Tin vui cho các mẹ sắp sinh bé thứ hai đó là đa phần người mẹ sinh thường có thời gian chuyển dạ trong lần sinh thường thứ 2 ngắn hơn một nửa so với lần thứ nhất.

Sinh thường lần 2 có bị rạch tầng sinh môn hay không?

Có nhiều mẹ cho biết, sinh thường lần thứ 2, mẹ cảm thấy dễ sinh hơn hẳn. Có thể là do cổ tử cung của mẹ đã giãn nở một lần nên giãn ra trở nên dễ dàng hơn.

Vì vậy, mẹ sinh thường lần hai có thể sinh con dễ dàng không cần rạch tầng sinh môn. Tuy nhiên, không phải ai cũng không cần rạch tầng sinh môn. Nhiều mẹ có cổ tử cung co giãn tốt hoặc trong ca sinh, để tạo điều kiện cho em bé chào đời thuận lợi, bác sĩ sẽ vẫn rạch tầng sinh môn của sản phụ.

Đau nhức nhiều hơn

Sau khi sinh một lần, tử cung của mẹ bị giãn trở nên yếu hơn nên đến lần thứ 2, sự co rút tử cung sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Vì vậy, có thể mẹ sẽ cảm thấy các cơn co tử cung mạnh mẽ hơn gây đau đớn nhiều hơn.

Mẹ sau sinh mổ thì vết mổ mới chồng lên vết mổ cũ cũng khiến mẹ đau đớn nhiều hơn.

Mẹ có thể khắc phục bằng cách nằm úp, massage, chườm ấm bụng bằng túi chườm hoặc gừng muối ngải cứu để xoa dịu cơn đau.

Nguy cơ biến chứng sau sinh

Mẹ sau sinh lần thứ 2 có nguy cơ biến chứng thai kỳ cao hơn lần 1 nếu đã có tiền sử hoặc nguy cơ từ lần mang thai và sinh con trước như sinh non, dọa sinh non, tiền sản dật, vỡ nhau thai, xuất huyết, béo phì, tiểu đường…

Kiệt sức và mệt mỏi hơn sau lần sinh thứ 2

Mẹ sinh con lần thứ 2 phải chăm sóc cả em bé lớn nếu như không được hỗ trợ từ người thân thì sẽ khá mệt mỏi. Nhiều mẹ còn kiệt sức khi không thể cáng đáng cùng lúc việc chăm cả hai con.

Vì vậy, mẹ cần lên kế hoạch tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân hoặc thuê người giúp việc để đỡ đần việc chăm con lớn, việc nhà để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn sau khi sinh.

mang thai và sinh con lần 2

Mang thai lần 2 khiến mẹ mệt mỏi hơn

 

Sự khác biệt và kinh nghiệm đẻ mổ lần 2

Khoảng cách giữa hai lần sinh mổ

Các bác sĩ khuyến cáo, ít nhất 2 năm sau lần sinh mổ thứ nhất, mẹ mới nên tiếp tục mang thai và sinh con thứ 2.

Lý do là để cho vết mổ lành hẳn, giảm thiểu nguy cơ cho mẹ khi tử cung và vùng bụng giãn nở lớn trong thời kỳ mang thai lần 2. Nếu như mẹ sinh mổ mang thai quá lớn rất dễ dẫn đến bục hoặc rò rỉ vết mổ, nguy hiểm cho cả hai mẹ con.

Nếu các mẹ sinh con lần thứ 2 mà chưa vượt quá thời gian giãn cách là 2 năm thì trong thời kỳ mang thai cần phải chú ý không để bản thân và thai nhi tăng cân quá nhiều và thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường.

Đồng thời, có thể mẹ sẽ được chỉ định mổ sớm hơn ngày dự sinh để đảm bảo an toàn, mẹ tròn con vuông trong trường hợp có nguy cơ.

Mổ đẻ lần thứ 2 ở tuần thứ bao nhiêu?

Đối với nhiều mẹ thường đợi chuyển dạ mới sinh mổ cần lưu ý thời gian chuyển dạ lần sinh thứ 2 thường sớm hơn lần sinh thứ nhất 1 tuần.

Do đó, mẹ cần chuẩn bị mọi thứ sớm hơn để kịp thời nhập viện khi sinh.

Để xác định thời gian mổ đẻ lần thứ 2, bác sĩ sẽ kiểm tra độ dày mỏng của thành tử cung, vết mổ cũ. Thông thường, thai nhi từ khoảng 39 tuần sẽ được chỉ định mổ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sức khỏe thai phụ yếu…có thể sẽ chỉ định mổ sớm hơn nếu cần thiết. Mẹ nào khỏe, thai nhi phát triển tốt có thể đợi ngày chuyển dạ mới mổ.

Lưu ý khi đi sinh mổ lần thứ 2

Mẹ không ăn trước 12 tiếng, không uống nước trước 6 tiếng, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh sạch sẽ vùng kín trước khi vào phòng mổ.

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục, có sự hỗ trợ của người nhà để ổn định tâm lý và thực hiện các thủ tục khác nếu có yêu cầu sau khi bạn vào phòng sinh.

Nhiều mẹ đi sinh chỉ có một mình nên chọn các bệnh viện có dịch vụ tốt để được chăm sóc từ a đến z thậm chí không cần người thân hay bất cứ đồ đạc gì khi đi sinh.

Sinh mổ lần 2 đau hơn lần  1

Đa phần các mẹ sinh mổ lần thứ 2 đều cảm thấy đau hơn đẻ mổ lần thứ nhất.

Thứ nhất là đau vết mổ. Vết mổ mới chồng lên vết mổ cũ, thời gian lành vết mổ lâu hơn khiến mẹ cảm thấy đau hơn.

Thứ hai là đau cơn co tử cung do tử cung phải co lại sau khi bị giãn trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, do tử cung của mẹ bị giãn lần thứ 2 chậm co lại hơn lần thứ nhất, quá trình co cũng không tốt như lần thứ nhất nên mẹ sẽ đau hơn.

Mẹ cần vệ sinh vết mổ sạch sẽ, ăn thức ăn giàu sắt, hạn chế ăn các thực phẩm được biết đến là làm viết sẹo lâu lành như thịt gà, hạn chế đi lại và vận động. Nếu mẹ bị đau cơn co tử cung, hãy chườm ấm bụng bằng túi chườm hoặc muối gừng ngải cứu để cảm thấy dễ chịu hơn.

Mẹ có kinh nghiệm sau sinh tốt hơn

Do đã có kinh nghiệm từ sau lần sinh con thứ nhất, ở lần sinh mổ thứ 2, mẹ sẽ biết cách chăm sóc con, vận động sau sinh tốt hơn.

Qua khoảng 02 tuần, mẹ bắt đầu khỏe hơn, cơ thể bớt đau nhức, hãy vận động nhẹ nhàng để giãn cơ. Qua khoảng 02 tháng, mẹ bắt đầu tập các bài tập thể dục dành cho mẹ sau sinh để giúp lấy lại vóc dáng và cơ thể khỏe mạnh hơn.

mang thai và sinh con lần 2

Sinh mổ lần 2 thường đau hơn lần thứ nhất

Những lưu ý mẹ cần biết khi quyết định mang thai và sinh con lần 2

Chăm sóc bản thân

Sau khi sinh con, mẹ cần biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, dành thời gian cho bản thân để mau chóng hồi phục sức khỏe.

Lên kế hoạch

Sau khi sinh, bạn bận rộn với hàng trăm việc không tên. Vì vậy, hãy có một kế hoạch, lịch trình, thời gian biểu cụ thể để tránh bị rối và mệt mỏi quá độ.

Hỗ trợ từ người thân và máy móc

Tốt nhất sau khi sinh, các mẹ cần nhận sự trợ giúp hỗ trợ từ người thân để giảm bớt áp lực chăm con nhất là khi vừa chăm con lớn vừa chăm con nhỏ cực kỳ vất vả.

Bên cạnh đó, bạn có thể cần đến một số dụng cụ, máy móc tự động để hỗ trợ bạn. Ví dụ, mẹ có thể cần đến máy hút sữa để tránh tắc sữa nếu con không bú hoặc không bú hết. Hoặc mẹ cần có máy rửa bát, robot hút bụi, máy giặt….để giảm thiểu thời gian tự làm việc nhà, dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.

Giải tỏa áp lực tâm lý

Để giải tỏa áp lực tâm lý sau sinh, mẹ nên thường xuyên chia sẻ tâm tư tình cảm với chồng, người thân, bạn thân để được giúp đỡ, an ủi và cảm thấy bản thân không cô đơn cũng như giảm thiểu nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Quan tâm đến cảm xúc của em bé lớn

Có một vấn đề mà có lẽ rất nhiều cha mẹ sau khi có con thứ 2 quên mất. Đó là quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của con lớn.

Tùy vào độ tuổi, từ 3 tuổi trở lên, bé đã có nhiều cảm xúc và suy nghĩ riêng. Bé nhỏ hơn thì cần được chăm sóc về giấc ngủ, bữa ăn nhiều hơn. Với bé lớn, cha mẹ cần ổn định tâm lý cho con, để con biết và quen với việc nhà mình sắp có thêm em bé, để em bé quen với việc tự vệ sinh cá nhân, giúp mẹ làm những việc vặt hay tạo cho bé sự háo hức có em và yêu thương em.

Cha mẹ tuyệt đối không dùng những câu từ dọa dẫm như có em mới thì con ra rìa, hay phân biệt đối xử, ruồng bỏ hay làm tổn thương tâm lý con khi lúc nào cũng quan tâm con thứ 2 mà quên đi sự hiện diện của con lớn khiến bé sinh ra cảm giác đố kỵ và ghen ghét với em.

Cha mẹ có thể cho em lớn đi học, tham gia các lớp kỹ năng để kết bạn, học hỏi cũng như có thời gian cho cha mẹ chăm em bé.

Sinh con thứ 2, cha mẹ cần có sự chuẩn bị về sức khỏe, tài chính, tâm lý của mỗi thành viên trong gia đình để có thể thuận lợi sinh con, đón đợi thêm niềm vui mới cho gia đình./.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top