Đa phần chúng ta thường quan tâm tăng chiều cao khi trẻ lớn mà ít biết rằng giai đoạn bào thai sự phát triển xương, chiều dài cơ thể trẻ diễn ra rất nhanh. Mọi người cứ tưởng tượng gene sẽ qui định 1 khoảng chiều cao của 1 đứa trẻ (ví dụ: 1.4m – 1.8m), và các gene này sẽ được bật tắt rất điều hoà trong các giai đoạn phát triển của trẻ từ trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành. Và chính dinh dưỡng là chìa khoá giúp các công tắc trên bật lên đúng lúc nhất để thúc đẩy tối đa tiềm năng trước khi đĩa sụn của xương đóng lại hoàn toàn.
Sự phát triển xương của thai nhi trong thai kỳ như sau:
Sau khi thụ thai, phôi thai sẽ biệt hóa thành 3 lớp:
Trung bì: Phát triển thành xương, cơ tim, thận, cơ quan sinh dục
Nội bì: Phát triển thành hệ tiêu hóa, gan, phổi
Ngoại bì: Phát triển thành hệ thần kinh, tóc, da, mắt
Xương đòn và các bộ phận xương sống bắt đầu phát triển. Ống thần kinh – nguồn gốc của hệ thần kinh, hộp sọ, cột sống cũng hình thành trong thời gian này.
Trong tuần tuổi thứ 6, thai nhi bắt đầu phát triển cánh tay, chân.
Xương của thai nhi phát triển rất nhanh trong giai đoạn này, cánh tay và chân cũng dài ra và trở nên dễ nhận biết hơn.
Các khớp của thai cũng trở nên dẻo hơn, có thể uốn cong. Các chi trên có xu hướng phát triển trước, sau đó đến các chi dưới.
Mô cơ và xương tiếp tục phát triển và xương trở nên cứng hơn. Thai nhi hấp thụ Canxi nhiều hơn để phục vụ cho sự tăng trưởng của hệ xương.
Đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình xây dựng hệ xương. Hình dáng từng loại xương ở mỗi vị trí đã được định hình rõ ràng. Thai phụ cũng bắt đầu cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của thai nhi.
Hệ xương được xây dựng từ Canxi và khoáng chất đang bắt đầu chuyển đổi từ sụn thành xương cứng và chắc hơn. Lúc này, thai nhi có thể hấp thụ đến 250mg Canxi/ngày. Cơ bắp và lớp mỡ dưới da cũng phát triển mạnh.
Lượng Canxi và khoáng chất mà thai nhi hấp thụ lên đến 350mg/ngày trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Xương của thai nhi cũng cứng hơn những giai đoạn trước nhưng vẫn giữ được độ mềm dẻo nhất định để có thể chào đời thuận lợi.
- Mức tăng chiều cao trẻ có thể đạt được trong giai đoạn bào thai:
Trong giai đoạn bào thai, trung bình mỗi tháng chiều cao của thai nhi sẽ tăng khoảng 5-6 cm [1][2] . Nếu bạn xem xét việc bào thai lúc 15 tuần tuổi chỉ dài trung bình 16 cm, mỗi tháng tăng hơn 5 cm là một tỉ lệ tăng cực nhanh.
Dinh dưỡng của mẹ bầu sẽ quyết định sức khoẻ, trí tuệ và cả chiều cao tương lai của em bé. Lưu ý là: mẹ thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tới con, mẹ tăng cân quá nhiều cũng ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của em bé sau này [3]. Một chế độ ăn ĐỦ và HÀI HÒA là cực kỳ quan trọng.
- Làm thế nào để trẻ phát triển TRÍ TUỆ và CHIỀU CAO tốt trong giai đoạn bào thai?
+ Để thai nhi phát triển tối ưu, người mẹ cần nhận được chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nguồn thực phẩm chính: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
+ CHẤT BÉO có vai trò thế nào?
Lượng chất béo vừa phải rất cần thiết cho sự thông minh và phát triển của thai nhi. Một số loại thực phẩm chứa đạm cũng đã chứa lượng chất béo cần thiết:
- Trứng: có choline, cholesterol và vitamin
- Cá và hải sản: chứa nhiều Omega-3, đặc biệt DHA cần thiết cho sự phát triển trí thông minh của trẻ sau này.
Điều cần lưu ý là nguồn gốc và chất lượng của chất béo được tiêu thụ. Ví dụ: chất béo từ dầu thực vật (được chế biến sẵn) có nhiều Omega-6 có thể tăng nguy cơ chậm phát triển... Chúng ta có thể dùng mỡ tự nhiên từ thịt, da cá, da gà, hoặc bơ, là những thành phần có ít Omega-6 hơn rất nhiều.
Phụ nữ mang thai cũng được khuyên nên bổ sung thêm các dưỡng chất rất thiết yếu như viên folate, sắt,…
+ VITAMIN D quan trọng như thế nào đối với mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi?
Để bào thai phát triển tốt và trẻ em cao lớn, việc bổ sung Vitamin D có vai trò cực kỳ quan trọng. Thai nhi lấy Vitamin D và Canxi trực tiếp từ mẹ. Chúng ta thường không ăn thiếu canxi, tuy nhiên để canxi hấp thu qua ruột vào máu thì không thể thiếu Vitamin D vì Vitamin D hoạt động bằng cách mở thêm các cách cổng để luân chuyển Canxi vào trong các cơ quan.
Một công trình trên JAMA tổng hợp 24 nghiên cứu lâm sàng từ hơn 5400 mẹ bầu cho thấy: người được bổ sung Vitamin D trong lúc mang thai giảm hẳn nguy cơ sinh non, trẻ gầy gò, chậm phát triển và đặc biệt bổ sung Vitamin D (liều khoảng 1000 IU/ngày) giúp tăng cân nặng và chiều cao cho trẻ đến giai đoạn sau sinh [5].
Vitamin D cũng là mắt xích quan trọng của hệ miễn dịch, giúp cơ thể mẹ và bé khoẻ mạnh. Thử tưởng tượng, mẹ bầu mà suốt ngày bệnh tật thì làm gì còn cảm thấy ăn ngon miệng, đấy là còn chưa kể, uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi rất lớn.
Một báo cáo tại hội đồng Khoa học Châu Âu vào năm 2017 cho kết quả rất thú vị: trước khi quyết định có em bé, những ông bố bổ sung vitamin D đầy đủ thì sẽ có con cao lớn hơn nhóm không bổ sung [6]!
Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra, tuy Việt Nam là nước nhiệt đới, ánh nắng không thiếu nhưng tỉ lệ thiếu vitamin D trong dân số rất cao. Điều này đa phần là do nhiều người phơi nắng chưa đúng cách, luôn sử dụng kem chống nắng, bịt kín mít khi ra đường và dinh dưỡng chưa cân bằng. Chính vì vậy việc bổ sung vitamin D là cần thiết.
Nguồn tham khảo:
[1] Papageorghiou et al. Lancet 2014;384:869-79
[2] Vintzileos AM et al. Obstet Gynecol. 1984 Dec;64(6):779-82. PMID: 6390277.
[3] Obesity and Pregnancy, FAQ, webiste of American College of Obstetricians and Gynecologists. Accessed on 18-06-2022
[4] Rajavel Elango and Ronald O Ball. Advances in Nutrition 2016 Jul; 7(4): 839S–844S.
[5] Wei Guang Bi et al. JAMA Pediatr. 2018;172(7):635-645.
[6] European Association for the Study of Obesity. "Father's pre-conception vitamin D intake linked to child height and weight at 5 years old." ScienceDaily. Accessed on 18-06-2022.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh