Nguyên nhân gây loãng xương sau sinh
Thay đổi mật độ xương trong khoảng thời gian mang thai và cho con bú.
Nồng độ vitamin D từ cơ thể mẹ đã bị tiêu hao vì phải nuôi dưỡng thai nhi.
Nồng độ estrogen trong cơ thể mẹ tăng cao, tác động đến sự hoạt động của các cơ, gân, dây chằng, đặc biệt là vùng khớp cùng của xương chậu (biểu hiện là tình trạng đau lưng, mỏi khớp khi mang thai và kéo dài đến khoảng thời gian sau sinh).
Căng thẳng, bận rộn chăm con khiến cơ thể mệt mỏi và hay xuất hiện những cơn đau mỏi xương khớp.
Triệu chứng loãng xương
Sau sinh từ 1-2 tháng sản phụ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như:
Đau nhức khắp người, đặc biệt là ở khu vực vai, lưng, bàn chân.
Đau lưng âm ỉ.
Móng dễ gãy
Đau răng
Rối loạn giấc ngủ
Cơ bắp đau nhức hay chuột rút, đặc biệt vào ban đêm
Đây là những dấu hiệu cho biết bạn đang bị loãng xương nhẹ và cần phải nhanh chóng được điều trị.
Ở phụ nữ sau sinh chủ yếu là loãng xương sinh lý. Để điều trị các bác sĩ sẽ tiến hành đo mật độ xương trong thời gian mang thai và cho con bú. Tình trạng này sẽ cải thiện sau khi ngừng cho con bú từ 6-12 tháng.
Cách điều trị loãng xương sau sinh
Với những trường hợp loãng xương nghiêm trọng gây ảnh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, mẹ có thể phải sử dụng thuốc giảm đau hoặc dùng các loại thuốc uống bổ sung canxi, vitamin D, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng tránh loãng xương sau sinh
Nên nhớ không nên ăn kiêng quá mức mà cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, thực đơn đa dạng và phong phú để cung cấp đủ dưỡng chất và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh, để nhanh chóng phục hồi sau sinh.
Việc chăm sóc xương là điều vô cùng quan trọng, cần thực hiện trước, trong và sau khi mang thai, trong thời kỳ cho con bú. Một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ canxi, tập thể dục thường xuyên cùng lối sống lành mạnh sẽ tốt cho sức khỏe cả mẹ và con.
Bổ sung canxi
Canxi có thể được cung cấp từ rất nhiều nguồn trong cuộc sống. Lượng canxi cần cung cấp trong thời kỳ mang thai và cho con bú là 1.000 mg mỗi ngày. Khi có thai trong độ tuổi thanh thiếu niên, lượng canxi cần cung cấp là 1.300 mg mỗi ngày.
Cách đơn giản và an toàn nhất là bổ sung canxi bằng các thực phẩm hàng ngày. Những thực phẩm dưới đây có hàm lượng canxi cao nhất mà phụ nữ sau sinh nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày
Nhóm rau: Rau cải ngọt, rau dền
Rau cải ngọt, cải chíp và rau dền được xem là 2 món rau có hàm lượng canxi cao, thậm chí cao hơn sữa (trên cùng trọng lượng). Khi ăn nên luộc hoặc nấu ăn cả nước sẽ làm tăng tỷ lệ hấp thu canxi tốt hơn.
Nhóm cá: Cá chạch
So với các loại cá khác trên cùng trọng lượng, cá chạch chứa hàm lượng canxi cao hơn khoảng 6 lần cá chép, hơn 10 lần so với bạch tuộc. Cách ăn tăng hàm lượng canxi nhất là nấu chạch cùng với đậu phụ.
Nhóm gia vị: Vừng ( mè)
Một muỗng vừng khoảng 25g có thể bổ sung đến 200mg canxi cho cơ thể. Hạt vừng khi chế biến thành tương hoặc rang chín giã nhỏ có khả năng tiêu hóa cao. Vừng có thể coi như gia vị bổ sung vào các món xào, trộn hoặc bánh.
Nhóm ngũ cốc: Bột yến mạch
Bột yến mạch có hàm lượng canxi cao nhất trong nhóm ngũ cốc, hơn gạo trắng khoảng 8 lần. Cách chế biến giúp hấp thu tốt yến mạch là nấu cùng với vừng đen.
Nhóm hạt đậu: Đậu phụ
Đậu nành sau khi trải qua nhiều công đoạn chế biến trở thành đậu phụ làm cho lượng canxi có trong đậu nành rất dễ dàng được hấp thu. Canxi trong miếng đậu cao hơn trong nước đậu khoảng 7 lần.
Nhóm các loại hạt: Hạnh nhân
Hạnh nhân chứa lượng canxi cao nhất trong các loại hạt. mỗi 100g hạt chứa tới 815 mg canxi, đủ để đáp ứng nhu cầu canxi của một người lớn mỗi ngày.
Nhóm đậu đỗ: Đậu cô- ve
Mỗi 100g quả đậu cô- ve chứa lượng canxi lên đến ~350mg, cao gấp đôi đậu nành. Món đâu này có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn phổ biến với người dân Việt Nam.
Nhóm đồ uống: Sữa
Sữa là thực phẩm bổ sung canxi rất quen thuộc. 250g sữa có thể cung cấp 275 mg canxi. Đây là món đồ uống rất dễ uống và không phải chế biến.
Một số thuốc, thực phẩm chức năng giàu canxi có thể được lựa chọn khi nguồn thực phẩm không cung cấp đủ canxi cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung canxi qua thuốc hay thực phẩm chức năng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bổ sung vitamin D
Ngoài việc sử dụng thực phẩm hay thuốc để cung cấp canxi, phụ nữ sau sinh đừng quên bổ sung vitamin D. Bởi vitamin D giúp tăng khả năng hấp thu canxi ở ruột, nơi tiếp nhận canxi chủ yếu. Lượng vitamin D cần thiết cho phụ nữ có thai và cho con bú là 800 UI/ ngày. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin D như: trứng, lươn, trai, nấm tươi, sò…
Ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng vô hạn giúp tổng hợp vitamin D dưới da. Vì vậy, phơi nắng ở thời điểm thích hợp cũng là cách giúp bổ sung canxi hiệu quả, là liệu pháp giúp cơ thể tổng hợp thêm vitamin D để phòng ngừa bệnh loãng xương.
Bổ sung khoáng chất
Nếu chỉ bổ sung canxi và vitamin D sẽ không tốt cho sức khỏe vì canxi hấp thu nhiều dẫn đến ứ đọng trong các mô cơ thể, ứ đọng trong mạch máu dẫn đến vôi hóa, xơ hóa mạch máu, động mạch, sỏi ở một số cơ quan. Chính vì vậy, khi bổ sung canxi và vitamin D cần bổ sung các vitamin muối khoáng đồng yếu tố bởi cơ thể cần rất nhiều chất để hoạt động một cách hỗ trợ, cung cấp canxi theo cách tốt nhất, không sợ bị thừa hay thiếu.
Vận động sau sinh
Ngoài ra sau sinh sản phụ nên thường xuyên vận động cơ thể bằng các bài tập thể dục, đi lại nhẹ nhàng mỗi ngày để giúp các cơ dẻo dai và xương khớp chắc khỏe hơn lại giúp mau chóng lấy lại vóc dáng sau sinh hiệu quả.
Tập thể dục nhẹ nhàng có rất nhiều lợi ích trong nâng cao sức khỏe thai kỳ. Giúp giảm đau lưng, táo bón, ngăn ngừa đái tháo đường thai kỳ, cải thiện tâm trạng, thúc đẩy cơ bắp, sức mạnh và sức bền. Đặc biệt giúp phụ nữ nhanh lấy lại vóc dáng sau khi sinh em bé.
Tránh làm việc quá sức và căng thẳng, nên dành gian để nghỉ ngơi, thư giãn để cơ thể nhanh chóng phục hồi và tránh đau nhức cơ thể sau sinh.
Phòng ngừa và chữa trị loãng xương sau sinh là việc làm rất cần thiết, đặc biệt với những trường hợp cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vì khi đó lượng canxi trẻ hấp thụ được chủ yếu thông qua nguồn sữa mẹ. Nếu sữa mẹ không cung cấp đủ canxi thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển sau này của trẻ cũng như sức khỏe của người mẹ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh