Tình trạng khàn giọng mất tiếng xuất hiện phổ biến nhất ở những người có đặc thù công việc phải nói nhiều. Điển hình như là: giáo viên, MC, phát thanh viên, ca sĩ, nhân viên bán hàng/tư vấn,… Nói nhiều liên tục trong nhiều giờ, dây thanh quản phải làm việc quá mức và không được nghỉ ngơi sẽ trở nên suy yếu và tổn thương. Lúc này, sức đề kháng kém trở thành “lỗ hổng” cho các virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công, dẫn đến sưng viêm kéo dài. Các tổn thương thực thể: hạt xơ, viêm thanh quản, u nang dây thanh,…gây cản trở việc hoạt động của 2 dây thanh, dẫn tới giọng nói bị biến đổi, âm thanh trở nên khàn đục và thậm chí không rõ thành tiếng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây nên khàn tiếng:
– Người mắc bệnh nhược cơ, suy giáp.
– Có tổn thương thanh quản do từng mổ tuyến giáp/cổ/ngực phía trên.
– Người mắc bệnh trào ngược dạ dày, thực quản .
– Tiếp xúc nhiều với các chất gây kích ứng như khói bụi, thuốc lá.
– Bị cảm lạnh, cúm kèm theo các cơn ho kéo dài, không được điều trị dứt điểm.
Đặc biệt, các đối tượng có sức đề kháng kém như người già, trẻ em là mục tiêu tấn công của các tác nhân gây bệnh. Nảy sinh ra viêm thanh quản tái phát nhiều lần, về lâu dài chuyển thành bệnh mãn tính khó điều trị và tiềm ẩn nguy cơ ung thư thanh quản.
Lời nói được hình thành nhờ hoạt động của 2 dây thanh (thanh đới) nằm trong thanh quản. Hai dây thanh này rung động đồng nhất, đóng mở trơn tru, biến đổi linh hoạt theo từng âm điệu và tạo ra âm thanh trong trẻo theo cường độ cao/thấp khác nhau. Từ đó, biểu đạt được trạng thái, cảm xúc của con người qua từng lời nói.
Biểu hiện đầu tiên của khàn giọng, mất tiếng là giọng nói bị rè, khàn, không trong trẻo như trước. Các âm sắc trong lời nói không còn tròn trịa mà trở nên đục hơn. Gây khó khăn khi giao tiếp và người nghe đôi khi không tiếp nhận được chính xác thông tin.
Bên cạnh đó, phần cổ họng có cảm giác ngứa, rát và đau. Luôn trong tình trạng khô cổ họng gây nên khó chịu và có biểu hiện khát nước ở người bệnh.
Nếu tình trạng kéo dài, cơ thể dần rơi vào trạng thái mệt mỏi, kèm theo sốt cao, kiệt sức và đôi khi khó thở, khó nuốt. Đặc biệt, giọng nói khàn đục lâu sẽ dẫn tới tình trạng mất tiếng hoàn toàn.
Tình trạng khàn giọng mất tiếng nếu không được điều trị kịp thời, dứt điểm có thể sẽ gây nên nhiều hậu quả tiêu cực tới sức khỏe. Đồng thời đây cũng là sự cảnh báo ngầm của những bệnh lý nguy hiểm không thể chủ quan.
Khi bắt gặp giọng nói trở nên khàn, đặc, không rõ tiếng thì bạn nên:
– Hạn chế nói chuyện, đặc biệt nói to với âm lượng lớn để dây thanh quản được nghỉ ngơi.
– Súc miệng bằng nước muối pha loãng khoảng 3 lần/ngày. Hoặc ngậm nước mật ong pha với chanh ấm giúp chống viêm hiệu quả.
– Không sử dụng các chất kích thích, các đồ uống có cồn gây tổn thương thêm cổ họng.
– Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ họng. Vào mùa hè nên tránh để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, vào mùa đông nên mặc ấm, có đeo khăn khi đi ngoài đường.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm vitamin C giúp tăng đề kháng cho cơ thể.
Chứng khàn giọng diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng mất tiếng nói, gây khó khăn trong giao tiếp. Do đó, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời. Tại đó, bằng trang thiết bị y tế chuyên dụng, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ tổn thương ở cổ họng, đặc biệt là dây thanh quản bằng các phương pháp như:
– Khám lâm sàng tai – mũi – họng.
– Nội soi họng thanh quản để xem xét mức độ viêm và phát hiện các bất thường khác (nếu có).
– Chụp X-quang vùng cổ họng để xác định có hay không khối u xuất hiện tại vị trí này.
– Siêu âm cũng là cách kiểm tra có hạch ở cổ họng hay không, định vị khối u và xem xét tình trạng có lây lan sang các vùng khác hay không.
Qua các bước khám cần thiết trên, nếu tình trạng khàn giọng do vi khuẩn gây ra thì bạn có thể mua thuốc uống theo đơn chỉ định của bác sĩ. Nhưng nếu có phát hiện khối u hoặc mức độ viêm quá nặng thì cần có sự can thiệp sớm để điều trị bệnh được dứt điểm
Bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa, ngăn cho tình trạng khàn giọng tìm đến bằng cách:
– Tập uống nhiều nước trong ngày, tránh để cổ họng bị khô.
– Ngưng hút thuốc lá, uống rượu, bia,… bởi đây là những tác nhân gây tổn thương vùng cổ họng và thanh quản.
– Giữ ấm cổ họng cả mùa đông lẫn mùa hè, giữ vệ sinh sạch sẽ.
– Hạn chế nói trong thời gian dài, cần nghỉ ngơi đúng lúc. Không nói to, hét lớn hoặc hắng giọng bởi sẽ kích thích dây thanh quản.
Trên đây là thông tin cần biết về nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp cho tình trạng khàn giọng mất tiếng. Tuy được đánh giá là tình trạng thường gặp nhưng bạn không nên chủ quan và cần đi khám trực tiếp với bác sĩ có chuyên môn tai – mũi -họng. Bên cạnh đó, chủ động phòng ngừa ngay trong lối sống hàng ngày cũng là điều cần thiết và quan trọng. Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng khàn giọng dẫn đến mất tiếng là như thế nào!
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh