Cơ chế hình thành thai đôi
Trong một thai kỳ, cùng lúc có hai thai nhi được gọi là thai đôi.
Bình thường, chỉ có 1 quả trứng được giải phóng trong chu kỳ kinh nguyệt và được thụ tinh bởi 1 tinh trùng dẫn đến phát triển thành 1 phôi và chỉ có một em bé chào đời.
Trong 2 trường hợp sau có thể dẫn đến thai đôi:
Trường hợp có đến 2 quả trứng được giải phóng, mỗi quả trứng được thụ tinh bởi 1 tinh trùng dẫn đến có 2 phôi phát triển trong tử cung sẽ dẫn đến thai đôi. Trường hợp này gọi là sinh đôi khác trứng. Hai người sinh đôi khác trứng có thể giống một vài đặc điểm nhưng đa phần là khác nhau cả về hình thể, đặc điểm tâm sinh lý.
Trường hợp 1 quả trứng và 1 tinh trùng thụ tinh nhưng trong gia đoạn đầu của quá trình phân chia, chúng tách ra làm 2 hợp tử phát triển độc lập dẫn đến có 2 phôi cấy vào tử cung và phát triển thành hai bào thai khác nhau dẫn đến song thai. Trường hợp này gọi là sinh đôi cùng trứng. Hai người sinh đôi cùng trứng có nhiều đặc điểm giống nhau về hình thể và các mối liên hệ về tâm sinh lý chưa được kiểm chứng hết.
Một số nguyên nhân làm tăng tỷ lệ sinh đôi
Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh đôi cũng có xu hướng gia tăng bởi nguyên nhân chính là do các bà mẹ càng ngày càng mang thai muộn. Với phụ nữ có độ tuổi dưới 20, tỷ lệ sinh đôi không cùng trứng chỉ là 0.3% trong khi đối với phụ nữ từ 35-40 tuổi thì tỷ lệ này là 1.4% (và lại giảm nhẹ sau tuổi 40).
Axit folic làm tăng xác suất sinh đôi
Một trong những điều mọi người ít biết là việc sử dụng nhiều acid folic có thể làm tăng nhẹ xác suất sinh đôi.
Acid folic thường được khuyên dùng trước và trong thời kỳ đầu tiên khi mang thai nhưng nếu sử dụng quá liều sẽ gây tác dụng phụ. Ước tính rằng cứ 176 bà mẹ đang mang thai được uống đầy đủ acid folic thì có một bà mẹ sẽ sinh đôi.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai
Việc có thai ngay khi dừng uống thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng khả năng sinh đôi.
Theo một số nghiên cứu, phụ nữ uống thuốc tránh thai trên 6 tháng và có bầu ngay sau khi dừng uống thuốc sẽ có xác suất sinh đôi gấp đôi so với bình thường.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Thụ tinh trong ống nghiệm có thể dẫn đến song thai nếu có nhiều phôi được chuyển vào tử cung.
Phụ nữ trên 35 tuổi, đã sinh nhiều con
Phụ nữ trên 35 tuổi hoặc phụ nữ đã từng sinh từ 4-5 con cũng có nhiều khả năng giải phóng hai hoặc nhiều trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt hơn so với phụ nữ trẻ. Do đó, họ có nhiều khả năng mang song thai hơn phụ nữ trẻ.
Yếu tố sắc tộc
Người châu Phi có xu hướng dễ sinh đôi không cùng trứng hơn người châu Á.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh đôi của người da trắng nằm giữa người châu Phi và người châu Á.
Những dấu hiệu nhận biết mang song thai
Trong quá khứ, hơn 50% bà mẹ mang thai đôi không hề biết mình sẽ sinh đôi cho tới tận khi đẻ hai em bé ra. Điều này xảy ra do sự biến đổi bên ngoài của người mang thai đôi và người mang thai đơn là khá giống nhau và rất khó phân biệt. Ngay cả những bà đỡ hoặc bác sỹ đầy kinh nghiệm cũng rất dễ sai lầm khi dự đoán xem bà mẹ đang mang thai đơn hay đôi nếu chỉ nhìn bên ngoài.
Sau khi máy siêu âm được sử dụng rộng rãi, việc phát hiện ra bà mẹ mang thai đôi đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Dưới đây là các biểu hiện mà bà mẹ có thể biết rằng mình đang mang thai đôi và sẽ sinh đôi:
Linh cảm
Một bài bà mẹ có thể cảm nhận được mình đang mang thai nhiều hơn một đứa trẻ cho dù họ không có bất cứ biểu hiện bên ngoài nào (ví dụ bụng to hơn) để chứng minh.
Biểu hiện nghén nhiều hơn
Người sinh đôi sẽ dễ bị nghén hơn người bình thường.
Trọng lượng cơ thể của mẹ mang thai đôi cũng có thể tăng nhanh hơn các bà bầu bình thường nhưng đây cũng chưa phải là một biểu hiện chắc chắn cho việc mang thai đôi.
Sau 20 tuần mang thai, mẹ có thể có cảm giác chuyển động trên khắp vùng bụng của mình thay vì chỉ ở một vài vùng (biểu hiện này cũng có thể xảy ra ở một vài bà mẹ mang thai đơn).
Lượng hCG trong máu cao
Ngoài hCG cao hơn bình thường, một vài các xét nghiệm máu khác như AFP cũng có thể đưa lại kết quả cao hơn mức mong đợi nếu bà mẹ mang thai đôi.
Tử cung mở rộng hơn
Việc này thường xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ là tự nhiên để giúp chuẩn bị cho cuộc sinh nở sắp diễn ra dễ dàng hơn.
Siêu âm
Các máy siêu âm sẽ phát hiện được thai đôi ngay từ tuần thứ 6 cho tới tuần thứ 8 mang thai.
Tuy vậy, phải tới tuần 10-12 thì bác sỹ mới có thể khẳng định được chắc chắn khi nhìn thấy rõ ràng hai cái đầu em bé và thấy hai tim thai khác nhau.
Một số vấn đề cần lưu ý khi mang thai thôi, sinh đôi
Nguy cơ biến chứng khi mang thai đôi, sinh đôi
Nếu người mẹ mang thai đôi, có thể có nguy cơ biến chứng trong khi mang thai hoặc khi sinh cao hơn mang thai đơn.
Người mẹ cần phải khám thai thường xuyên hơn với bác sĩ sản khoa.
Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai, thai phụ có thể kiểm tra siêu âm cứ sau 4 – 6 tuần một lần. Nếu nghi ngờ hoặc có dấu hiệu một vấn đề nào đó, thai phụ có thể cần các xét nghiệm và kiểm tra đặc biệt và siêu âm thường xuyên hơn.
Biến chứng sinh non là phổ biến nhất khi mang thai đôi. Hơn một nửa số cặp song sinh được sinh non.
Nguy cơ cho em bé sinh trước 37 tuần mang thai có thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như hô hấp, tiêu hóa. Các vấn đề khác như trí tuệ hay khuyết tật hành vi có thể xuất hiện muộn hơn ở thời thơ ấu hoặc thậm chí ở tuổi trưởng thành. Những đứa trẻ sinh non (những người sinh ra trước 32 tuần mang thai) có thể chết hoặc gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ngay cả khi được chăm sóc tốt nhất.
Bệnh bẩm sinh: Trẻ song sinh sinh non cũng có nguy cơ mắc các bệnh bẩm sinh cao hơn, hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Nguy cơ về hội chứng truyền máu song sinh khi lưu lượng máu giữa các cặp song sinh trở nên mất cân bằng. Một trong hai thai nhi truyền máu cho người còn lại khiến người cho thì quá ít máu và người còn lại thì quá nhiều máu dẫn đến biến chứng nghiêm trọng đối với thai kỳ.
Biến chứng dây rốn khi mang song thai.
Tiền sản giật là một rối loạn huyết áp thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai hoặc sau khi sinh con. Nó có nguy cơ xảy ra cao hơn và sớm hơn khi mẹ mang song thai. Tiền sản giật có thể làm hỏng nhiều cơ quan trong cơ thể như thận, gan, não và mắt.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai đôi cao hơn bình thường. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật và phát triển bệnh đái tháo đường sau này. Trẻ sơ sinh có thể có vấn đề về hô hấp hoặc lượng đường trong máu thấp. Chế độ ăn uống, tập thể dục, và đôi khi thuốc có thể làm giảm nguy cơ của các biến chứng này.
Sự tăng trưởng của thai nhi: Trẻ song sinh có nhiều khả năng gặp vấn đề về tăng trưởng hơn so với những đứa trẻ khác. Nếu nghi ngờ về hạn chế tăng trưởng ở một hoặc cả hai thai nhi, thai phụ cần được kiểm tra siêu âm thường xuyên.
Ảnh hưởng đến việc sinh nở: Người mẹ sinh đôi thường sinh mổ, ít người mẹ sinh thường nhất là trong thời đại y tế phát triển.
Nguy cơ trầm cảm sau sinh ở mẹ sinh đôi thường cao hơn bởi vì mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc một lúc hai con nhất là đối với những bà mẹ không có kinh nghiệm, ít nhận được sự hỗ trợ hoặc chia sẻ cảm xúc.
Khó khăn khi cho con bú: Người mẹ sinh đôi phải cho hai bé bú sau khi sinh thường gặp vấn đề về lượng sữa cho con bú, thời gian cho con bú. Vì vậy, tùy thuộc vào thể trạng và tình hình, mẹ có thể lựa chọn cho bé bú bình và có người giúp đỡ.
Dinh dưỡng khi mang song thai
Thông thường, phụ nữ mang thai có nhiều cân sẽ tăng cân hơn so với phụ nữ mang thai một thai nhi. Cần thêm 300 calo mỗi ngày cho mỗi thai nhi. Chẳng hạn, nếu bạn mang thai cặp song sinh, bạn cần thêm 600 calo mỗi ngày.
Vì vậy, phụ nữ mang song thai cần phải bổ sung dinh dưỡng gấp đôi để giúp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh, đồng đều.
Vấn đề vận động, tập thể dục khi mang thai đôi
Duy trì hoạt động trong khi mang thai nhất là thai đôi rất quan trọng đối với sức khỏe của thai phụ.
Tuy nhiên, thai phụ cần tránh tập thể dục quá nặng. Hãy thử tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng, chẳng hạn như bơi lội, yoga trước khi sinh và đi bộ.
Thai phụ nên tập tối đa 30 phút mỗi ngày. Nếu có vấn đề phát sinh trong thai kỳ, thai phụ có thể nên tránh tập thể dục.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh