Một lỗ rò âm đạo trực tràng được hình thành khi xuất hiện kết nối bất thường giữa phần dưới của ruột già (trực tràng) và âm đạo. Các chất có trong ruột lúc này có thể bị rò rỉ thông qua các lỗ rò đi qua âm đạo, bao gồm cả khí và phân. Rò âm đạo trực tràng là bệnh lý về tiêu hóa khá phổ biến, gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, tâm lý của các chị em.
Rò âm đạo trực tràng thường là do chấn thương sản khoa gây ra, một lỗ rò âm đạo trực tràng được hình thành có thể do:
– Chấn thương trong khi sinh đẻ
– Bệnh Crohn (hay còn được biết đến với tên gọi viêm ruột từng vùng) là tình trạng viêm mãn tính ở đường ruột. Bệnh có thể diễn ra ở cả ruột già và ruột non trong cơ thể, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa đi từ miệng đến ruột kết.
– Các bệnh viêm ruột khác
– Bức xạ trị liệu hoặc ung thư vùng xương chậu
– Các biến chứng sau phẫu thuật vùng chậu
– Chuyển dạ kéo dài
– Sử dụng các thủ thuật sản khoa như cắt nới tầng sinh môn, sử dụng kẹp forceps…
– Trong một số trường hợp đặc biệt, các lỗ rò được hình thành bẩm sinh (chiếm khoảng 12%)
Rò âm đạo trực tràng có thể gây ra đau đớn về thể chất và khó chịu về tinh thần, mặt khác bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt vợ chồng của người bệnh.
Tùy vào vị trí và kích thước của lỗ rò mà các triệu chứng của rò âm đạo trực tràng sẽ biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây là một số triệu chứng điển hình nhất mà người bệnh cần chú ý:
– Tại vị trí âm đạo có khí, phân hoặc mủ tiết ra
– Âm đạo bị rò sẽ có mùi hôi
– Đường âm đạo hoặc đường tiểu có thể gặp hiện tượng nhiễm trùng
– Âm đạo, âm hộ hoặc tầng sinh môn (vùng giữa âm đạo và hậu môn) có biểu hiện đau
– Đau khi quan hệ tình dục là triệu chứng khá rõ ràng.
Một số ít lỗ rò âm đạo trực tràng có thể tự đóng lại sau thời gian, nhưng hầu hết các trường hợp bệnh lý đều phải phẫu thuật. Rò âm đạo trực tràng có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng đằng sau, nguy hiểm nhất là áp xe hoặc ung thư. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy những biểu hiện của rò âm đạo trực tràng, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và đánh giá tình hình.
Bên cạnh việc tạo mùi hôi ảnh hưởng sức khỏe, mất tự tin trong cuộc sống thì bệnh lý rò âm đạo, trực tràng còn có thể xảy ra một số biến chứng sau:
– Gây nhiễm trùng âm đạo
– Nhiễm đường tiết niệu
– Phân hoặc khí rò rỉ qua âm đạo gia tăng khả năng nhiễm trùng
– Da vùng âm đạo và hậu môn có thể bị kích ứng hoặc bị viêm
– Nếu không điều trị kịp thời có thể khiến khối mô nhiễm trùng sưng lên kèm theo mủ (áp xe)
– Ở những phụ nữ mắc bệnh viêm ruột từng vùng kèm mắc rò âm đạo thì có nguy cơ cao bị tái phát lỗ rò hoặc lỗ rò lâu lành.
– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra âm đạo, hậu môn và đáy chậu người bệnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ mỏ vịt chèn vào âm đạo với mục đích để mở rộng khu vực này rồi dùng ống soi ruột thẳng kiểm tra ở đây để nhìn rõ hậu môn, trực tràng, quan sát lỗ rò dễ và chính xác hơn
– Thụt methylene: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một miếng gạc trắng vào âm đạo, sau đó bơm xanh methylen vào trực tràng, sau khi bơm khoảng 15 – 20 phút gạc sẽ được rút ra, nếu gạc có màu xanh chứng tỏ có lỗ rò âm đạo – trực tràng;
– Siêu âm hậu môn – trực tràng: Với phương pháp này, bác sĩ có thể tiền hành siêu âm vùng hậu môn trực tràng hoặc siêu âm qua âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh bên trong xương chậu và xác định bệnh lý bằng các phương pháp chuyên môn khác
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): Có tác dụng hiển thị các hình ảnh chi tiết bên trong xương chậu, bao gồm cả lỗ rò.
– Mỗi khi thấy dịch âm đạo tiết ra hoặc có phân rò rỉ qua lỗ rò cần vệ sinh sạch sẽ ngay bằng nước ẩm, tránh nhiễm khuẩn
– Nên sử dụng xà bông nhẹ nhàng, không mùi, không dùng những chất tẩy rửa mạnh khiến khô và kích ứng da
– Tránh thụt rửa mạnh và sâu vào vị trí âm đạo vì điều này có thể gia tăng khả năng nhiễm trùng
– Sau khi rửa lấy khăn khô thấm nước sạch sẽ, khô ráo
– Không dùng những khăn tẩm ướt sẵn có mùi, chứa cồn để vệ sinh. Chỉ dùng giấy sạch, không mùi và khi sử dụng phải tẩm ướt giấy bằng nước ấm
– Thay đồ lót bẩn liên tục, mặc đồ cotton thấm mồ hôi thoáng mát, không mặc đồ lót quá bó sát có thể tiếp xúc với vết rò gây tổn thương
– Trong trường hợp dịch lỏng và phân rò nhiều có thể dùng miếng lót người lớn để thấm hút và miếng này cũng cần được thay liên tục
– Luôn đảm bảo lỗ rò trong tình trạng khô thoáng và sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường bụi bẩn và ẩm ướt
Tùy vào tình trạng lỗ rò âm đạo trực tràng và các bệnh lý liên quan mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật bịt lỗ rò khác nhau. Chình vì vậy, người bệnh không được tự ý xử lý ở nhà mà cần được thăm khám cụ thể, tuân thủ phác đồ chữa trị của bác sĩ thì mới có thể chấm dứt những phiền toái mà rò âm đạo trực tràng gây ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh