Tử cung nằm giữa bàng quang và trực tràng. Nó bao gồm 3 phần chính (1) đáy tử cung – là phần có hình vòm, ở trên vòi trứng. (2) thân tử cung – là phần ở trung tâm và (3) phần hẹp ở dưới, mở vào âm đạo có tên là cổ tử cung. Giữa thân và cổ tử cung là eo tử cung. Buồng bên trong thân tử cung được gọi là buồng tử cung, và phần dưới cổ tử cung có tên là ống cổ tử cung. Tử cung gồm có 3 lớp :
Thanh mạc (ở ngoài), là một phần của phúc mạc tạng. Ở hai bên, nó trở thành dây chằng rộng.
Cơ tử cung (ở giữa), gồm 3 lớp cơ trơn: lớp giữa dày là cơ vòng, lớp trong và lớp ngoài là cơ dọc hoặc cơ chéo.
Nội mạc là lớp ở trong, gồm 2 lớp: lớp chức năng ở ngoài, bị bong ra trong kỳ kinh nguyệt và lớp đáy ở trong, không bị bong ra, có vai trò sản sinh ra lớp chức năng mới sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
Nội mạc tử cung là một mô đặc biệt, trải qua những thay đổi theo từng chu kỳ kinh nguyệt. Hàng tháng, dưới tác động của estrogen, nội mạc tử cung dày lên chuẩn bị cho sự làm tổ của trứng được thụ tinh. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, lớp nội mạc sẽ bị bong ra à gây chảy máu kinh nguyệt và chu kì kinh nguyệt bắt đầu trở lại.
LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung phát triển bất thường ở vị trí khác ngoài tử cung, thường là ở buồng trứng, ống dẫn trứng, mặt ngoài tử cung, phúc mạc, các tạng chậu (như bàng quang, niệu quản, trực tràng) và túi cùng. Một số ít trường hợp nội mạc tử cung bị lạc ở phổi hay thậm chí ở não. Đây là một tình trạng phổ biến, gặp ở khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Trong tình trạng này, mô nội mạc lạc chỗ cũng xảy ra sự thay đổi chu kỳ y như mô nội mạc trong tử cung, nhưng máu lại không có nơi nào để thoát ra. Nó kích ứng các mô xung quanh, gây viêm, sẹo và có thể dính. Tùy thuộc vào vị trí, lạc nội mạc tử cung có thể gây ra một loạt các triệu chứng như :
Đau vùng chậu
Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
Đau khi đại, tiểu tiện trong kỳ kinh nguyệt
Thời gian hành kinh kéo dài hoặc bị chảy nhiều máu hơn, hoặc ra máu âm đạo giữa chu kì kinh.
Cơ chế gây lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được hiểu rõ. Cho đến nay, đã có nhiều giả thuyết được đề xuất như một lời giải thích cho cơ chế gây nên tình trạng này. Tuy nhiên, chưa có giả thuyết nào giải thích được đầy đủ cơ chế của tất cả các dạng lạc nội mạc tử cung. Mỗi giải thuyết đều có những ưu và nhược điểm nhất định.
1. Giả thuyết trào ngược máu kinh
Là giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất trong việc lý giải cơ chế gây lạc nội mạc tử cung, do bác sĩ Sampson đề xuất vào năm 1921. Giải thuyết cho rằng hiện tượng trào ngược máu kinh (hay kinh nguyệt ngược dòng) là nguyên nhân dẫn đến lạc nội mạc tử cung. Vào kỳ kinh nguyệt, mô nội mạc tử cung sẽ đi theo máu kinh bị trào ngược từ buồn tử cung, lên ống dẫn trứng, vào khoang phúc mạc rồi phát triển thành lạc nội mạc tử cung.
Trào ngược máu kinh là một hiện tượng phổ biến ở phần lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuy nhiên chỉ có một số ít bị lạc nội mạc tử cung. Hơn nữa, giải thuyết này không thể giải thích cho trường hợp lạc nội mạc tử cung ở các vị trí xa khung chậu như phổi và não. Do đó, phải có thêm những cơ chế khác giúp bổ sung hạn chế của giả thuyết này.
2. Giả thuyết chuyển sản tế bào phúc mạc
Một giả thuyết bổ sung cho giả thuyết của Sampson là giả thuyết chuyển sản tế bào phúc mạc, do Meyer đề xuất. Giải thuyết cho rằng, dưới sự kích thích của các cytokine hay yếu tố tăng trưởng, biểu mô lá thành và lá tạng của phúc mạc sẽ biệt hóa thành mô nội mạc tử cung. Giải thuyết này có thể giải thích cho trường hợp lạc nội mạc tử cung ở những phụ nữ không có tử cung, hay đã cắt tử cung toàn phần và cả lạc nội mạc tử cung ở nam giới – những trường hợp không thể có hiện tượng trào ngược máu kinh.
3. Giải thuyết di căn mạch máu và mạch bạch huyết
Một giả thuyết khác được phát triển để giải thích lạc nội mạc tử cung là giả thuyết di căn bạch huyết và mạch máu. Giả thuyết này đề xuất rằng mô nội mạc tử cung có thể thâm nhập vào hệ bạch huyết và mạch máu, rồi được chuyển đến các cơ quan ở xa như màng phổi, não hay các vị trí sau phúc mạc.
4. Giả thuyết tế bào gốc
Lớp đáy của nội mạc tử cung có chứa các tế bào gốc nội mạc tử cung. Những tế bào gốc này đến từ hai nguồn (1) đến từ tế bào gốc của bào thai và vẫn còn ở nội mạc tử cung của người trưởng thành, có khả năng sinh sôi để duy trì số lượng và (2) đến từ tế bào gốc trong tủy xương, các tế bào này theo dòng máu để đi đến cung cấp cho nội mạc tử cung theo định kỳ.
Các tế bào gốc này có thể theo trào ngược máu kinh để vào khoang phúc mạc hoặc theo mạch máu/ mạch bạch huyết để đi đến những cơ quan khác. Tại đây, chúng sẽ biệt hóa thành mô nội mạc tử cung lạc chỗ