✴️ Nứt núm vú: Nguyên nhân và cách điều trị

Nội dung

Núm vú bị nứt là tình trạng thường gặp, xảy ra do một số chấn thương và hoạt động cho con bú. Núm vú bị nứt có đặc điểm là da đỏ, bị kích ứng và đóng vảy trên hoặc xung quanh núm vú.

Theo một thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy, có khoảng 38% số phụ nữ gặp vấn đề với việc cho con bú có tình trạng nứt núm vú. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về tình trạng này

 

Nguyên nhân nào gây nứt núm vú?

Nứt núm vú thường là do chấn thương núm vú. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ do các chấn thương. Ở phụ nữ cho con bú, các nguyên nhân gây nứt núm vú bao gồm:

  • Ma sát với răng hoặc lợi của trẻ khi bú;
  • Cho trẻ bú với vị trí không thuận lợi;
  • Dùng máy hút sữa không đúng kỹ thuật;

Theo một bài báo trên tạp chí BMC Pregnancy and Childbirth, núm vú bị nứt có nhiều khả năng xảy ra trong tháng đầu tiên sau sinh. Trong khoảng thời gian đầu cho con bú, sự ma sát có thể gây kích ứng và nhạy cảm cho núm vú. Núm vú cũng có thể bị khô, dẫn đến nứt da và gây chảy máu.

Việc sử dụng bình sữa để cho trẻ bú trước khi cho trẻ bú mẹ cũng có thể làm tăng nguy cơ nứt núm vú. Điều này là do khi trẻ bú bình khác với bú mẹ, nên nếu chúng quen với bình sữa hơn, chúng có thể dễ gây chấn thương núm vú hơn.

Vì vậy, nếu trẻ cần sữa bổ sung trong những ngày đầu, các chuyên gia tư vấn cho con bú có xu hướng khuyến nghị cho trẻ bú bằng thìa, cốc hoặc ống tiêm, thay vì dùng bình. Sử dụng thìa, cốc hoặc ống tiêm ít có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến việc ngậm ti của trẻ.

Điều trị nứt núm vú

Để điều trị núm vú bị nứt, một người có thể:

Bôi kem làm mềm da, chẳng hạn như kem làm từ lanolin hoặc dầu dừa vào núm vú sau khi cho con bú có thể làm mềm da và giảm nứt núm vú. Ngoài ra, có thể thoa sữa mẹ lên núm vú và để khô, điều này có thể ngăn ngừa nứt và giúp kháng khuẩn.

Bôi kem corticosteroid ngay sau khi cho con bú, mỗi lần không quá 2 tuần. Việc bôi steroid trong thời gian dài có thể làm mỏng da núm vú. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện điều này.

Tránh mặc áo ngực quá chật vì có thể làm tăng ma sát lên núm vú.

Tránh sử dụng xà phòng mạnh, chất khử mùi, bột cơ thể và các chất khác có thể làm khô núm vú.

Dành một khoảng thời gian để vết nứt lành lại, đồng thời thay đổi cách cho trẻ ngậm vú có thể cải thiện được tình trạng này.

Có thể tham vấn bác sĩ về một số kỹ thuật cho con bú bao gồm:

  • Cách cho trẻ ngậm vú
  • Tư thế cho trẻ bú
  • Quan sát tình trạng và cách vệ sinh núm vú sau khi cho trẻ bú

Có thể tham khảo tư thế cho trẻ bú:

  • Ngồi trên ghế hoặc trên giường, hơi ngả ra sau ở tư thế cảm thấy thoải mái. Sử dụng gối kê lưng nếu cần.
  • Ôm trẻ theo hướng bụng kề bụng sao cho phần trước của cơ thể chúng áp vào phía trước của cha mẹ. Trẻ không cần phải quay đầu sang một bên để tiếp cận với vú mẹ.
  • Trước khi cho trẻ ngậm vú, hãy điều chỉnh tư thế sao cho mũi của trẻ thẳng hàng với núm vú.
  • Nhẹ nhàng xoa núm vú qua lại miệng trẻ. Điều này sẽ khuyến khích trẻ mở miệng. việc vắt một ít sữa ra khỏi vú mẹ cũng có thể giúp trẻ chú ý.
  • Khi miệng trẻ đã mở, cần cho trẻ ngậm hết cả quầng vú.
  • Nếu phần môi của trẻ bị dính, hãy dùng ngón tay ẩm đặt trên khóe miệng của trẻ, di chuyển quanh môi cho đến khi miệng trẻ mở ra.

Nếu cách tiếp cận này không hiệu quả, hãy thử các kỹ thuật khác. Ví dụ như tư thế kiểu “ôm bóng”.

Tư thế này giữ vị trí cơ thể của em bé ở cùng phía mà em bé đang bú. Các chuyên gia tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ thường khuyến nghị việc giữ này cho những người đã sinh mổ vì cơ thể của em bé sẽ không đè vết mổ.

Tư thế đỡ cần giữ em bé ở tư thế vắt chéo cơ thể. Sử dụng gối cho con bú hoặc gối kê bên dưới trẻ để nâng trẻ lên ngang ngực và người mẹ sẽ nâng trẻ cho đến khi trẻ dựa vào ngực và bụng một cách an toàn. Em bé không cần phải quay đầu để tiếp cận vú mẹ.

Phòng ngừa

Tình trạng khó chịu và đau đầu vú là hiện tượng phổ biến, đặc biệt là đối với những phụ nữ lần đầu nuôi con. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa sau đây có thể giúp ngăn ngừa núm vú bị nứt:

Đảm bảo rằng em bé ngậm vú hoàn toàn. Núm vú phải nằm hoàn toàn bên trong miệng trẻ, với hầu hết quầng vú cũng nằm trong miệng. Nên nói chuyện với chuyên gia tư vấn về việc cho con bú càng sớm càng tốt nếu không chắc rằng em bé đang bú đúng cách.

Vắt bằng tay một lượng nhỏ sữa mẹ trước khi cho trẻ bú để vú không bị căng sữa. Sự căng sữa có thể khiến em bé khó bú hơn.

Chỉ rửa bầu vú bằng nước ấm và tránh sử dụng xà phòng nhẹ để tránh bị khô.

Bôi thuốc mỡ núm vú hoặc để sữa mẹ khô trên đầu vú.

Có thể lựa chọn sử dụng các miếng đệm ngực làm từ chất liệu tự nhiên vì chúng có thể làm giảm ma sát lên bầu ngực.

Mẹo cho con bú với núm vú bị nứt

Cơn đau liên quan đến việc cho con bú là nguyên nhân phổ biến của việc ngừng cho con bú sớm. Tuy nhiên, ngay cả khi bị nứt núm vú, các mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú trong khi chúng lành lại.

Một số thông tin tham khảo như:

Tiếp tục thay đổi các tư thế cho con bú khác nhau. Điều này có thể làm giảm áp lực trên núm vú và giúp mẹ tìm được tư thế phù hợp nhất cho bản thân và con của mình.

Bắt đầu bằng cách cho con bú ở bên ít đau hơn cho đến khi sữa mẹ giảm xuống. Sau đó, chuyển sang bên còn lại, khi đó trẻ sẽ không cần phải bú mạnh bên vú vì sữa sẽ ra dễ dàng hơn.

Bôi sữa mẹ hoặc lanolin vào núm vú sau khi cho con bú và để sữa tự khô lại.

Đôi khi, các bác sĩ có thể khuyên nên sử dụng tấm chắn núm vú bằng silicon trong một thời gian để núm vú lành lại mà không làm gián đoạn việc cho con bú.

Nếu tiếp tục bị nứt núm vú, có thể nói chuyện với bác sĩ sản khoa để tìm được lời khuyên tốt nhất.

Tóm lược

Núm vú bị nứt có thể là một tác dụng phụ thường gặp khi cho con bú. Người mẹ thường không cần phải ngừng cho con bú khi bị nứt núm vú, nhưng triệu chứng này có thể cho thấy rằng cần cải thiện núm vú và tư thể bú của trẻ để giảm đau.

Nếu lo lắng về núm vú bị nứt hoặc nhiễm trùng núm vú, có thể gặp bác sĩ để được tư vấn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top