✴️ Phá ối và phương thức áp dụng phá ối

Phá ối là thủ thuật thường dùng trong đẻ chỉ huy.

Phá ối (amniotomy) dưới các hình thức tia ối, bấm ối là một thủ thuật được làm trong quá trình chuyển dạ sanh, khi cổ tử cung dã xóa mở, nhằm làm vỡ màng ối chủ động để nước ối thoát ra ngoài. 

Phá ối thường được chỉ định trong các trường hợp sanh chỉ huy như thúc đẩy chuyển dạ, tăng co với oxytocin, nghiệm pháp sanh ngả âm đạo.

Người ta thường thực hiện phá ối vì 2 mục đích: 

Làm giảm bớt áp lực của buồng ối

Rút ngắn thời gian chuyển dạ

Tuy nhiên, các chứng cứ hiện tại cho thấy nhóm thực hiện thủ thuật phá ối thường quy so với nhóm sản phụ có màng ối còn nguyên không rút ngắn giai đoạn 1 của chuyển dạ, không tăng tỷ lệ nhiễm trùng cho thai phụ cũng như tỷ lệ sản phụ cần giảm đau sản khoa. Ngược lai, bấm ối có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mổ lấy thai, nhưng sự tăng này không có ý nghĩa thống kê. 

Do đó, bấm ối không được khuyến cáo là một thực hành thường quy cho một chuyển dạ có diễn biến bình thường và nguy cơ thấp.

Vì thế, cần cân nhắc khi quyết định thực hiện phá ối. Phá ối được chỉ định khi lợi ích của phá ối lớn hơn những nguy cơ hiện hữu.

Có thể cân nhắc thực hiện phá ối trong các tình huống sau:

Khi cần làm giảm áp lực buồng ối trong đa ối, nhau bám mép đang chảy máu nhiều hoặc nhau bong non

Khi có cơn gò tử cung cường tính

Trước khi tăng co trong chuyển dạ kéo dài do gò tử cung thưa. Phá ối làm giảm tỉ lệ phải tăng co oxytocin

Khi làm nghiệm pháp sanh ngả âm đạo

Khi chuyển dạ đã vào giai đoạn hoạt động, đầu ối phồng làm cản trở cuộc chuyển dạ, cổ tử cung mở

chậm, ngôi đầu cao

Sản đồ bên phải đường báo động và cơn co tử cung đủ

Khi sanh ngôi thứ hai trong song thai

Trên đây không phải là chỉ định của phá ối, mà chỉ là những trường hợp mà trong đó phá ối có thể là có lợi.

Không được phá ối khi có nguy cơ cho mẹ và thai nhi.

Trong các trường hợp sau, việc phá ối là cực kỳ nguy hiểm và có thể đến những hậu quả nghiêm trọng:

Khi cổ tử cung chưa mở trọn trong mọi ngôi bất thường, bao gồm ngôi mông, ngôi mặt hoặc ngôi ngang. Với các ngôi bất thường, bảo vệ đầu ối đến cùng là một nguyên tắc bất di bất dịch.

Sa dây rốn trong bọc ối.

Thai phụ bị viêm gan siêu vi C, nhiễm HIV.

Phá ối chỉ được thực hiện khi có chỉ định và thỏa mãn đủ các điều kiện cần thiết.

Khi thực hiện phá ối, bắt buộc phải cân nhắc sự cần thiết của can thiệp này.

Điều kiện thực hiện phá ối tại cơ sở y tế là phải:

Có sẵn phòng mổ và các phương tiện hồi sức sơ sinh

Cần theo dõi tình trạng thai và chuyển dạ sau khi phá ối, nhằm phát hiện kịp thời các biến chứng gồm sa dây rốn, thuyên tắc ối, vỡ mạch máu tiền đạo và nhiễm trùng.

Kỹ thuật phá ối

Đưa ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay thuận vào âm đạo, tiến dần tới lỗ cổ tử cung, chạm vào đầu ối. Tay còn lại cầm sử dụng cụ bấm ối đưa vào âm đạo, theo sự dẫn của bàn tay thuận tiếp xúc với đầu ối, dụng cụ bấm ối đi giữa khe của hai ngón tay.

Thời điểm bấm ối là ngay sau đỉnh cơn gò. Dùng dụng cụ bấm ối chọc thủng màng ối, để nước ối chảy từ từ rồi xé rộng màng ối.

Nguồn: 3.bp.blogspot.com

Dụng cụ dùng cho phá ối có thể là dụng cụ bấm ối chuyên biệt Amniohook®  hoặc chỉ đơn giản là kim dài 15-20 cm hoặc kềm Kocher hoặc bất kì vật nhọn vô trùng nào. 

Tuy nhiên, khả năng gây sang chấn cho thai do chạm vào phần thai hay chạm vào dây rốn sẽ cao nếu dùng dụng cụ không thích hợp. 

Dụng cụ dùng cho phá ối có thể là dụng cụ bấm ối chuyên biệt Amniohook®  hoặc chỉ đơn giản là kim dài 15-20cm hoặc kềm Kocher hoặc bất kì vật nhọn vô trùng nào. 

Tuy nhiên, khả năng gây sang chấn cho thai do chạm vào phần thai hay chạm vào dây rốn sẽ cao nếu dùng dụng cụ không thích hợp. Hình chụp cho thấy hậu quả của việc dùng một kim dài quẹt vào đầu thai nhiều lần khi thực hiện phá ối. Dụng cụ chuyên dụng sẽ giảm được hậu quả này.

Nguồn: jamanetwork.com

Trước tiên cần giải thích cho thai phụ hiểu mục đích của bấm ối. Hướng dẫn thai phụ nằm trên bàn sanh với tư thế sản phụ khoa, thở đều, không rặn.

Nghe tim thai trước khi bấm ối: ghi nhận tần số, cường độ, đều hay không đều.

Rửa âm hộ bằng nước vô khuẩn, mang găng vô khuẩn.

Khám âm đạo: đánh giá tình trạng cổ tử cung, ngôi thai và xác định chắc chắn không có sa dây rốn trong bọc ối trước khi bấm ối.

Đưa ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay thuận vào âm đạo, tiến dần tới lổ cổ tử cung, chạm vào đầu ối.

Tay còn lại cầm sử dụng cụ bấm ối đưa vào âm đạo, theo sự dẫn của bàn tay thuận tiếp xúc với đầu ối, dụng cụ bấm ối đi giữa khe của hai ngón tay.

Thời điểm bấm ối là ngay sau đỉnh cơn gò. Dùng dụng cụ bấm ối chọc thủng màng ối, để nước ối chảy từ từ rồi xé rộng màng ối. Cần đặc biệt chú ý đến điều này trong đa ối. Trong đa ối, nếu để nước ối chảy quá nhanh ra ngoài, thai phụ có thể bị sốc do giảm áp lực ổ bụng đột ngột hoặc bị sa dây rốn, sa chi hoặc ngôi trở thành ngôi bất thường. 

Ghi nhận tính chất nước ối là điều bắt buộc, gồm lượng nước ối, màu sắc nước ối (trắng trong, trắng đục, xanh, vàng hay có máu).

Sau khi bấm ối xong, phải khám lại ngay xem có sa dây rốn không, nghe lại tim thai, ghi nhận tình trạng cổ tử cung, ngôi thai.

 

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM

Obstetrics and gynecology 8th  edition. Tác giả Beckmann. Hợp tác xuất bản với ACOG. Nhà xuất bản Wolters Kluwer Health 2018.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top