✴️ Phân loại, chẩn đoán, các biến chứng và tiên lượng của các tình trạng gây vô sinh

Nội dung

Vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai sau quan hệ tình dục. Điều này có thể là do một trong hai vợ chồng không có khả năng sinh sản hoặc là người phụ nữ không có khả năng mang thai. Vô sinh thường được xác định là không thể có thai sau 12 tháng có các hoạt động quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng các biện pháp ngừa thai.

Phân loại

Vô sinh có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Vô sinh nguyên phát được xác định ở những cặp vợ chồng không có thai sau 12 tháng có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp ngừa thai.

Vô sinh thứ phát là khi cặp vợ chồng đã có thai trước đó những hiện tại không còn khả năng có thai.

Chẩn đoán

Nếu như không có thai sau 12 tháng đã cố gắng thì tốt hơn bạn nên đi khám bác sĩ.

Nếu như người phụ nữ hơn 35 tuổi thì có lẽ nên đi khám bác sĩ sớm hơn bởi vì các xét nghiệm đánh giá về khả năng sinh sản có thể mất thời gian và ở thời điểm này trở đi thì khả năng sinh sản của người phụ nữ cũng bắt đầu giảm đi đáng kể.

Các bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên cũng như thực hiện các đánh giá sơ bộ về sức khỏe sinh sản. Có 1 điều khá quan trọng là đi khám vô sinh thì tốt nhất là cả 2 vợ chồng nên đi khám cùng nhau.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn cung cấp các thông tin về thói quen trong quan hệ tình dục để có thể đưa ra các tư vấn hợp lí. Các xét nghiệm có thể được thực hiện nhưng không thể tìm ra được hết tất cả các nguyên nhân.

Xét nghiệm vô sinh cho nam

Bạn cần cung cấp các thông tin về tình trạng sức khỏe bản thân, bệnh lý, sử dụng thuốc cũng như thói quen sinh hoạt và hoạt động tình dục. Khám tinh hoàn là 1 trong bước để đánh giá có khối U hay biến dạng, bất thường về hình dáng và cấu trúc.

  • Phân tích tinh dịch (tinh dịch đồ): 1 mẫu tinh dịch sẽ được lấy để đánh giá số lượng, khả năng di chuyển của tinh trùng, màu sắc, chất lượng, bất kì nhiễm trùng nào (sẽ cùng được đánh giá qua xét nghiệm máu). Số lượng tinh trùng là thay đổi nên đôi khi có thể cần nhiều hơn 1 mẫu để đánh giá chính xác thông số này.
  • Xét nghiệm máu: đánh giá nồng độ Testosterone và các nội tiết khác.
  • Siêu âm: giúp phát hiện các vấn đề liên quan tới ống dẫn tinh hoặc là xuất tinh ngược dòng.
  • Kiểm tra Chlamydia: Chlamydia có thể ảnh hưởng lên chức năng sinh sản, tuy nhiên sử dụng kháng sinh có thể điều trị được.

Xét nghiệm vô sinh cho nữ

Người phụ nữ sẽ được thăm khám toàn diện sau khi cung cấp các thông tin sức khỏe cá nhân như nam giới. Các thông tin về chu kỳ kinh nguyệt, các biện pháp ngừa thai, viêm nhiễm phụ khoa và thói quen tình dục cần được cung cấp 1 cách đầy đủ.

Khám phụ khoa là 1 động tác bắt buộc cùng với các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: đánh giá nồng độ nội tiết trong máu tại thời điểm rụng trứng.
  • Chụp hình hệ tử cung - vòi trứng (HSG): dung dịch sẽ được bơm vào buồng tử cung và sử dụng tia X để xác định sự di chuyển của dung dịch tử trong buồng tử cung ra tới 2 vòi trứng. Nếu xác định có sự tắc nghẽn, có thể phải phẫu thuật.
  • Nội soi: sử dụng các dụng cụ nội soi qua các đường rạch nhỏ trên bụng để thám sát các cấu trúc như tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Phương pháp này giúp tìm các dấu hiệu của bệnh lý lạc nội mạc tử cung, sẹo, sự tắc nghẽn và các bất thường khác của tử cung và vòi trứng.

Một số test khác bao gồm:

  • Khảo sát trữ lượng buồng trứng.
  • Khảo sát về gen, tìm các bất thường về yếu tố di truyền hoặc gen.
  • Siêu âm phụ khoa cũng giúp khảo sát tử cung, vòi trứng và buồng trứng.
  • Xét nghiệm Chlamydia và điều trị nếu như có nhiễm.
  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp.

Các biến chứng

Một vài biến chứng là hậu quả của tình trạng vô sinh hoặc do điều trị vô sinh. Nếu quá trình thụ thai không xảy ra sau 1 thời gian dài cố gắng có thể ảnh hưởng lên tâm lý và đôi khi gây ra trầm cảm.

Một số tình trạng có thể là hậu quả của điều trị.

Hội chứng buồng trứng quá kích

Buồng trứng có thể bị sưng, tăng tiết dịch dư thừa ở buồng trứng và tạo ra quá nhiều nang trứng.

Hội chứng buồng trứng quá kích thường là kết quả của việc sử dụng thuốc để kích thích buồng trứng, chẳng hạn như Clomifene và Gonadotrophin. Tình trạng này cũng có thể gặp sau khi điều trị IVF.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Phù;
  • Táo bón;
  • Tiểu sậm màu;
  • Tiêu chảy;
  • Buồn nôn;
  • Đau bụng;
  • Nôn ói.

Các triệu chứng thường nhẹ và điều trị dễ dàng. Hiếm khi hình thành các cục máu đông trong động mạch hay tĩnh mạch, các vấn đề về gan hay thận cũng có thể gặp cũng như tình trạng khó thở. Trong những trường hợp nặng, hội chứng này có thể gây ra tử vong.

Thai ngoài tử cung

Khi trứng đã được thụ tinh làm tổ ở ngoài buồng tử cung, thường là ở vòi trứng. Nếu phôi tiếp tục phát triển có thể gây ra các biến chứng như vỡ ống dẫn trứng, thai ngoài tử cung bắt buộc phải điều trị để chấm dứt thai kỳ.

Phẫu thuật ngay lập tức nếu cần thiết, điều này cũng đồng nghĩa với việc vòi trứng chứa thai ngoài có thể phải bị cắt bỏ đi. Tuy nhiên bạn vẫn có thể có thai tự nhiên nếu như buồng trứng và vòi trứng còn lại hoạt động tốt.

Phụ nữ điều trị vô sinh có thể làm tăng nhẹ nguy cơ của thai ngoài tử cung. Siêu âm có thể giúp phát hiện tình trạng này.

Các vấn đề về tâm lý

Việc không thể biết việc điều trị sẽ kéo dài trong bao lâu và mức độ thành công của nó làm cho cả vợ và chồng cảm thấy căng thẳng. Những tổn thương về mặt tình cảm có thể gặp ở cả vợ và chồng làm ảnh hưởng tới mối quan hệ.

Một vài người tìm tới các nhóm hỗ trợ để chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp đỡ nhau về mặt tinh thần.

Điều quạn trọng là bạn cần trao đổi với các bác sĩ khi các dấu hiệu căng thẳng xuất hiện và ngày 1 nặng nề hơn.

Tiên lượng

Với những cặp vợ chồng gặp phải vấn đề về có con và mong muốn có con cũng như là lớn tuổi, hiện tại có khá nhiều lựa chọn điều trị vô sinh hơn bao giờ hết.

Vào những năm 1980, những đứa trẻ đầu tiên được ra đời bằng IVF. Cho tới năm 2015, có hơn 5 triệu trẻ được sinh ra nhờ IVF.

Với những tiến bộ trong công nghệ và y học, điều trị vô sinh nay đã dễ tiếp cận hơn, tỉ lệ thành công cao hơn, mức độ an toàn cải thiện đáng kể.

Vấn đề của hiện tại chính là chi phí cho điều trị vô sinh vẫn còn khá cao. Để đảm bảo sự an toàn cũng như chất lượng bạn hãy điều trị ở những trung tâm, bệnh viện uy tín.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top