Quan hệ tình dục trong thai kỳ: An toàn, chỉ định và những lưu ý

1. Quan hệ tình dục trong thai kỳ có an toàn không?

Trong điều kiện thai kỳ bình thường và không có yếu tố nguy cơ cao, quan hệ tình dục là hoạt động an toàn và không ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Mối lo ngại rằng giao hợp có thể gây sảy thai hoặc sinh non không có cơ sở y học vững chắc, ngoại trừ một số tình huống đặc biệt được liệt kê dưới đây.

Cổ tử cung của thai phụ trong suốt thai kỳ được bảo vệ bởi nút nhầy cổ tử cung, có chức năng ngăn vi khuẩn và tinh dịch xâm nhập. Hơn nữa, bào thai nằm trong tử cung, được bao bọc bởi túi ối và không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động giao hợp. Dương vật không thể tiếp xúc với bào thai và các cơn co tử cung do cực khoái không đủ mạnh để gây chuyển dạ nếu không có các yếu tố bệnh lý đi kèm.

Tuy nhiên, cần thận trọng trong những tình huống có nguy cơ cao, do trong tinh dịch có chứa prostaglandin, chất có khả năng kích thích co bóp tử cung, đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kỳ.

 

2. Chống chỉ định quan hệ tình dục trong thai kỳ

Việc quan hệ tình dục nên được hạn chế hoặc tránh hoàn toàn trong các trường hợp sau:

  • Dọa sinh non hoặc tiền sử sinh non

  • Ra huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân hoặc ra huyết nhiều lần trong thai kỳ

  • Vỡ ối sớm hoặc có tiền sử vỡ ối sớm

  • Rau tiền đạo, đặc biệt nếu đã xác định bám mặt trước hoặc phủ cổ tử cung

  • Hở eo tử cung hoặc có tiền sử can thiệp cổ tử cung

  • Song thai hoặc đa thai có yếu tố nguy cơ

  • Tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, nhiễm độc thai nghén

  • Có biểu hiện của nhiễm khuẩn phụ khoa (đau, tiết dịch bất thường, ngứa, mùi hôi…)

Trong các tình huống này, việc quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, kích thích co bóp tử cung hoặc gây xuất huyết nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.

 

3. Tần suất và biến đổi nhu cầu tình dục theo giai đoạn thai kỳ

Thai kỳ có thể chia thành 3 giai đoạn với những thay đổi sinh lý và cảm xúc khác nhau ảnh hưởng đến ham muốn và khả năng hoạt động tình dục:

  • Tam cá nguyệt thứ nhất (0–12 tuần): Ham muốn thường giảm do ốm nghén, buồn nôn, mệt mỏi, và thay đổi nội tiết. Nhiều phụ nữ ít hứng thú với quan hệ trong giai đoạn này.

  • Tam cá nguyệt thứ hai (13–26 tuần): Đây là giai đoạn an toàn nhất cho sinh hoạt tình dục. Sự gia tăng estrogen, progesterone và lưu lượng máu tới vùng chậu có thể làm tăng ham muốn và khoái cảm ở một số thai phụ.

  • Tam cá nguyệt thứ ba (27–40 tuần): Khi bụng lớn dần, cảm giác nặng nề, mệt mỏi và lo lắng về việc sinh nở thường khiến ham muốn tình dục giảm rõ rệt. Một số tư thế có thể gây khó chịu hoặc cần điều chỉnh để tránh chèn ép tử cung.

 

4. Tư thế và lưu ý khi quan hệ tình dục trong thai kỳ

  • Tránh tư thế nằm ngửa quá lâu ở tam cá nguyệt thứ ba để hạn chế chèn ép tĩnh mạch chủ dưới.

  • Tránh tư thế gây áp lực trực tiếp lên bụng dưới hoặc gây khó chịu cho thai phụ.

  • Người chồng nên tránh giao hợp sâu, không thô bạo, và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước khi quan hệ.

  • Sử dụng bao cao su trong suốt thai kỳ được khuyến khích, nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và tránh tác động của prostaglandin có trong tinh dịch đến tử cung.

 

5. Khi nào cần ngừng quan hệ và đi khám?

Thai phụ cần ngưng ngay hoạt động tình dụcđến cơ sở y tế chuyên khoa khi xuất hiện:

  • Ra máu âm đạo bất thường sau quan hệ

  • Có dấu hiệu chuyển dạ sớm (đau bụng từng cơn, ra nhớt hồng, ra nước âm đạo)

  • Đau vùng bụng dưới hoặc vùng chậu kéo dài sau giao hợp

  • Có biểu hiện nhiễm khuẩn sinh dục (ngứa, rát, khí hư bất thường…)

 

6. Kết luận

Quan hệ tình dục trong thai kỳ có thể an toàn nếu được thực hiện đúng cách và không có chống chỉ định y khoa. Việc duy trì đời sống tình dục lành mạnh và gần gũi có thể giúp tăng sự gắn kết tình cảm giữa hai vợ chồng trong giai đoạn chuẩn bị làm cha mẹ. Tuy nhiên, việc có hay không quan hệ tình dục cần cá thể hóa, dựa trên đánh giá của bác sĩ chuyên khoasự thoải mái của thai phụ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top