✴️ 4 phương pháp test vi khuẩn HP phổ biến nhất

Người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm vi khuẩn HP (test vi khuẩn HP) nhằm phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày. Bài viết dưới đây sẽ gửi đến bạn đọc thông tin về 4 phương pháp test vi khuẩn HP phổ biến nhất.

 

1. Trường hợp nào cần test vi khuẩn HP?

Bệnh lý dạ dày ở người nhiễm vi khuẩn HP thường phức tạp, dai dẳng hơn so với những người bệnh không có vi khuẩn HP. Do đó, bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm vi khuẩn HP cho những người bị viêm loét dạ dày – tá tràng kéo dài, tiến triển nặng bất thường. Xét nghiệm này cũng có thể được thực hiện sau thời gian điều trị, nhằm kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày đã được loại bỏ hay chưa.

Các triệu chứng cảnh báo viêm loét dạ dày – tá tràng cần lưu ý để test vi khuẩn HP kịp thời gồm: đau bụng sau khi ăn xong; đầy bụng, chán ăn; ợ chua, ợ nóng; thường xuyên buồn nôn; sụt cân không rõ nguyên nhân;…

Test vi khuẩn HP thường được chỉ định ở người viêm loét dạ dày nặng, dai dẳng

Xét nghiệm vi khuẩn HP thường được chỉ định ở người viêm loét dạ dày nặng, dai dẳng

 

2. Các phương pháp test vi khuẩn HP dạ dày

Dựa vào các yếu tố nêu trên, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh một trong các xét nghiệm dưới đây:

2.1. Nội soi dạ dày chẩn đoán vi khuẩn HP

Ở phương pháp nội soi dạ dày, một ống nội soi nhỏ có gắn đèn và camera sẽ được đưa vào dạ dày qua ống thực quản. Bác sĩ sẽ di chuyển ống nội soi để quan sát bề mặt dạ dày, xác định vị trí cần sinh thiết. Kìm sinh thiết sau đó được đưa qua ống nội soi để lấy mẫu mô dạ dày làm xét nghiệm Clo Test. Kết quả chẩn đoán vi khuẩn HP có sau 15 phút.

Với phương pháp test vi khuẩn HP này, bác sĩ có thể thực hiện nuôi cấy vi khuẩn HP để làm kháng sinh đồ. Điều này giúp kiểm tra khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả cho từng người bệnh.

Ngoài ra, nội soi dạ dày còn là giúp đánh giá tình trạng tổn thương tại ống tiêu hóa trên mà không có xét nghiệm nào có khả năng làm được. Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ quan sát toàn bộ niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng của người bệnh. Không chỉ phát hiện  các tổn thương do vi khuẩn HP gây ra, bác sĩ còn đánh giá được mức độ của triệu chứng, đưa ra những phán đoán về diễn tiến của bệnh. Đồng thời, nội soi còn giúp bác sĩ phát hiện các bất thường khác (nếu có) tại dạ dày, có hướng điều trị kịp thời.

2.2. Test vi khuẩn HP qua hơi thở (Urea Breath Test)

Đây là phương pháp xét nghiệm dạ dày không xâm lấn được áp dụng phổ biến ở Việt Nam. Có 2 dạng test hơi thở là: test hơi thở sử dụng bóng và test hơi thở sử dụng thẻ. Theo đó, người bệnh sẽ thổi vào thiết bị trông giống quả bóng hoặc giống như chiếc thẻ ATM.

Trước đó, người bệnh sẽ uống dung dịch hoặc thuốc chứa phân tử đồng vị cacbon C13 hoặc C14. Vi khuẩn HP trong dạ dày tạo ra men urease, thủy phân Ure trong thuốc sinh ra amoniac và khí cacbonic. Khí này được hấp thụ vào máu rồi đào thải qua phổi. Sau đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn thở vào dụng cụ xét nghiệm.

Hơi thở của người bệnh sẽ được kiểm tra và đánh giá, từ đó bác sĩ xác định người bệnh có dương tính với vi khuẩn HP hay không. Phương pháp này cho kết quả chính xác, thời gian làm test nhanh, bác sĩ không cần thực hiện thủ thuật can thiệp. Test hơi thở dễ dàng áp dụng cho mọi lứa tuổi, có thể thực hiện đối với trẻ em. Đây là phương pháp đặc biệt phù hợp với những người đã điều trị vi khuẩn HP và cần đánh giá lại hiệu quả chữa trị.

2.3. Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP

Nếu vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày, qua quá trình tiêu hóa chúng sẽ được thải trừ qua phân. Xét nghiệm phân bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang giúp phát hiện vi khuẩn HP trong phân. Phương pháp test vi khuẩn HP này thường được sử dụng để đánh giá viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP.

Đây là phương pháp được thực hiện dễ dàng, cho kết quả chính xác, chi phí hợp lý. Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là không cho kết quả nhanh chóng. Ngoài ra, việc lấy phân đi xét nghiệm cũng gây nhiều bất tiện cho cả người bệnh và kỹ thuật viên.

2.4. Xét nghiệm máu test vi khuẩn HP

Sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại. Loại kháng thể này có trong máu, có thể phát hiện được bằng xét nghiệm máu tìm kháng thể. Đây cũng là một xét nghiệm vi khuẩn HP được sử dụng phổ biến.

Xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn HP có khả năng dương tính giả khá cao. Lý do là bởi vi khuẩn HP tồn tại ở các khu vực khác (như khoang miệng, các xoang, đường ruột) hoàn toàn không gây bệnh nhưng vẫn làm cho xét nghiệm máu dương tính. Bên cạnh đó, kháng thể vi khuẩn HP dạ dày lưu lại trong máu nhiều tháng đến nhiều năm sau khi chúng bị tiêu diệt. Chính vì vậy, phương pháp này không được ưu tiên thực hiện.

Xét nghiệm máu test vi khuẩn HP không được ưu tiên thực hiện

Xét nghiệm máu chẩn đoán vi khuẩn HP không được ưu tiên thực hiện

 

3. Cách chỉ định phương pháp test vi khuẩn HP

Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP cho người bệnh dựa vào các yếu tố sau:

– Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh: Bác sĩ căn cứ vào thực tế cơ sở y tế có những phương pháp xét nghiệm nào, các phương pháp đó có đảm bảo tiêu chuẩn thực hiện hay không.

– Yêu cầu kết quả xét nghiệm nhanh hay chậm: Trong trường hợp triệu chứng bệnh cấp tính và người bệnh cần có kết quả sớm, bác sĩ sẽ ưu tiên các test nhanh. Ngược lại, nếu triệu chứng không cấp tính và người bệnh có thời gian chờ kết quả mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định các test chậm hơn.

– Các yêu cầu khác đi kèm: Căn cứ vào việc người bệnh có cần kiểm tra tình trạng tổn thương dạ dày – tá tràng không? Người bệnh có cần làm kháng sinh đồ không?

Trên đây là 4 phương pháp test vi khuẩn HP phổ biến nhất. Mỗi phương pháp xét nghiệm có ưu điểm và nhược điểm riêng. Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện loại xét nghiệm chẩn đoán HP phù hợp nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top