Khái niệm suy thai
Suy thai là tình trạng thai nhi bị thiếu oxy trong thai kỳ hoặc trong quá trình chuyển dạ. Suy thai bao gồm 2 loại:
-
Suy thai mãn tính: Xảy ra từ từ và không có biểu hiện rõ rệt, có thể chuyển thành suy thai cấp tính trong khi chuyển dạ.
-
Suy thai cấp tính: Đột ngột xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Suy thai cấp rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, thai nhi sẽ gặp phải những biến chứng về trí não, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến suy thai
Nguyên nhân từ phía người mẹ
-
Tư thế nằm ngửa của sản phụ: làm tử cung đè ép vào động mạch chủ gây giảm dòng chảy của máu mẹ đến tử cung. Tử cung có thể đè lên tĩnh mạch chủ làm giảm lưu lượng máu trở về tim, gây hạ huyết áp và giảm tưới máu.Vì thế mẹ bầu nên nằm nghiêng bên trái để không gây hại tới thai nhi.
-
Chảy máu ở mẹ: Mẹ bầu bị chảy máu do bị chấn thương... sẽ gây ảnh hưởng tới lưu lượng máu vận chuyển tới bào thai.
-
Do mẹ bầu bị thiếu máu, huyết áp thấp.
-
Mẹ bầu mắc các bệnh như tiểu đường, béo phì, suy tim, nhiễm khuẩn, nhiễm virus đều có thể dẫn đến suy thai.
Nguyên nhân do thai nhi
-
Thai non tháng
-
Thai già tháng: Thai quá ngày sinh thường có bánh nhau bị vôi hóa, quá trình cung cấp oxy bị gián đoạn khiến cho thai bị suy.
-
Thai thiếu máu, nhiễm trùng,thai dị dạng, chậm phát triển,...
Nguyên nhân do phần phụ của thai nhi
-
Nhau tiền đạo, nhau bong non, suy nhau, bánh nhau bị vôi hóa,...
-
Dây rốn bị sa hoặc thắt nút hay những bất thường về dây rốn đều là nguyên nhân cản trở lượng oxy được vận chuyển tới thai nhi.
-
Ối vỡ sớm: Túi ối là môi trường sống bao quanh thai nhi. Khi ối bị vỡ, làm giảm thể tích bảo vệ xung quanh thai nhi, trong quá trình chuyển dạ những cơn go tử cung có thể làm chèn ép đầu thai nhi hoặc dây rốn, gây ra tình trạng thiếu oxy.
-
Dây rốn bị sa hoặc thắt nút hay những bất thường về dây rốn đều là nguyên nhân cản trở lượng oxy được vận chuyển tới thai nhi
Nguyên nhân sản khoa
Cơn co tử cung:
Trong mỗi cơn co tử cung, tuần hoàn máu giữa tử cung và bánh nhau bị gián đoạn trong 15-60 giây, lượng máu cung cấp sẽ bị giảm đi khoảng 50%. Thai nhi sống được nhờ có dự trữ oxy, năng lượng trong hồ huyết (tổng lượng máu dự trữ trong hồ huyết khoảng 250 ml). Thời gian ngừng lưu thông máu giữa mẹ và con thường ngắn, nên thai bình thường có thể chịu đựng được. Nếu lượng dự trữ này không đủ do các cơn co quá nhiều hoặc cường tính trong thời gian kéo dài sẽ khiến cho thai không được nạp đủ oxy.
Đẻ khó do nguyên nhân cơ học:
- Bất tương xứng đầu thai và xương chậu: Có thể do thai quá to hoặc khung xương chậu của mẹ quá nhỏ khiến quá trình sinh nở gặp khó khăn
- Ngôi thai bất thường: Bình thường đầu thai nhi sẽ quay xuống phía cổ tử cung để thuận tiện cho quá trình chuyển dạ. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó khiến thai nhi nằm ngang hay đầu quay lên trên khiến quá trình chuyển dạ kéo dài, thai nhi có thể bị ngạt do thiếu oxy.
(Hình ảnh minh họa một số ngôi thai bất thường)
Nguyên nhân do thuốc
-
Thai nhi bị ức chế do dùng các thuốc gây mê, giảm đau.
-
Dùng thuốc tăng co không kiểm soát làm tăng cơn co tử cung
Các dấu hiệu nhận biết suy thai
Màu sắc nước ối
Nếu nước ối biến thành màu vàng sẫm trong khi mang thai thì tức là thai nhi đã bị suy thai mãn. Nếu nước ối có màu xanh thì mẹ bầu đã có dấu hiệu suy thai.
Tim thai đập không đều
Tình trạng thiếu oxy khi bị suy thai sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp đập của tim thai, dẫn đến tình trạng tim thai có lúc đập nhanh, có lúc đập chậm, có khi trên 160 lần/ phút, lại có lúc xuống dưới 100 lần/ phút.
Thai nhi cử động hỗn loạn
Thai nhi có những biểu hiện cử động bất thường, có khi đạp mạnh và nhiều, nhưng có khi lại đạp chậm và động tác ít dần đi. Nếu không thấy thai nhi cử động trong thời gian dài thì có khả năng thai nhi đã bị chết lưu.
Có thể theo dõi cử động của thai nhi bằng cách nằm yên trên giường, đếm đủ thai nhi có 4 lần cử động trong 30 phút chứng tỏ thai nhi vẫn khỏe mạnh. Ngược lại nếu trong vòng 4 giờ mà thấy thai nhi có ít hơn 10 cử động thì người mẹ cần đi khám thai ngay lập tức để kiểm tra tình trạng của thai nhi.
Các dấu hiệu suy thai thường không rõ ràng nên cách xác định chính xác nhất là qua siêu âm. Do vậy, để nhận biết tình trạng bệnh tốt nhất,nên thường xuyên theo dõi và đếm cử động thai nhi thường xuyên, 3 lần/ ngày. Đồng thời, thường xuyên đến bệnh viện thăm khám đảm bảo cho thai nhi an toàn, khỏe mạnh.
Tìm hiểu thêm về: Thiểu ối
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh