✴️ Thai ngoài tử cung - Tổng quan

Nội dung

Trễ kinh, đau bụng và chảy máu âm đạo là ba dấu hiệu thường gặp nhất ở người phụ nữ có tình trạng thai ngoài tử cung. Bệnh nhân có dấu hiệu trễ kinh, thử nước tiểu cho thấy dấu hiệu có thai, thậm chí có thể gặp các dấu hiệu ốm nghén. Siêu âm vùng bụng sẽ thấy có khối bên cạnh tử cung nhưng không thấy thai trong lòng tử cung dù xét nghiệm máu (hay nước tiểu) cho kết quả có thai. Tuy nhiên, siêu âm có thể thấy tình trạng chảy máu trong ổ bụng. Chảy máu âm đạo xuất hiện muộn hơn, thường là lượng máu ít, đen sậm và kéo dài. Có khi chảy máu xuất hiện gần với ngày có kinh làm cho người bệnh lầm tưởng là mình đang có kinh hay đang bị rong kinh. Thai phụ còn bị đau bụng, thường là do tình trạng căng dãn của vòi trứng, đau bụng âm ỉ ở một bên vùng bụng dưới rốn, đau có thể giảm tạm thời với các thuốc giảm đau nhưng sẽ đau trở lại sau khi thuốc giảm đau hết thời gian tác dụng. Hiếm hơn, có người có cảm giác đau vùng vai, do có hiện tượng tích tụ dịch hay máu trong ổ bụng, gây phản xạ trên thần kinh vùng bụng và gây ra đau vai. Chú ý khi có tình trạng vỡ vòi trứng, sẽ có cơn đau dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả hay ngất xỉu. Tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng do máu chảy nhiều trong ổ bụng và không thể tự cầm được, có thể dẫn tới tử vong.

thai ngoài tử cung

Nguyên tắc điều trị là phải làm sao lấy đi khối thai hoặc làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu biến đi. Khi khối thai đã vỡ thì thường phải cắt bỏ vòi trứng. Nếu bệnh nhân chỉ còn lại một bên vòi trứng thì vẫn còn khả năng có thai. Tuy nhiên, nếu lần sau vẫn bị thai ngoài tử cung thì có nhiều khả năng sẽ mất cả vòi trứng còn lại. Thời gian để có thai lại tùy thuộc vào tình trạng lần thai ngoài tử cung, tình trạng mất máu gây ảnh hưởng sức khỏe và phương pháp điều trị đã được sử dụng. Nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát có thể trên 10%, tuy nhiên, còn tùy thuộc vào nguyên nhân, nếu do bị viêm nhiễm gây tắc hẹp vòi trứng thì khả năng này khá cao. Khả năng bị vô sinh hoặc khó có thai xảy ra nếu cả hai vòi trứng đã từng bị thai ngoài tử cung bám hoặc đã bị cắt bỏ.

Đề phòng thai ngoài tử cung

Chị em phụ nữ nên giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt tốt, nhất là trong giai đoạn sau sinh và cho con bú, sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, hạn chế nạo phá thai. Ngoài ra, nên đi khám thai sớm khi phát hiện hoặc nghi ngờ có thai (thử que nước tiểu hoặc có các dấu hiệu ốm nghén) hoặc khi bị đau bụng hay ra máu bất thường vào giai đoạn sớm của thai kỳ. Khám phụ khoa định kỳ và khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục để được điều trị thích hợp. Phụ nữ mang thai khi đi khám bệnh dù bất kỳ bệnh lý gì cũng nên thông báo cho bác sĩ và nhân viên y tế về tình trạng có thai của mình.

Xem thêm: Thai ngoài tử cung cần lưu ý gì?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top