✴️ Kinh thủ thiếu dương tam tiêu (PE)

Nội dung

ĐƯỜNG ĐI

Từ góc trong chân móng ngón tay 4, dọc theo bờ ngón 4, lên mu bàn tay đi giữa xương bàn tay 4 -5, qua cổ tay, lên mặt sau cẳng tay, đi giữa hai xương trụ và xương quay, qua khuỷu tay, lên mặt sau ngoài cánh tay, qua vai, lên cổ, rồi vòng quanh tai, đi sâu vào tai và tận cùng ở đuôi mắt, nơi huyệt đồng tử liêu.

 

LIÊN QUAN

Bàn tay,  cổ tay, cánh tay: C7  - C8; vai: C3 - C4; tai: C2.

Biểu lý với tâm bào lạc (chữa bệnh ở đầu mặt tai cùng bên).

Chỉ định điều trị chung.

Tại chỗ: đau khớp vai, khuỷu, cổ tay; đau thần kinh mũ, đau cơ thang, đau vai- gáy.

Toàn thân: chữa cảm mạo, sốt, bệnh tai, mũi, đầu, mắt; một số triệu chứng tiêu hóa và tiết niệu.

 

HUYỆT VỊ THƯỜNG DÙNG

Trung trữ (TE3): Trung trữ là huyệt du thuộc mộc.

Vị trí: ở khe gian đốt xương bàn tay 4 và 5, ngang chỗ tiếp nối đầu và thân xương bàn tay 4.

Điều trị: ngón tay co duỗi khó khăn, đau cánh tay, sưng họng, ù tai, điếc tai, đau đầu, mắt có màng ; sốt không có mồ hôi.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn ; cứu 3 - 7 phút.

Hình 3.9: Kinh thủ thiếu dương tam tiêu

1.Dương trì.

2.Ngoại quan.

3.Ế phong.

4.Nhĩ môn.

5.Ty trúc không.

Ngoại quan (TE5): Ngoại quan là huyệt lạc nối với kinh tâm bào, huyệt hội của kinh thiếu dương ở tay với mạch dương duy.

Vị trí: từ khe giữa xương trụ và xương quay trên nếp cổ tay (phía mu tay) đo lên 2 thốn.

Điều trị: bàn tay không nắm duỗi được, run bàn tay, đau cẳng tay, đau khuỷu tay; ù điếc tai, đau đầu, sốt ngoại cảm, tràng nhạc.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn (tránh làm tổn thương dây thần kinh giữa); cứu 5 - 10 phút.

Kiên liêu (TE14):

Vị trí: ở chỗ lõm phía sau dưới mỏm cùng vai.

Điều trị: đau vai, đau quanh khớp vai, đau cánh tay.

Cách châm cứu: châm sâu 0,7 - 1 thốn xuôi theo xương cánh tay; cứu 5 – 15 phút.

Ế phong (TE17): Ế phong là huyệt hội của kinh thiếu dương chân và tay.

Vị trí: chỗ lõm sau mỏm nhọn nhất của dái tai, sau góc xương hàm dưới, sát bờ trước cơ ức đòn chũm.

Điều trị: ù điếc tai, ngễnh ngãng, quai bị, liệt mặt.

Chữa bệnh tai: châm sâu 1 - 1,5 thốn sát sau góc xương hàm; chữa bệnh khác: châm 0,3 - 0,5 thốn, mũi kim hướng về nơi có bệnh.

Nhĩ môn (TE21):

Vị trí: chỗ lõm trước rãnh trên bình tai, từ đầu trên bình tai ngang ra.

Điều trị:ù điếc tai, viêm tai giữa, đau răng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,5 thốn; cứu 5 - 7 phút.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top