✴️ Mối liên hệ giữa đau rát họng và trào ngược axit

Nội dung

Trào ngược axit xảy ra khi axit dạ dày đi ngược lên thực quản, gây kích ứng niêm mạc thực quản.

Phản ứng kích ứng này có thể dẫn đến đau họng, ho khan và thở khò khè. Tình trạng này cũng có thể gây ra chứng ợ nóng, có vị đắng trong miệng, nôn trớ, khó tiêu và khó nuốt.

Trào ngược axit là một tình trạng khá phổ biến. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khi nằm xuống hay cúi xuống hoặc sau khi ăn no hoặc ăn đồ ăn cay.

 

Trào ngược axit là gì?

Trào ngược axit là tên gọi khác của trào ngược dạ dày thực quản, xảy ra khi axit dạ dày và các thành phần khác của dạ dày đi ngược lên thực quản.

Trào ngược axit là một tình trạng phổ biến và thường không gây ra nhiều triệu chứng. Nếu có, bạn có thể cảm thấy khó tiêu hoặc ợ nóng.

Một số người bị trào ngược mãn tính và bác sĩ gọi đó là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Nó gây ra các triệu chứng trầm trọng và kéo dài hơn. Khoảng 20% dân số Hoa Kỳ mắc GERD.

Ngoài triệu chứng khó tiêu và ợ nóng, trào ngược axit có thể gây:

  • Đau rát họng;
  • Nôn trớ;
  • Buồn nôn;
  • Đau hoặc khó nuốt.

Các cơ ở đáy thực quản bị suy yếu hoặc bất thường cũng có thể gây ra GERD. Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, chua hoặc cay;
  • Co thắt thực quản bất thường;
  • Thai kỳ;
  • Thoát vị gián đoạn;
  • Khả năng làm trống dạ dày chậm.

 

Trào ngược axit có thể gây đau rát họng không?

Câu trả lời là có. Trào ngược axit có thể gây đau họng dù ợ nóng là triệu chứng thường gặp nhất.

Khi bị đau họng do trào ngược axit, bạn cũng có thể cảm thấy như có khối u trong cổ họng.

Các triệu chứng ở vùng đầu và cổ có liên quan đến trào ngược axit có thể gây nhầm lẫn. Đôi khi bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm tình trạng đau họng dai dẳng do trào ngược axit là viêm amidan tái phát hoặc mãn tính.

 

Các biến chứng của trào ngược axit

Một số người bị trào ngược axit trong thời gian dài có thể dẫn đến:

  • Hẹp thực quản: Axit trong dạ dày có thể làm tổn thương các tế bào ở phần dưới thực quản, tạo thành các mô sẹo làm hẹp thực quản. Điều này có thể gây khó nuốt.
  • Ăn mòn các mô: Axit cũng có thể gây vết loét đau đơn. Đây được gọi là viêm thực quản ăn mòn.
  • Barret của thực quản: Tình trạng này có thể gây ra những thay đổi ở niêm mạc phần dưới thực quản. Những thay đổi này có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. Khám nội soi định kỳ có thể phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư ở những người mắc Barret thực quản.

 

Trào ngược hầu họng -  thanh quản

Khi axit dạ dày hay dịch vị trào ngược đến dây thanh âm có thể gây ra tình trạng viêm đáng kể.

Nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần có thể gây khàn giọng, thường xuyên hắng giọng, ho và cảm giác có gì đó mắc kẹt trong cổ họng. tình trạng này được gọi là trào ngược hầu họng - thanh quản.

Tình trạng này thường bắt đầu giống như bệnh đường hô hấp trên. Các triệu chứng có thể kéo dài do tổn thưởng dây thanh quản bắt nguồn từ việc trào ngược axit mức độ ít.

 

Điều trị và chăm sóc tại nhà

Việc điều trị trào ngược axit hiệu quả giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng. Thông thường, những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt có thể có hiệu quả.

Chế độ ăn và các biện pháp tự chăm sóc

Một số người có thể ngăn ngừa đau họng do trào ngược axit bằng cách tránh các hoạt động và đồ ăn gây tăng nguy cơ trào ngược axit và nguy cơ gặp biến chứng.

Ở những người khỏe mạnh, các mức độ đo lường này có thể đủ để kiểm soát chứng trào ngược axit mà không cần dùng đến thuốc:

  • Ăn các bữa ăn nhỏ 3-4 lần trong ngày;
  • Nằm cao đầu khi ngủ;
  • Không ăn 2-3 tiếng trước khi ngủ;
  • Tránh  uống nước ép chanh, cà chua và các loại đồ uống chứa axit vì có thể gây kích ứng thực quản;
  • Tránh các loại đồ ăn chua, cay và nhiều dầu mỡ, bao gồm cả sữa bò chưa tách béo;
  • Tránh các loại đồ uống có ga, có chứa caffeine và cồn;
  • Không ăn bạc hà và đồ ăn có vị bạc hà;
  • Không ăn sô cô la;
  • Duy trì cân nặng trung bình;
  • Không mặc quần áo chật;
  • Không hút thuốc.

Thuốc

Thuốc có thể trung hòa hoặc giảm axit dạ dày, làm giảm các triệu chứng của trào ngược axit, bao gồm cả đau họng.

Hai loại thuốc hữu ích là thuốc chặn histamine-2 và thuốc kháng axit. Thuốc chặn H2 giúp giảm lượng axit trong dạ dày, còn thuốc kháng axit có thể giúp giảm các triệu chứng nhẹ của trào ngược axit hay GERD.

Các loại thuốc khác tác động bằng cách làm bền chắc các cơ giữa thực quản và dạ dày nhằm ngăn chặn axit dạ dày trào ngược lên trên.

Điều trị và chăm sóc tại nhà

 

Khi nào cần khám bác sĩ

Bạn nên khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng khó chịu hoặc đáng lo ngại nào, đặc biệt là những triệu chứng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Bạn cũng nên khám bác sĩ nếu các triệu chứng trào ngược hiện có ngày càng tệ hơn. Đặc biệt nếu các triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc mạnh hơn hoặc phẫu thuật.

Nếu bạn bị khó tiêu kèm với cơn đau ngực, thở gấp hoặc đau ở vùng cánh tay hoặc xương hàm, bạn nên đến cơ sở y tế để được cấp cứu. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim.

 

Trào ngược axit ở trẻ em

Trào ngược axit có thể ảnh hưởng đến trẻ em và trẻ sơ sinh cũng như cả thanh thiếu niên và người lớn.

Trẻ sơ sinh bị trào ngược axit có thể bỏ ăn hoặc không tăng cân. Chúng có thể gặp phải vấn đề khó thở hoặc đau sau khi ăn.

Nguyên nhân có thể là do nằm quá lâu hoặc thực quản chưa phát triển đầy đủ.

Ngoài ra, các chuyên gia tin rằng chiều dài thực quản, tình trạng các cơ ở phần dưới thực quản và sự chèn ép của các sợi cơ ở cơ hoành có thể ảnh hưởng đến sự phát triền tình trạng trào ngược ở trẻ em.

Trẻ em cũng có thể nhạy cảm với một số loại thức ăn, ảnh hưởng tới cơ chế van giữa thực quản và dạ dày.

Khi trẻ em bị trào ngược axit, bác sĩ có thể khuyên:

  • Không nằm ngay sau khi ăn;
  • Nằm cao đầu hơn khi ngủ;
  • Những thay đổi tương tự trong chế độ ăn uống trong phần tự chăm sóc ở trên.

Đối với trẻ lớn hơn, tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của triệu chứng mà các sĩ có thể kê toa thuốc như sau:

  • Thuốc kháng axit;
  • Thuốc chặn H2, như famotidine (Pepcid);
  • Thuốc ức chế bơm proton, như esomeprazole (Nexium), omeprazole (Prilosec) và lansoprazole (Prevacid).

 

Các nguyên nhân khác có thể gây đau họng

Một số yếu tố môi trường và hành vi có thể gây đau họng. Có nhiều khả năng là do nhiễm virus hoặc nhiễm trùng, như:

  • Cảm lạnh hay cảm cúm: Các bệnh nhiễm siêu vi là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau họng.
  • Viêm họng do liên cầu khuẩn: Vi khuẩn Streptoccocus nhóm A gây nhiễm trùng hay còn gọi là viêm họng do liên cầu khuẩn. Triệu chứng bao gồm đau họng đột ngột, amidan sưng đỏ, đau khi nuốt và sốt.
  • Bệnh bạch hầu: Căn bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng này cũng có thể gây sốt, suy nhược và sưng hạch bạch huyết.
  • Ho gà: Bệnh do vi khuẩn gây đau họng do ảnh hưởng đến màng nhầy của đường hô hấp.

Một số bệnh khác có thể gây đau họng như:

  • Bệnh bạch cầu đơn nhân hay còn gọi là sốt hạch;
  • Bệnh sởi;
  • Thủy đậu;
  • Bệnh bạch hầu thanh quản.

Ở những trường hợp hiếm gặp, đau họng là dấu hiệu của HIV hoặc ung thu vòm họng.

Bất cứ ai có hệ miễn dịch suy yếu, như ở bệnh HIV, có thể dễ bị nấm miệng và nhiễm virus cytomegalo, đều ảnh hưởng đến cổ họng.

Dị ứng

Nếu bạn dị ứng với nấm mốc, lông thú nuôi hoặc phấn hoa đều có thể bị đau họng khi tiếp xúc với những dị nguyên này. Phản ứng dị ứng khiến chất nhầy tích tụ trong cổ họng, dẫn đến đau và viêm.

Không khí khô cũng có thể khiến cổ họng bạn thấy rát và ngứa.

Thuốc lá và rượu bia

Những người hút thuốc hay thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ cao bị đau họng.

Uống rượu bia cũng có thể gây kích ứng cổ họng.

La hét và nói chuyện

Nói chuyện quá lâu mà không nghỉ ngơi, nói to hay la hét có thể kéo căng các cơ vùng họng, gây đau rát họng.

 

Tổng kết

Trào ngược axit có thể gây ra một số triệu chứng bao gồm đau rát họng. Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này, kể cả trẻ sơ sinh. Phương pháp điều trị bao gồm các biện pháp tự chăm sóc và đối với trẻ lớn hơn và người lớn là sử dụng thuốc.

Hãy đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện với việc điều trị hoặc trở nên tệ hơn. Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng trào ngược đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào đáng lo ngại.

Nếu khó tiêu đi kèm cơn đau ngực, thở gấp hoặc đau ở vùng cánh tay và xương hàm thì hãy tới cơ sở y tế để được cấp cứu. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top