Vô sinh từng được xem là một tình trạng không thể khắc phục trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nhờ những thành tựu y học hiện đại, nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản đã ra đời, mở ra cơ hội làm cha mẹ cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Dưới đây là các kỹ thuật tiên tiến đang được áp dụng:
1.1 Đông lạnh tinh trùng, noãn và phôi
Từ những thành công đầu tiên trong thế kỷ XX (đứa trẻ đầu tiên ra đời từ tinh trùng đông lạnh năm 1953, từ phôi đông lạnh năm 1984 và từ noãn đông lạnh năm 1986), kỹ thuật đông lạnh ngày nay trở thành một phần thiết yếu trong điều trị vô sinh và bảo tồn sinh sản.
Chỉ định:
Bệnh nhân chuẩn bị hóa trị/xạ trị.
Cặp vợ chồng thực hiện IVF muốn bảo quản phôi.
Trường hợp hiến tặng noãn/tinh trùng/phôi.
Ưu điểm: Bảo tồn tế bào sinh dục ở thời điểm chất lượng cao nhất; tạo thuận lợi cho kế hoạch sinh con linh hoạt.
1.2 Đông lạnh mô buồng trứng
Được áp dụng chủ yếu ở phụ nữ trẻ mắc ung thư trước hóa trị. Mô buồng trứng được phẫu thuật bóc tách, đông lạnh, sau đó tái ghép để phục hồi chức năng nội tiết và khả năng sinh sản.
Tình trạng hiện tại: Khoảng 30 ca sinh sống đã được báo cáo; vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
2.1 IVF truyền thống
Là phương pháp cho trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài cơ thể, sau đó cấy phôi trở lại buồng tử cung. Từ ca đầu tiên năm 1978, kỹ thuật IVF đã giúp hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh có con.
2.2 Kỹ thuật hỗ trợ nâng cao hiệu quả IVF
Soi nhiễm sắc thể phôi (PGT-A): Phân tích bất thường về số lượng nhiễm sắc thể ở phôi giai đoạn phôi nang (day 5), giúp tăng tỷ lệ có thai và giảm sảy thai.
Ghi hình tua nhanh sự phân bào (Time-lapse monitoring): Giám sát sự phát triển của phôi trong phòng lab nhằm lựa chọn phôi có tiềm năng làm tổ cao nhất.
2.3 Cấy ghép phôi đơn
Thay vì cấy nhiều phôi để tăng khả năng thành công (dễ gây đa thai), xu hướng hiện nay là cấy một phôi duy nhất (Single Embryo Transfer – SET) ở giai đoạn phôi nang, giúp:
Tăng tỷ lệ làm tổ.
Giảm nguy cơ sinh non và biến chứng thai kỳ.
2.4 Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Kỹ thuật bơm trực tiếp một tinh trùng vào noãn nhằm tạo phôi. Hiệu quả cao, đặc biệt trong:
Vô sinh nam do tinh trùng yếu, dị dạng, thiểu năng.
Các trường hợp thất bại thụ tinh với IVF cổ điển.
Tuy nhiên, hiện ICSI đang được sử dụng rộng rãi cho cả những trường hợp không bị vô sinh nam, dẫn đến lo ngại lạm dụng kỹ thuật.
3.1 Mang thai hộ
Áp dụng cho phụ nữ không có tử cung hoặc không thể mang thai. Quy trình gồm:
Kích thích buồng trứng người mẹ, lấy noãn thụ tinh với tinh trùng chồng.
Phôi tạo thành được cấy vào tử cung người mang thai hộ.
Pháp lý và đạo đức là thách thức lớn, cần quản lý chặt chẽ.
3.2 Cấy ghép tử cung
Là phương pháp điều trị vô sinh cho phụ nữ không có tử cung bẩm sinh hoặc do cắt bỏ. Ca sinh sống đầu tiên được báo cáo tại Thụy Điển năm 2014, từ tử cung hiến tặng của một phụ nữ đã mãn kinh.
Quy trình: Ghép tử cung → theo dõi hồi phục chức năng → IVF và cấy phôi.
Lưu ý: Cấy ghép tử cung hiện vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, cần tiếp tục theo dõi hiệu quả và độ an toàn lâu dài.
Các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại – từ đông lạnh vật liệu sinh sản, thụ tinh nhân tạo đến cấy ghép tử cung – đã mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh. Tuy nhiên, ngoài khía cạnh kỹ thuật, cần quan tâm đến vấn đề đạo đức, pháp lý và tâm lý người bệnh khi áp dụng các phương pháp này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh