Xét nghiệm khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu theo dõi được sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân và có những hướng điều trị cụ thể nếu xuất hiện những nguy cơ bất lợi xảy ra.
Tầm quan trọng của các xét nghiệm khi mang thai
Xét nghiệm khi mang thai, một số xét nghiệm được đề xuất cho tất cả các mẹ bầu như là một phần của việc chăm sóc sức khỏe thường xuyên trước khi sinh. Những xét nghiệm này có thể giúp tìm ra các vấn đề có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho cơ thể của mẹ và cả thai nhi.
10 xét nghiệm khi mang thai cần được thực hiện sớm
Các xét nghiệm khi mang thai cần được thực hiện sớm, bao gồm:
Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC)
Nhóm máu
Xét nghiệm nước tiểu
Nuôi cấy mẫu nước tiểu
Rubella
Viêm gan B và viêm gan C
Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs)
HIV
Xét nghiệm lao (TB)
Xét nghiệm virus Zika
Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC)
Xét nghiệm phân tích tế báo máu là một trong những xét nghiệm khi mang thai quan trọng mà các mẹ bầu cần thực hiện. Xét nghiệm CBC có thể giúp các mẹ bầu xác định:
Số lượng hồng cầu có thể cho thấy cơ thể có đang bị thiếu máu hay không.
Số lượng tế bào bạch cầu cho thấy có bao nhiêu tế báo giúp chống lại bệnh tất có trong máu của người mẹ.
Số lượng tiểu cầu có thể tiết lộ liệu người mẹ có gặp vấn đề về đông máu hay không.
Nhóm máu
Xét nghiệm nhóm máu là một trong những xét nghiệm khi mang thai quan trọng, giúp mẹ bầu và các bác sĩ sẽ theo dõi được yếu tố Rh trong máu của bạn. Rh là một protein có thể có trên bề mặt hồng cầu. Hầu hết mọi người đều có yếu tố Rh hay Rh dương tính. Những người khác không có yếu tố Rh là Rh âm tính.
Trong trường hợp thai nhi là Rh dương tính và cơ thể người mẹ là Rh âm tính thì cơ thể mẹ vẫn có thể tạo ra các kháng thể chống lại yếu tố Rh. Những kháng thể này có thể làm hỏng tế bào hồng cầu của thai nhi
Xét nghiệm nước tiểu
Vì sao mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu trong thời kỳ mang thai? Vì trong nước tiểu có thể kiểm tra các tế bào hồng cầu giúp xác định khả năng thai phụ có bị bệnh về đường tiết niệu hay không; các tế bào bạch cầu sẽ xác định việc bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay hàm lượng gulose nếu mức độ cao có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu cũng đo được lượng protein nếu nồng độ protein cao trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một trong những biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi em bé ra đời.
Nuôi cấy mẫu nước tiểu
Xét nghiệm nuôi cấy nước tiểu giúp kiểm tra nước tiểu của sản phụ để tìm ra những vi khuẩn, nguồn cơn gây nên bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy mẹ đừng bỏ qua xét nghiệm khi mang thai quan trọng này nhé.
Rubella
Rubella có thể gây nên dị tật bẩm sinh cho trẻ nếu mẹ bầu bị nhiễm bệnh trong quá trình mang thai. Vì thế, xét nghiệm Rubella là một trong những xét nghiệm khi mang thai cực kỳ quan trọng.
Đối với xét nghiệm Rubella, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu của người mẹ để kiểm tra xem liệu trong quá khứ đã từng bị nhiễm Rubella hay đã được tiêm vắc – xin chống lại căn bệnh này.
Nếu người phụ nữ chưa từng bị Rubella trước đây hoặc chưa tiêm phòng thì điều cần làm là tránh tiếp xúc với bất kỳ người nào đang mắc bệnh này trong thời kỳ mang thai, vì khả năng lây lan của nó là rất cao.
Ngoài ra, nếu người mẹ chưa tiêm vắc-xin thì cần tiêm ngay sau khi sinh, ngay cả trong giai đoạn đang cho con bú. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai thì người mẹ không được phép tiêm ngừa Rubella.
Viêm gan B và viêm gan C
Đối với phụ nữ khi mang thai bị nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan C thì có thể truyền virus cho thai nhi. Vậy nên tất các phụ nữ mang thai cần phải xét nghiệm việc nhiễm virus viêm gan B hay không.
Trong một số trường hợp, nếu có những dấu hiệu về khả năng nhiễm viêm gan C thì sản phụ sẽ được chỉ định để thực hiện xét nghiệm ngay.
Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs)
Tất cả phụ nữ khi mang thai cần được làm xét nghiệm giang mai và chlamydia sớm trong thai kỳ. Vì hai căn bệnh này có thể gây ra những biến chứng cho cả mẹ lẫn thai nhi.
Nếu không may mắc bệnh, mẹ bầu sẽ được tiến hành điều trị kịp thời và hiệu quả. Nếu phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lậu, tuổi từ 25 trở xuống hoặc sống trong khu vực có người mắc bệnh cũng cần đến các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm cần thiết.
HIV
Nếu một phụ nữ khi mang thai bị nhiễm HIV thì khả năng cao là có thể truyền virus trực tiếp cho thai nhi. HIV tấn công các tế bào của hệ thống miễn dịch cơ thể và gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS).
Trong trường hợp không may, người mẹ đang mang thai và bị nhiễm HIV thì có thể được hướng dẫn cho dùng thuốc hoặc thực hiện các bước khác để ngăn ngừa và giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV trong khi mang thai, chuyển dạ hoặc sinh nở. Vì thế, xét nghiệm HIV là xét nghiệm khi mang thai mẹ không nên bỏ qua.
Xét nghiệm lao (TB)
Những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lao cao như những người bị nhiễm HIV hoặc sống gần gũi với người mắc bệnh lao cũng cần được thực hiện loại xét nghiệm này ngay.
Xét nghiệm virus zika
Đối với những phụ nữ mang thai nếu có đi du lịch qua các vùng dịch nhiễm virus Zika thì cần thông báo ngay với các cán bộ y tế để tiến hành những bước kiểm tra để xem sản phụ có hay không nhiễm loại virus này.
4 xét nghiệm khi mang thai thực hiện ở giai đoạn sau của thai kỳ
Nếu như trong giai đoạn đầu của thai kỳ thì mẹ bầu cần thực hiện 10 xét nghiệm khi mang thai kể trên để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe thì trong giai đoạn sau có 4 xét nghiệm chính mà mẹ bầu nên thực hiện. Đó là:
– Lặp lại xét nghiệm máu toàn bộ (CBC)
– Xét nghiệm kháng thể Rh
– Xét nghiệm sàng lọc glucose
– Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
Lặp lại xét nghiệm máu toàn bộ CBC
Xét nghiệm tổng bộ về máu sẽ giúp cho mẹ bầu nắm rõ được thực trạng sức khỏe và tình hình về vấn đề thiếu máu hay đông máu, vậy nên cần phải tiến hành lặp lại xét nghiệm khi mang thai này trong giai đoạn sau của thai kỳ.
Xét nghiệm kháng thể Rh
Nếu cơ thể người mẹ được xác định là Rh âm tính thì các bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu để xét nghiệm tìm kháng thể Rh trong khoảng từ tuần 28 đến 29 của thai kỳ. Nếu kết quả không có kháng thể Rh thì sản phụ sẽ được tiêm mũi immunoglobulin Rh để ngăn cơ thể tạo kháng thể trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ.
Còn trong trường hợp cơ thể xuất hiện kháng thể Rh thì mẹ bầu cần có chế độ chăm sóc đặc biệt
Xét nghiệm sàng lọc glucose
Xét nghiệm sàng lọc glucose (đường) trong máu thường được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 24 đến tuần 28 của thai kỳ. Đây là một xét nghiệm khi mang thai quan trọng. Nồng độ glucose cao sẽ là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ nên nếu sản phụ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc đã bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước thì việc sàng lọc cần được thực hiện ngay từ 3 tháng đầu của thai kỳ.
Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
GBS là một loại vi khuẩn sống trong âm đạo và trực tràng. Thường thì phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện nhưng GBS hoàn toàn có thể truyền cho thai nhi trong khi sinh. Hầu hết các em bé bị GBS từ mẹ thường không gặp vấn đề gì nhưng một số ít có thể mắc một số loại bệnh nhất định.
Các bệnh này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Vậy nên, GBS thường được phát hiện bằng xét nghiệm sàng lọc định kỳ được thực hiện trong khoảng tuần từ 36 đến 38. Do đó, mẹ bầu không nên bỏ qua xét nghiệm khi mang thai quan trọng này.
Nếu người mẹ không may dương tính với kết quả xét nghiệm GBS thì có thể sử dụng kháng sinh trong quá trình chuyển dạ để giúp em bé ngăn ngừa việc nhiễm bệnh.
Sự khác biệt giữa xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Các xét nghiệm sàng lọc được thực hiện trong thai kỳ để đánh giá nguy cơ thai nhi có một số dị tật bẩm sinh phổ biến hay không. Xét nghiệm sàng lọc không thể cho biết thai nhi có thực sự bị dị tật bẩm sinh vậy nên không có rủi ro cho thai nhi khi làm xét nghiệm sàng lọc
Trong khi đó các xét nghiệm chẩn đoán thực sự có thể phát hiện nhiều vấn đề, nhưng không phải tất cả. Dị tật bẩm sinh được xác định là do khiếm khuyết trong gen hoặc nhiễm sắc thể. Xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện thay vì sàng lọc nếu một cặp vợ chồng có tiền sử gia đình bị dị tật bẩm sinh, thuộc một nhóm dân tộc nhất định hoặc nếu cặp vợ chồng đã có con bị dị tật bẩm sinh.
Các xét nghiệm chẩn đoán cũng là một trong những xét hàng quan trọng và cần thực hiện cho tất cả phụ nữ mang thai, bao gồm cả những người không có yếu tố nguy cơ.
Bước đầu tiên trong sàng lọc dị tật bẩm sinh là gì?
Sàng lọc các khuyết tật bẩm sinh bắt đầu bằng cách đánh giá các yếu tố nguy cơ của người mẹ. Các bác sĩ sẽ đưa ra một danh sách các câu hỏi có liên quan đến tìm hiểu xem sản phụ có các yếu tố rủi ro như tiền sử cá nhân hoặc gia đình có người bị dị tật bẩm sinh hay không, có độ tuổi trên 35 hay không hoặc đã từng bị tiểu đường trước đây.
Xét nghiệm thể mang (carrier screening)
Sàng lọc thể mang là một xét nghiệm khi mang thai quan trọng, có thể cho thấy người mẹ hoặc người cha có rối loạn về gen nhất định nào không, chẳng hạn như xơ nang. Xét nghiệm thể mang có thể được thực hiện trước hoặc trong khi mang thai. Xét nghiệm này thường được đề nghị nếu người phụ nữ hoặc đối tác nam giới bị rối loạn di truyền, có con bị rối loạn di truyền, có tiền sử gia đình bị rối loạn di truyền hoặc thuộc nhóm dân tộc có nguy cơ mắc các rối loạn cụ thể.
Xét nghiệm sàng lọc khác cho dị tật bẩm sinh có thể được thực hiện trong thai kỳ là gì?
Các xét nghiệm sàng lọc bao gồm kiểm tra siêu âm kết hợp với xét nghiệm máu đo mức độ của một số chất nhất định trong máu của người mẹ.
Xét nghiệm chẩn đoán dị tật bẩm sinh có thể được thực hiện trong thai kỳ là gì?
Các xét nghiệm chẩn đoán dị tật bẩm sinh bao gồm chọc ối, lấy mẫu lông nhung màng đệm và kiểm tra siêu âm nhắm mục tiêu.
Lựa chọn xét nghiệm dị tật bẩm sinh
Xét nghiệm trước dị tật bẩm sinh sẽ cho phép người mẹ lựa chọn quyết định về việc tiếp tục mang thai hay không. Nếu trong trường hợp tiếp tục mang thai, thì người mẹ cần chuẩn bị sẵn tinh thần vì đứa trẻ khi sinh ra sẽ có những rối loạn đặc biệt và việc chăm sóc là rất khó khăn. Vậy nên trước khi đưa ra quyết định, người mẹ cần trao đổi trực tiếp với các bác sĩ để có một lựa chọn chính xác nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh