Triệu chứng của tình trạng tiền sản giật sau sinh

Theo Momjunction, tình trạng này tuy hiếm gặp nhưng lại cần được chăm sóc y tế ngay lập tức bởi có thể để lại di chứng là động kinh, đột quỵ và nhiều biến chứng khác ảnh hưởng lên sức khỏe của người mẹ.

Tiền sản giật sau sinh cũng giống như tình trạng tiền sản giật xảy ra khi đang mang thai. Tăng huyết áp và protein niệu trên 300mg sẽ có thể dẫn đến tình trạng tiền sản giật sau sinh rất nhanh.

Tiền sản giật sau sinh có thể sẽ xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi sinh hoặc muộn nhất là trong vòng 6 tuần sau khi sinh. Trong trường hợp xuất hiện muộn, tình trạng này sẽ được gọi là tiền sản giật muộn sau sinh.

Nếu bạn được chẩn đoán bị tiền sản giật sau sinh ngay khi mới sinh bé, bạn sẽ phải ở lại viện lâu hơn cho tới khi huyết áp bạn trở về mức có thể kiểm soát được. Nếu tình trạng tăng huyết áp vẫn tồn tại, bạn sẽ cần phải uống thuốc để kiểm soát các nguy cơ bệnh tim mạch có thể dẫn đến các vấn đề về tim và mạch máu sau này.

Dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng tiền sản giật sau sinh

Rất khó để phát hiện tình trạng tiền sản giật sau sinh. Trong đa số các trường hợp, phụ nữ thường sẽ không cho thấy bất cứ một dấu hiệu nào trong suốt quá trình mang thai. Một phần cũng là vì các mẹ thường quá mải chăm lo cho em bé mới ra đời mà quên không để ý những triệu chứng tiền sản giật của mình.

Dưới đây là danh sách những triệu chứng sẽ giúp bạn sớm nhận ra tình trạng tiền sản giật sau sinh để báo với bác sỹ kịp thời:

  • Tăng huyết áp (huyết áp tăng trên 140/90 mmHg)
  • Protein niệu trên 300mg
  • Mất thị lực tạm thời hoặc nhìn mờ. Mắt bạn cũng có thể sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng như nhức mỏi, chói mắt, lóa mắt quá mức.
  • Bạn có thể sẽ bị buồn nôn và nôn mửa, đau đầu dữ dội hoặc đau bụng ở vùng ngay dưới sườn phải.
  • Giảm số lượng nước tiểu
  • Tăng cân bất thường khoảng 1kg/tuần
  • Phù mặt và chân

Càng có nhiều những triệu chứng trên thì rất có thể bạn đã bị tiền sản giật sau sinh. Hãy đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt.

 

Nguyên nhân tiền sản giật sau sinh

Nguyên nhân chính xác của tình trạng tiền sản giật hoặc tiền sản giật sau sinh hiện vẫn chưa rõ. Tiền sản giật sau sinh có thể đã tiềm ẩn thậm chí trước cả khi bạn sinh em bé, nhưng chỉ trở nên rõ ràng hơn sau khi bạn đã sinh.

Nếu bạn có tiền sử gia đình bị tiền sản giật sau sinh thì bạn sẽ có nguy cơ cao cũng bị ảnh hưởng.

 

Các yếu tố nguy cơ của tình trạng tiền sản giật sau sinh

Bạn sẽ có nguy cơ bị tiền sản giật sau sinh cao hơn nếu:

  • Bạn bị tăng huyết áp sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
  • Bạn mang thai trước tuổi 20 hoặc sau tuổi 40.
  • Chị gái hoặc mẹ bạn có tiền sử bị tiền sản giật sau sinh
  • Bạn bị béo phì
  • Bạn mang thai đôi hoặc mang đa thai

 

Biến chứng của tiền sản giật sau sinh

Bản thân tình trạng tiền sản giật sau sinh vốn đã rất nguy hiểm nhưng tiền sản giật sau sinh cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Sản giật sau sinh: có triệu chứng giống như tiền sản giật sau sinh và cũng có thể dẫn đến tình trạng co giật. Sản giật sau sinh cũng có thể gây ra tổn thương hoàn toàn các cơ quan quan trọng như não, thận và gan. Hơn nữa, nếu sản giật sau sinh không được điều trị kịp thời, có thể sẽ dẫn đến hôn mê hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng trong một số trường hợp.

Nghẽn mạch huyết khối: là sự phối hợp của 2 tình trạng: huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc mạch phổi. Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng như khó thở, đau ngực, ho, lo âu và sốt. Những trường hợp nghẽn mạch huyết khối rất nặng có thể dẫn đến tử vong.

Đột quỵ có thể xảy ra khi não thiếu máu cung cấp, dẫn đến rối loạn nhiều cơ quan khác nhau.

Phù phổi là một tình trạng bệnh nặng ở phổi, khiến dịch lỏng tích tụ trong các mô và khoang không khí trong phổi. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho ra máu, lo âu và ra rất nhiều mồ hôi.

Hội chứng HELLP (tan máu, tăng enzyme gan và hạ tiểu cầu) đây là một biến thể của tình trạng tiền sản giật. Hội chứng HELLP có thế dẫn đến tình trạng nhồi máu ở gan, xuất huyết và hoại tử.

Tình trạng tiền sản giật sau sinh nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng lúc, có thể sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong.

 

Điều trị tiền sản giật sau sinh

Nếu bạn được chẩn đoán mắc tiền sản giật sau sinh, các bác sỹ thường sẽ khuyến nghị bạn nên dùng các thuốc để điều trị tình trạng tăng huyết áp.

Trong những trường hợp tiền sản giật sau sinh nhẹ, bác sỹ thường sẽ chỉ định dùng magie sulfate trong 24 giờ. Bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ về huyết áp và nước tiểu.

Bạn cũng sẽ được kê đơn dùng các thuốc chống tăng huyết áp nếu huyết áp của bạn cao hơn 150/100 mmHg.  Các loại thuốc này thường sẽ có tác dụng phụ là đau đầu, đỏ mặt, buồn nôn, tim đạp nhanh. Huyết áp của bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ và liều thuốc chống tăng huyết áp sẽ được giảm dần khi huyết áp của bạn dần trở về mức bình thường.

 

Tiền sản giật sau sinh có chữa khỏi được không?

Huyết áp của bạn sẽ trở về mức bình thường trong vòng vài ngày sau khi sinh. Trong một số trường hợp, sẽ phải mất đến 6 tuần hoặc nhiều hơn.

Tuy nhiên, những phụ nữ bị tiền sản giật có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 3,7 lần trong tương lai, nguy cơ bị thiếu máu cục bộ tim cao hơn 2,2 lần và nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 1,8 lần  so với những phụ nữ không bị tiền sản giật sau sinh.

 

Dự phòng tiền sản giật sau sinh

Chưa có cách nào được khẳng định sẽ dự phòng được tình trạng tiền sản giật sau sinh. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe của bạn thường xuyên sẽ giúp làm giảm tối đa nguy cơ tiền sản giật sau sinh.  Dưới đây là một số cách:

Duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì cân nặng hợp lý thậm chí kể cả trước khi bạn mang thai và khi đã mang thai bằng cách ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập luyện thể thao. Thừa cân hoặc thiếu cân có thể làm bạn có nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả tình trạng tiền sản giật. Thường xuyên kiểm tra cân nặng của mình và nếu bạn nhận thấy bất cứ tình trạng tăng cân bất thường nào, hãy liên lạc với bác sỹ. Đừng cố tăng cân quá nhiều khi mang thai.

Ăn uống khỏe mạnh: Đảm bảo rằng bạn bổ sung đủ vitamin, chất khoáng và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa trong chế độ ăn của bạn. Những loại thực phẩm này sẽ giúp bạn duy trì huyết áp bình thường trong suốt quá trình mang thai. Và nên tránh ăn đồ ăn vặt chế biến sẵn.

Uống đủ nước: Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc) và sữa. Tuy nhiên, nên tránh uống các loại nước trái cây nhiều đường. Cắt giảm đồ uống có cồn và có caffeine.

Khám thai định kỳ: Trong suốt quá trình mang thai, hãy thường xuyên tới khám bác sỹ và kiểm tra huyết áp. Thường xuyên đi khám sẽ giúp bác sỹ phát hiện ra tình trạng tiền sản giật ở giai đoạn sớm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top