Tiến triển của đau đầu do tăng huyết áp phụ thuộc vào hai yếu tố: bản thân huyết áp và trạng thái tâm lý.
Cho tới nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về sự tương quan giữa chỉ số của huyết áp với triệu chứng đau đầu, đều kết luận là không có sự song song hằng định nào cả. Trên thực tế, có một số bệnh nhân tăng huyết áp không bao giờ bị đau đầu, nhất là trong thời kỳ bệnh tăng huyết áp chưa có biến chứng. Hơn nữa, đau đầu tiến triển không phải bao giờ cũng song song với sự thay đổi của chỉ số huyết áp.
Còn nói chung, một số khá lớn trường hợp đau đầu có biến đổi theo sự tiến triển của huyết áp hạ, có thể do ảnh hưởng không nhỏ của trạng thái tâm lý- cảm xúc bớt căng thẳng, tâm lý liệu pháp và biện pháp điều trị. Do đó, tác dụng điều trị có kết quả tốt nhất là bao giờ cũng phải kết hợp thuốc an thần với thuốc chống tăng huyết áp.
Đặc biệt còn loại đau đầu triệu chứng của bệnh não do tăng huyết áp giả u, mà ở đây nổi bật lên là yếu tố phù nề não. Trong trường hợp này, đau đầu dữ dội có thể khu trú ở nhiều khu vực: thường là khu sau đầu, nhưng cũng có thể đau trội ở một bên.
Phần lớn trong một đợt tiến triển, đau đầu có thể kéo dài thường xuyên suốt đêm ngày, xao xuyến, vật vã, thường kèm theo triệu chứng nôn. Hầu như bao giờ cũng có những dấu hiệu thần kinh khách quan: rối loạn nhìn (bán manh, nhìn đôi), rối loạn thăng bằng, đôi khi xuất hiện cơn co giật.
Thường có rối loạn ý thức, có thể từ trạng thái lú lẫn, u ám tới hôn mê. Thường có những biến đổi điện não lan tỏa, ít nhiều tương đối nặng. Đáy mắt có những tổn thương thường gặp của bệnh tăng huyết áp, nhưng cũng có thể thấy chảy máu và phù nề gai thị giác.
Áp lực dịch não tủy tăng và albumin cao. Bệnh não tăng huyết áp thường xuất hiện khi huyết áp tối thiểu trên 130mmHg. Giữa các đợt tiến triển, đau đầu vẫn mang tính chất cơ bản thông thường. Cũng cần lưu ý là bệnh não tăng huyết áp thể giả u này nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến đột quỵ não.
Trước tiên phải điều trị căn nguyên bệnh tăng huyết áp. Đồng thời phải xử trí ngay hội chứng tăng huyết áp bằng các biện pháp thích hợp: bắt đầu từ những liều thuốc nhẹ, sau đó tăng dần (ăn nhạt, lợi tiểu cách quãng, methyldopa, chống mất kali). Tránh dùng loại thuốc giảm huyết áp mạnh ngay lúc đầu. Bao giờ cũng phải cho thêm thuốc an thần kết hợp: những thuốc trấn tĩnh thần kinh như diazepam nhưng nếu chưa đủ tác dụng thì có thể kết hợp với chống trầm cảm như amitriptylin, imipramin…
Trong những trường hợp nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi, nằm thư giãn cũng có thể làm giảm mức độ đau đầu do tăng huyết áp. Trường hợp đau đầu do tăng huyết áp có kết hợp với bệnh Migraine thì sử dụng các loại thuốc chống Migraine kết hợp. Trong quá trình điều trị cần theo dõi chỉ số của huyết áp và mức độ của đau đầu. Khoảng 1/4 trường hợp thấy có sự thuyên giảm song song huyết áp và đau đầu.
Có trường hợp huyết áp giảm nhưng đau đầu vẫn tồn tại. Đó là do không dùng thuốc an thần kết hợp và trạng thái tâm lý chưa được ổn định. Khi nghi ngờ xuất hiện bệnh não tăng huyết áp cần đưa người bệnh tới khoa cấp cứu hồi sức hoặc khoa thần kinh.
Ở đấy thầy thuốc sẽ cho dùng các loại thuốc có tác dụng nhanh và mạnh hơn theo đường tiêm, truyền tĩnh mạnh sodium nitroprusside, diazoside, hydralazine, enalaprilat… Cần thận trọng những loại thuốc này không được dùng trong điều trị ngoại trú .
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh