✴️ Ứ sản dịch sau sinh - Biến chứng nguy hiểm mẹ cần lưu ý

Ứ sản dịch là hiện tượng gì?

Ứ sản dịch hiểu một cách đơn giản nhất là sản dịch sau khi sinh không thoát ra ngoài được mà ứ đọng trong tử cung. Tình trạng này khác nguy hiểm và cần hết sức lưu ý vì nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nhiễm khuẩn sản dịch, chảy máu không cầm được… thậm chí còn có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ.

Thông thường, sau khi sinh, dù là sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể sẽ tiết sản dịch. Sản dịch này gồm có máu, nước ối còn sót, dịch tiết cổ tử cung và các mảnh vụn của lớp nội mạc cổ tử cung. Chúng sẽ được đẩy ra ngoài cổ tử cung cho đến khi hết hẳn. Thời gian chảy sản dịch ở mỗi sản phụ là khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Có người chỉ 7 – 10 ngày là hết sản dịch nhưng cũng có người tận một tháng hoặc hơn mới hết.

Sản dịch dễ bị phân hủy và dễ bị vi khuẩn tấn công. Vì thế tình trạng ứ sản dịch sau sinh không được xử trí sớm sẽ bị vi khuẩn gây hại tấn công và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ứ sản dịch sau sinh

Ứ sản dịch sau sinh có thể do một vài nguyên nhân dưới đây gây nên:

Sinh mổ

Thông thường, quá trình sinh mổ sẽ khiến sản phụ bị mất nhiều máu hơn so với sinh thường. Hơn nữa, em bé không chui qua cổ tử cung, cũng nhiều trường hợp chưa xuất hiện chuyển dạ nên tử cung co bóp kém hơn khiến cho sản dịch bị đẩy ra ngoài chậm và ít, dễ bị ứ đọng trong tử cung.

Biến chứng sau sinh

Một vài vấn đề xảy ra trong và sau sinh như thai to, đa ối, quá trình chuyển dạ kéo dài… có thể khiến sản phụ dễ bị ứ sản dịch sau sinh.

Mất nhiều máu

Mất máu là điều hiển nhiên trong quá trình sinh dù là sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, những trường hợp mất máu quá nhiều sẽ khiến tử cung co bóp kém, thậm chí nhiều trường hợp tử cung không thể co bóp nên không đẩy được sản dịch ra ngoài, gây ứ đọng.

Chế độ hậu sản không đảm bảo

Sau sinh, nếu sản phụ nằm một chỗ lâu ngày, không vận động hoặc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ sẽ dẫn đến nhiễm trùng và làm tăng nguy cơ bị ứ sản dịch sau sinh.

Nguyên nhân khách quan

Ngoài những nguyên nhân trên, trường hợp sức khỏe sản phụ yếu, trương lực cơ tử cung kém hay cổ tử cung bị đóng kín cũng sẽ không đẩy được sản dịch ra ngoài.

Ứ sản dịch sau sinh có biểu hiện như thế nào?

Những ngày đầu sau sinh, sản phụ sẽ bị ra một lượng sản dịch lớn, có màu đỏ tươi giống kinh nguyệt kèm theo các cục máu đông. Sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày, lượng sản dịch giảm dần, loãng hơn, gồm chủ yếu là các tế bào bạch cầu và tế bào của niêm mạc tử cung.

Lượng sản dịch ngày càng ít và có thể hết sạch sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, một số người thời gian hết sản dịch có thể kéo dài đến hơn một tháng, nhưng tối đa sẽ là 45 ngày sau khi sinh. Đây là biểu hiện ra sản dịch bình thường.

Nếu bạn thấy cơ thể mình xuất hiện những triệu chứng dưới đây thì rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng ứ sản dịch sau sinh và cần đi khám ngay:

  • Sản dịch chảy rất ít dù là chỉ sau sinh có vài ngày, kèm theo tình trạng sản dịch có mùi hôi do bị nhiễm trùng.
  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao.
  • Vùng hạ vị căng tức, thỉnh thoảng bị đau.
  • Sờ ở bụng thấy có cục cứng.
  • Đau khi ấn vào đáy tử cung, cổ tử cung đóng kín.

Ứ sản dịch sau sinh có biểu hiện như thế nào?

Ứ sản dịch có nguy hiểm không?

Ứ sản dịch là tình trạng có tính nguy hiểm. Nếu không được xử trí kíp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn máu, chảy máu không cầm, rối loạn đông máu. Nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng có thể phải cắt bỏ toàn bộ tử cung.

Vì thế, sau sinh, chị em cần quan sát kỹ cơ thể mình, nếu có dấu hiệu bất thường phải đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe cũng như có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa biến chứng xấu.

Điều trị ứ sản dịch sau sinh

Ứ sản dịch sau sinh không thể điều trị khỏi tại nhà mà phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa đưa ra phương pháp hiệu quả nhất. Các phương pháp thường được áp dụng là:

Hút dịch tử cung

Bác sĩ sẽ sử dụng ống hút để hút hết sản dịch còn ứ đọng bên trong tử cung. Ống hút này phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối để tránh gây viêm nhiễm cũng như những nguy hiểm khác cho sản phụ.

Nong cổ tử cung

Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên khoa để nong cổ tử cung, giúp lấy hết phần sản dịch đang ứ đọng ra ngoài. Thủ thuật này cần được thực hiện ở cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh để tránh biến chứng.

Sử dụng thuốc

Nhiều trường hợp ứ sản dịch sau sinh do tử cung co bóp kém, đóng kín nên bác sĩ sẽ chỉ định thuốc gây co bóp tử cung để đẩy sản dịch ra ngoài.

Phòng ngừa ứ sản dịch sau sinh

Ứ sản dịch sau sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nếu không được xử trí sớm. Vì thế, phòng ngừa ngay từ đầu là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của sản phụ. Hãy áp dụng các biện pháp sau:

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Sản phụ cần chú ý đến vấn đề vệ sinh vùng kín sau sinh để tránh nhiễm khuẩn. Sản dịch là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng sinh sôi phát triển, gây viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung và làm tăng nguy cơ bị ứ sản dịch.

Bên cạnh đó, chị em cũng nên chọn loại băng vệ sinh đảm bả, thấm hút tốt và thay băng thường xuyên khoảng 4h/lần để hạn chế nhiễm khuẩn.

Vận động nhẹ nhàng

Sau sinh, dù biết mẹ khá mệt mỏi và mất sức nhưng mẹ hãy cố gắng đi lại và vận động nhẹ nhàng vì nó rất tốt cho sức khỏe. Vận động không chỉ giúp cổ tử cung co bóp mạnh để đẩy sản dịch ra ngoài mà còn tốt cho tiêu hóa của mẹ, hạn chế tình trạng táo bón sau sinh cũng như một vài vấn đề khác.

Cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt

Việc bé bú mẹ có tác dụng kích thích cổ tử cung co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn. Vì thế, ngay sau khi sinh, hãy cho bé bú sớm nhất có thể. Ngoài việc bé bú trực tiếp, mẹ cũng nên hút sữa theo cữ để vừa tăng co bóp tử cung vừa giúp sữa về nhiều hơn, hạn chế tắc tia sữa.

Đi tiểu thường xuyên

Việc đi tiểu sau sinh dường như là cực hình với những mẹ sinh thường vì đa số các mẹ phải rạch tầng sinh môn. Tuy nhiên, hãy cố gắng đi tiểu thường xuyên, đi ngay khi buồn tiểu để bang quang hoạt động bình thường trở lại. Nếu nhịn tiểu, bang quang đầy sẽ khiến tử cung co bóp khó hơn nên việc đẩy sản dịch cũng kém hiệu quả.

Có chế độ ăn uống hợp lý

Sau sinh, mẹ cần bổ sung nhiều dưỡng chất để bồi bổ sức khỏe và giúp sữa chất lượng hơn. Bên cạnh đó, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm có tác dụng kích thích tử cung co bóp như canh rau ngót, đu đủ xanh, mướp đắng…

Xem thêm: Các xét nghiệm sàng lọc sau sinh mà mẹ bầu cần nắm rõ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top