Họng là nơi giao nhau giữa đường ăn và đường thở. Kể cả không khí, thức ăn hay nước uống muốn vào cơ thể đều phải đi qua họng. Chính vì đóng vai trò “cửa ngõ” như vậy nên bộ phận này thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài đưa vào cơ thể bao gồm vi khuẩn, virus gây bệnh,.. Chính vì vậy hãy bảo vệ họng ngay trong những sinh hoạt hàng ngày để chúng luôn được khỏe mạnh.
Dưới đây là một vài yếu tố có thể gây hại cho họng của bạn.
Hút thuốc lá
Khói thuốc lá có chứa hóa chất có hại cho cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Trong khói thuốc lá có đến hơn 7.000 hóa chất, ít nhất 250 chất được biết là có hại, trong đó là 69 chất có thể gây ung thư, ví dụ như asen, benzen, vinyl clorua…
Lúc người hút thuốc lá hít mạnh vào, nhiệt độ ở đầu điếu thuốc là 70 – 80oC, làn khói nóng chỉ đi qua một đoạn đường ngắn là vào đến thanh quản. Điều này vô cùng độc hại niêm mạc ở họng và thanh quản, dẫn đến hiện tượng sưng niêm mạc và xuất huyết. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến ung thư thanh quản và vòm họng.
Bên cạnh đó, khói thuốc cũng làm phì đại tuyến dưới niêm mạc (submucosal), tăng tiết chất nhầy, làm rối loạn môi trường đường hô hấp và tắc nghẽn khí quản.
Thở bằng miệng
Trong một số trường hợp như tắc nghẹt mũi, viêm mũi, có khối u hoặc vách ngăn ở mũi… khiến việc hít thở qua đường mũi gặp khó khăn và người bệnh phải hít thở đường miệng.
Không khí không qua mũi được hít thở trực tiếp qua đường miệng xuống lồng ngực sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn họng. Đó là vì các chất bụi bẩn trong không khí không được lọc lại như khi thở qua đường mũi. Hít thở qua đường miệng cũng họng không được giữ ấm, độ ẩm tăng nên rất dễ nhiễm khuẩn họng, gây viêm họng mạn tính hoặc đau họng, viêm amidan.
Tương tự như vậy, những người có thói quen thở bằng miệng khi ngủ cũng có nguy cơ bị viêm họng mạn tính cao hơn người khác.
Ăn thức ăn cay nóng quá nhiều
Ăn quá cay, quá nóng hoặc thường xuyên ăn những thực phẩm này có thể làm bỏng miệng, nóng rát trong cổ họng, tác động xấu đến lớp niêm mạc họng cũng như làm ảnh hưởng khẩu vị và sức khỏe hô hấp của bạn. Nếu niêm mạc họng thường xuyên bị tác động, bỏng rát, tổn thương… có thể dẫn đến mỏng đi, thậm chí teo dần đi.
Khi niêm mạc họng bị teo dần, những tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng teo đi làm niêm mạc họng bị khô và đóng vảy mỏng, vàng, khô bám họng, họng trở nên rộng hơn và nguy cơ viêm họng mạn tính cũng sẽ tăng lên.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh