✴️ Những bệnh tai mũi họng thường gặp

Đặc điểm bệnh tai mũi họng

Tai – mũi – họng không phải các bộ phận riêng rẽ mà được thông với nhau như các xoang thông với mũi, mũi họng thông với tai, xương chũm qua vòi nhĩ. Lớp niêm mạc ở tai mũi họng phụ thuộc vào hệ thống mạch máu và thần kinh rất phong phú nên bệnh tai mũi họng chủ yếu là bệnh lý niêm mạc, rất dễ bị tái phát ở đối tượng cơ địa dị ứng, trẻ em.

  • Khi bị thương, nhiễm khuẩn rất dễ lan từ hốc này sang hốc khác do các hốc tai mũi họng đều thông với nhau: xoang trán dễ viêm khi bị viêm mũi, vết thương ở xoang trán lại là vết thương kín và dễ chứa dị vật như đạn, đá, đất…
  • Tai mũi họng có vị trí gần các cơ quan quan trọng như màng não, não, mê đạo, các dây thần kinh, mạch máu lớn.

Bệnh tai mũi họng không phải bệnh riêng của từng bộ phận, do cấu tạo tai mũi họng có các hốc thông với nhau và thông ra bên ngoài nên sẽ liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận khác: viêm họng sẽ gây viêm mũi, viêm thanh quản; viêm họng – mũi lại gây viêm xoang.

Bên cạnh đó, tai mũi họng thông với môi trường bên ngoài nên càng dễ bị bệnh tai mũi họng liên quan đến môi trường bên ngoài với hai yếu tố cơ bản là: nhiễm khuẩn và dị ứng.

Việc hình thành bệnh tai mũi họng cũng do các yếu tố quan trọng khác như nhiệt độ, thời tiết.

Bộ máy hô hấp và tiêu hóa là hai bộ phận chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của bệnh tai mũi họng. Vậy nên khi sử dụng thuốc điều trị tai mũi họng cần được sự chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến các bộ phận và cơ quan khác trong cơ thể.

5 bệnh tai mũi họng thường gặp

Viêm tai giữa

Các tác nhân virus, vi khuẩn hay nấm là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai giữa. Vi khuẩn gây bệnh viêm tai giữa thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae, ngoài ra còn có Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh nhiễm trùng tai ở thanh thiếu niên lớn tuổi hơn và người lớn trẻ tuổi là Haemophilus influenzae.

Viêm tai giữa cũng có thể do các loại virus như virus hợp bào hô hấp (RSV) và những loại gây ra cảm lạnh thông thường bằng cách làm tổn hại đến hệ thống phòng thủ bình thường của các tế bào biểu mô đường hô hấp trên.

Tỷ lệ trẻ em mắc viêm tai giữa chiếm khoảng 10 – 20%, thời điểm trẻ dễ bị mắc bệnh nhất là thời gian giao mùa sang mùa thu, tầm tháng 9 – tháng 10.

Bệnh tai mũi họng

Viêm tai giữa rất dễ gặp phải ở trẻ nhỏ

Đau tai, sốt cao, đau nhức đầu, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa, kém phản ứng với âm thanh là những triệu chứng điển hình của viêm tai giữa. Bệnh dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khoẻ, nghiêm trọng nhất là biến chứng thủng màng nhĩ khiến người bệnh mất thính lực hoàn toàn.

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm tai giữa, cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, tránh xa khói thuốc lá, cho trẻ nhỏ bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời, cho trẻ bú bình ở tư thế thẳng lưng, tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng của quốc gia.

Viêm họng

Bệnh tai mũi họng dễ gặp nhất là viêm họng, có 3 loại viêm họng chính là viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét.

Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt khi trời trở lạnh rất dễ bị viêm họng, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và tiến triển nhanh nếu không được điều trị.

Virus là nguyên nhân chính gây bệnh viêm họng, một vài trường hợp bệnh viêm họng do vi khuẩn gây nên do sự tác động của các yếu tố thuận lợi như thay đổi thời tiết, khói bụi, sức đề kháng kém.

Viêm họng có triệu chứng như viêm đỏ niêm mạc họng màn hầu, trụ trước, trụ sau amidan, thành sau họng, giả mạc ở họng và amidan, đau rát họng, khát nước, đau nhức mình mẩy, hạnh viêm vùng góc hàm, sốt, ớn lạnh, nhức đầu.

Bệnh tai mũi họng

Khi thời tiết chuyển mùa là lúc dễ bị viêm họng nhất

Viêm xoang

Tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi được gọi là viêm xoang, bệnh do các nguyên nhân khác nhau dẫn đến như nhiễm khuẩn, virus, dị ứng, nấm.

Có thể chia viêm xoang thành 2 loại là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính.

Viêm xoang mãn tính dễ tái phát và nguy hiểm hơn so với viêm xoang cấp tính. Trẻ em dưới 6 tuổi, người bị viêm mũi dị ứng, viêm VA, viêm amidan là đối tượng thường gặp phải viêm xoang nhất. Những dấu hiệu khởi phát là khi trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, hay sốt vặt, cơ địa dị ứng, thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp trên nhưng không được điều trị dứt điểm dẫn đến viêm mũi xoang.

Người lớn viêm niêm mạc mũi xoang sẽ tiến triển thành viêm xoang mạn tính kèm các triệu chứng như đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm ngửi, ho, khịt khạc đờm, soi mũi thấy khe giữa và khe trên có mủ, sốt, kém tập trung, người mệt mỏi. Những triệu chứng này sẽ kéo dài trên 12 tuần.

Bệnh tai mũi họng

Viêm xoang mạn tính sẽ kéo dài và rất dễ tái phát nặng hơn

Viêm amidan

Với vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn gây bệnh nên amidan có thể bị viêm khi có quá nhiều vi khuẩn, virus xâm nhập. Mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm amidan nhưng trẻ em, thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị viêm amidan nhất.

Các triệu chứng khởi phát ở giai đoạn cấp tính viêm amidan sẽ là đau họng, sốt, chảy nước mũi, hai bên amidan sưng lớn, vùng họng viêm đỏ… triệu chứng sẽ càng nặng thêm khi bệnh chuyển qua giai đoạn mạn tính.

Bệnh tai mũi họng

Viêm amidan do virus, vi khuẩn xâm nhập 

Viêm amidan mạn tính sẽ gây nên những triệu chứng như đau nhói vùng họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi… Khi amidan tái đi tái lại nhiều lần trong năm sẽ sưng to cản trở đường ăn uống, gây khó thở và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác, giải pháp cuối cùng sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ amidan.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là bệnh tai mũi họng tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ những sẽ gây cảm giác khó chịu.

Thời tiết, môi trường, nấm mốc, cơ địa… đều là những yếu tố dẫn đến viêm mũi dị ứng.

Trong thời gian dài bị viêm mũi dị ứng sẽ trở thành tình trạng mạn tính, từ đó tình trạng nghẹt mũi xảy ra thường xuyên, khả năng bị ù tai kèm theo nhức đầu, đau nặng đầu (dễ nhầm lẫn với viêm xoang).

Bệnh tai mũi họng

Viêm mũi dị ứng rất khó chịu ảnh hưởng tới cuộc sống 

Một số trường hợp người bị viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài bị loạn khứu giác (mất mùi), ngủ ngáy do bị nghẹt mũi.

Viêm mũi dị ứng tuy không ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ người mắc nhưng luôn gây cảm giác khó chịu cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Lưu ý không nên tự đi mua thuốc uống hoặc dùng lại đơn thuốc được kê từ lần trước khi có các dấu hiệu của bệnh tai mũi họng mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chỉ định dùng thuốc.

Xem thêm: Tai mũi họng liên quan nhau như thế nào?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top